Trẻ sớm nhạy cảm sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc vì con luôn phải ngoan ngoãn, làm hài lòng người khác.
Nhiều ba mẹ thường muốn con là một đứa trẻ vâng lời, luôn biết cách làm đẹp lòng mọi người, Điều đó thật sự không cần thiết và đã vô tình làm trẻ sớm nhạy cảm ở lứa tuổi còn quá nhỏ. Trẻ luôn phải o ép bản thân, kìm nén những mong muốn tự nhiên trong suốt quá trình tuổi thơ và điều này thậm chí sẽ lặp đi lặp lại khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành.
Trẻ ngay từ nhỏ được ba mẹ cho phép làm 7 điều này, lớn lên sẽ thành người hạnh phúc, thành công
Khi Kỳ Kỳ còn nhỏ, gia đình em rất nghèo. Tết đến, mặc dù rất thích chiếc váy mới màu trắng điểm xuyết những bông hoa nhỏ trên bâu áo nhưng cô bé vẫn nói: “Mẹ cứ mua đồ cho anh hai, con không thích chiếc váy này”. Mặc dù vậy, em vẫn cầu mong mẹ sẽ đọc được suy nghĩ của em. Song điều đó chỉ là vô vọng. Vẫn chỉ có anh trai mặc nhiên năm nào cũng có đồ mới, ngoại trừ Kỳ Kỳ đáng thương.
Khi Kỳ Kỳ vào đại học, em luôn cố gắng chi tiêu để phí sinh hoạt hàng tháng không quá 500 nhân dân tệ. Em không dám mua sắm, quanh năm mặc lại vài bộ quần áo cũ nhằm để dành tiền mua quà cho gia đình mỗi khi về thăm nhà. Cả nhà đều cho rằng em làm vậy là “hợp lý”.
Một lần, bố Kỳ Kỳ gặp tai nạn giao thông, phải nằm viện nhưng may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Mẹ bảo Kỳ Kỳ nghỉ việc vài hôm về chăm bố. Em hỏi: “Có cần gọi anh hai về không mẹ”. Mẹ bảo: “Không nên con ạ, mẹ sợ sẽ ảnh hưởng đến công việc của anh con”. Em hơi khó chịu: “Sao mẹ không sợ ảnh hưởng đến công việc của con”. Mẹ trả lời: “Vì con chăm bố là hợp nhất”.
Ba mẹ thường lấy lý do làm điều này mới đúng, mới hợp lý để định hướng trẻ. Tuy nhiên đó có thể là cách giáo dục sai lầm nếu cái đúng, cái hợp lý chỉ mang lại cảm giác hài lòng cho người lớn còn trẻ thì không hề thoải mái chút nào. Đây cũng là mặt tiêu cực ở trẻ sớm nhạy cảm.
Cách “nhận dạng” một đứa trẻ nhạy cảm trong gia đình: trẻ rụt rè, không dám thể hiện ý muốn cá nhân, luôn vâng lời ba mẹ mọi lúc mọi nơi và được xem là một đứa bé ngoan, dễ dạy bảo.
Điều bất hạnh ở trẻ sớm nhạy cảm là em đã bị “đánh cắp tuổi thơ”, không thể sống hồn nhiên đúng tuổi và luôn phải rộng lượng quá mức cần thiết. Khi trưởng thành, em sẽ tự ti, thiếu quyết đoán và khó thành công vì chỉ lo làm hài lòng người khác.
Đôi khi trẻ sớm nhạy cảm là do lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sự nghèo khổ làm em phải “trưởng thành” trước tuổi và giơ vòng tay yếu ớt để bảo vệ người thân. Song phần lớn cách giáo dục truyền thống thiên về mắng chửi, đòn roi để kiểm soát, bắt ép trẻ phục tùng đã “tiếp tay” để tạo nên những đứa trẻ sớm nhạy cảm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sớm nhạy cảm thường có những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Mặt khác, người ta cũng phát hiện trẻ em bị bỏ rơi hay sống trong cảnh bố mẹ bạo hành sẽ dậy thì sớm; đồng thời ở não trẻ xuất hiện một mạch thần kinh chịu trách nhiệm kiểm soát nỗi sợ hãi và lo lắng.
Bắt một đứa trẻ phải kiểm soát mọi hành vi của bản thân là một điều bất công và tàn nhẫn. Mong rằng đừng có những đứa trẻ sớm nhạy cảm, đánh mất sự hồn nhiên bởi cách giáo dục cứng rắn của gia đình.