Cứ 5 mẹ sẽ có 4 mẹ căng thẳng, lo âu và 1 trong 10 mẹ bị trầm cảm nặng sau sinh. Đây là con số đáng báo động về sự cần thiết của việc quan tâm, chia sẻ với người mẹ nhiều hơn.
Ảnh minh họa: https://www.sanook.com/health/13897/
Một số ít các mẹ sẽ phấn khích, hạnh phúc khi con chào đời nhưng phần lớn các mẹ mới sinh lại lo ngại và tự ti. Các mẹ có thể ngạc nhiên khi biết rằng 4 trong 5 bà mẹ mới sinh có triệu chứng baby blues. Các biểu hiện thường gặp là sự thay đổi cảm xúc thất thường, tâm trạng bồn chồn, lo lắng, khóc không rõ lý do, khó ngủ,...
Trách nhiệm chăm sóc con sơ sinh cùng với những thay đổi trong nội tiết tố, thói quen sống dẫn đến những cảm giác chán nản và lo lắng nhẹ. Các biểu hiện này thường xuất hiện trong tuần đầu sau sinh. Những rối loạn cảm xúc này phổ biến ở các mẹ sau sinh và được hầu hết các chuyên gia xem là bình thường. Rất may, các mẹ gặp hội chứng baby blues thường sẽ vượt qua trong vài ngày hoặc vài tuần mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, trầm cảm sau sinh cực đoan hơn và có thể kéo dài suốt năm đầu tiên thay vì chỉ một vài tuần. Các mẹ bị trầm cảm sau sinh hay gặp hội chứng baby blues đều khó thừa nhận cảm xúc với người chồng hoặc bạn bè của họ.
Khoảng 1 trong 10 phụ nữ sau sinh trải qua trầm cảm nặng và có ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa mẹ và con. Điều này cần có sự can thiệp hỗ trợ từ chuyên gia.
Trầm cảm sau sinh có thể khiến các mẹ đánh mất sự tự tin, giảm cảm giác thèm ăn và ham muốn tình dục cũng như khiến chất lượng giấc ngủ kém, lo âu nhiều hơn.
Cuộc sống của bố mẹ và thiên thần nhỏ được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông là màu hồng đáng mơ ước của bao người. Hình ảnh người mẹ được chăm sóc tỉ mỉ trong phòng hộ sinh, đứa trẻ ngủ ngoan bên chiếc nôi. Người mẹ âu yếm bế con tay trong tay, trò chuyện hạnh phúc cùng chồng.
Bức tranh gia đình được tô vẽ bởi màu hồng hạnh phúc, những điều lộng lẫy khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng các mẹ phải can đảm để chấp nhận một thực tế khác nghiệt hơn rất nhiều và mọi thứ đều diễn ra theo đúng cách của nó.
Nếu các mẹ nghĩ rằng mình có thể đang trải qua trầm cảm sau sinh, dù nặng hay nhẹ, hãy trung thực với nó. Các mẹ đừng giả vờ rằng những cảm xúc này không tồn tại. Hãy tự vực dậy bản thân, "cứu" mình ra khỏi mớ cảm xúc tiêu cực bằng chính những điều dưới đây để hành trình làm mẹ của mình là một trải nghiệm ngọt ngào và tuyệt vời.
1. Thẳng thắn chia sẻ cảm xúc của mình
Hãy thẳng thẳn nói với chồng chính xác cảm giác của mẹ cho dù những lo lắng của mẹ có phi lý đến mức nào. Hoặc mẹ có thể nói chuyện với một người bạn thân hoặc bác sĩ gia đình.
2. Trò chuyện cùng các mẹ khác
Chia sẻ những cảm xúc của mẹ với các mẹ khác sẽ rất có ích trong việc giúp mẹ cải thiện tâm trạng. Bởi vì mẹ có thể yên tâm hơn khi biết không phải chỉ có duy nhất mình mới trải qua những cảm xúc khó hiểu ấy.
3. Đừng mặc cảm
Những lời phán xét, chỉ trích ngoại hình có thể khiến mẹ chạnh lòng, tủi thân. Nhưng đừng cảm thấy xấu hổ hay mặc cảm vì sự thay đổi của bản thân. Nó chẳng có ý nghĩa gì so với việc mẹ đã có một thiên thần nhỏ đáng yêu. Đừng chú tâm đến những gì người khác nghĩ về mình là cách để mẹ tự vực dậy, tiếp thêm sự tự tin cho chính mình. Chỉ có sự cứng rắn, mạnh mẽ mới giúp mẹ đối phó và vượt qua những lo lắng của mình.
4. Tự tin giúp mẹ "đánh bại" cảm xúc tiêu cực
Rất ít phụ nữ có thể tự hoàn thành tốt vai trò làm mẹ của mình. Hầu hết các mẹ đều cần phải nỗ lực và cố gắng học hỏi nhiều hơn. Trong quá trình chăm con nhỏ, sự tự tin có thể giúp mẹ giảm bớt sự lo lắng và trầm cảm.
Nếu một vài cách trên đây không thể giúp mẹ vượt qua được những cảm xúc tiêu cực, mẹ cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Cách hiệu quả vượt qua trầm cảm sau sinh cần có sự kết hợp giữa phương pháp tâm lý và y học.
Nguồn: Youngparent
Ảnh: sanook, Youngparent