Mẹ nào còn thắc mắc việc trẻ sơ sinh đeo bao tay bao chân đến khi nào thì hãy đọc hết bài viết này vì đó là chia sẻ chân thật từ trường hợp của em.

Khi sinh con lần đầu, em được mẹ chồng chăm sóc. Bà rất thương con, thương cháu nhưng chỉ mỗi tật bảo thủ, cái tật mà khiến bà nhảy tưng tưng mỗi khi con dâu làm trái ý. Vốn biết mẹ chồng lành tính nên em luôn nhịn bà. Tuy nhiên, điều đó cũng là nguồn cơn khiến con em phải nhập viện khi còn trong tháng. Vậy nên em kể câu chuyện này để các mẹ rút kinh nghiệm, nhịn chuyện gì thì nhịn, nhưng chuyện ảnh hưởng đến sức khỏe con cái thì phải cứng rắn vì kinh nghiệm của các cụ nhiều khi không đúng, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe của con.

hình ảnh

Ảnh minh họa - nguồn ảnh: Internet

Do lần đầu sinh con chưa có kinh nghiệm nên em đâu biết cho trẻ sơ sinh đeo bao tay bao chân đến khi nào. Thế là em hỏi bạn em là một bác sĩ nhi. Nó bảo chỉ cần giữ con trong môi trường thoáng mát, dễ chịu thì không cần phải dùng bao tay. Vì đeo bao tay sẽ không tốt cho bé vì:

- Cản trở quá trình phát triển não bộ của con

Hoạt động của đôi tay bé gắn liền với sự phát triển não bộ do đầu ngón tay chứa nhiều dây thần kinh. Cử động của các ngón tay sẽ giúp kích thích não bộ, qua đó giúp bé phát triển tư duy ngay từ giai đoạn sơ sinh.

- Có thể gây hoại tử ngón tay

Những đường chỉ thừa trong bao tay có thể quấn vào ngón tay bé, cản trở máu lưu thông. Nếu không phát hiện kịp thời có thể gây hoại tử ngón tay.

Bạn em cũng dặn là thường xuyên cắt móng tay cho con để nếu trẻ có cào lên mặt thì cũng không gây tổn thương cho con.

Nghe lời cô bạn bác sĩ em không cho con đeo bao tay bao chân. Thế là mẹ chồng em gào lên, bắt phải đeo bao tay bao chân cho cháu bà ngay và luôn. Bà bảo: “Hiện đại chỉ tổ hại điện. Tao nuôi 10 đứa, có đứa nào dám bỏ bao tay bao chân ra, trẻ mới sinh lúc nào cũng phải giữ ấm tay chân cho nó. Cô có nghe người ta bảo cá không ăn muối cá ươn chưa”.

Thôi thì chuyện bao tay bao chân cũng chả to tát gì, cứ cho con mang vào cho êm cửa êm nhà - em nghĩ vậy và quên bẵng lời dặn của con bạn. Nhưng chuyện không may xảy đến. Hôm đó em thấy con khóc dữ chẳng biết chuyện gì. Nhìn tã con còn ráo, vội cởi quần áo, bao tay bao chân để kiểm tra thì thấy 1 góc đầu ngón tay của con thâm sì. Nghi ngờ con bị hoại tử ngón tay do đeo bao tay nên em vội chở con đến bệnh viện. Dù bác sĩ cố gắng lắm vẫn không tránh khỏi con bị cắt phần đầu ngón để tránh gây nhiễm trùng.

Sau tai nạn đó, mẹ chồng emi ít nói hẳn và hầu như không còn can thiệp vào chuyện chăm sóc cháu nội. Thấy bà như vậy em rất thương nên cũng né nhắc đến chuyện cũ hoặc thấy ai vô tình gợi lại, em cũng tìm cách lấp liếm cho qua, sợ bà nghe bà lại buồn thêm.

Câu chuyện cá nhân em kể cho các mẹ nghe không chỉ trả lời cho câu hỏi trẻ sơ sinh đeo bao tay bao chân đến khi nào mà còn muốn các mẹ hiểu một điều: Hãy yêu thương con một cách sáng suốt và có chính kiến, nhất là khi kiến thức nuôi con đến từ nguồn đáng tin cậy thì càng phải áp dụng theo.