Những dấu hiệu cảnh báo em bé và mẹ bầu đang gặp nguy hiểm thai phụ đừng nên bỏ qua vì giúp mẹ có thêm những kiến thức bổ ích trong thai kỳ.

Hẳn nhiên khi mang trong mình một cơ thể sống bé nhỏ, ai cũng mong mẹ tròn con vuông ngày đón con ra đời. Nhưng quá trình mang thai chín tháng mười ngày luôn trôi qua chậm chạp và đầy áp lực. Mỗi cử động của con, những bất thường trên cơ thể mẹ đều làm mẹ lo lắng và hồi hộp. Vậy nên, mẹ cần biết về những dấu hiệu cảnh báo em bé và mẹ bầu đang gặp nguy hiểm để có cách xử trí kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro cho hai mẹ con.

5 cách chấm dứt phiền lo vì chứng són tiểu khi mang thai và sau sinh

Xuất huyết

Dù mẹ ra huyết ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ thì cũng nguy hiểm như nhau. Nếu ở những tuần đầu mang thai, mẹ ra nhiều máu kèm theo đau bụng dưới như có kinh, có thể cảm thấy chóng mặt… thì cần nghĩ đến khả năng mình bị thai ngoài tử cung.

Ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai, nếu xuất huyết kèm co thắt mạnh ở bụng dưới thì có thể là dấu hiệu của sảy thai.

Ra máu ở tam cá nguyệt thứ ba kèm đau bụng có thể là triệu chứng của bong nhau non, xảy ra khi nhau thai bong ra khỏi thành tử cung.

Vậy nên, chỉ cần thấy xuất huyết ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, các mẹ phải đi gặp bác sĩ ngay vì đây là một biểu hiện nghiêm trọng trong số các dấu hiệu nguy hiểm ở thai phụ.

Thường xuyên mệt mỏi, yếu ớt, người nhợt nhạt

Những thai phụ có biểu hiện này kèm theo rụng tóc, móng tay móng chân và niêm mạc miệng môi mắt nhợt nhạt, đầu váng tai ù, tim hoảng hốt, hụt hơi, ăn kém… có thể là do thiếu máu. Đây cũng là một vấn đề phổ biến ở các mẹ bầu. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu thai kỳ là khoảng 36,8%. 

Thiếu máu ở thai phụ có thể gây sảy thai, tiền sản giật, con sinh non, nhẹ cân… Vậy nên, để tránh mối đe dọa sản khoa do thiếu máu, thiếu sắt, mẹ bầu cần bồi bổ sức khỏe và uống thuốc bổ sắt theo chỉ định của bác sĩ.

Thường xuyên khát nước và đi tiểu

Vào giai đoạn thứ 2 của thai kỳ, một số thai phụ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường do chất insulin của mẹ bầu tiết ra không đủ. Mẹ nên lưu ý, nếu thấy có các triệu chứng như thường xuyên khát nước, đi tiểu, mệt mỏi thì nên đi khám ngay để nhận được tư vấn dinh dưỡng hợp lý và được điều trị.

Huyết áp cao

Huyết áp cao là một trong những dấu hiệu của nguy cơ tiền sản giật. Triệu chứng này thường xuất hiện ở tuần thứ 20 của thai kỳ, có thể đi kèm với phù, buồn nôn, ói mửa, mờ mắt, đau đầu, đau dạ dày… 

hình ảnh

Tiền sản giật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé như làm tăng nguy cơ sinh non hay sinh con thiếu cân. Nếu thai nhi ở tuần 37, các bác sĩ thường sẽ cho mẹ sinh sớm. Nhưng nếu thai còn quá nhỏ, thai phụ có thể phải dùng thuốc điều trị.

Mức độ cử động của thai nhi giảm sút rõ rệt

Ngày thường em bé trong bụng rất hiếu động nhưng bỗng nhiên ít cử động hơn hẳn, theo chuyên gia, có thể là do thai nhi không được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng từ nhau thai. Để kiểm tra, mẹ có thể uống một chút nước hoặc ăn chút gì đó và nằm nghiêng bên trái để xem em bé cử động thế nào. 

Nếu thai nhi đạp 10 lần trong 2 giờ 10 là bình thường. Nhưng nếu ít hơn, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ vì đó là dấu hiệu em bé đang gặp nguy hiểm.

Quá buồn phiền

Nếu thai phụ cảm thấy buồn phiền, chán nản kèm theo thay đổi khẩu vị ăn uống, cảm giác vô vọng, dễ cáu kỉnh, bối rối, lo âu hoặc thường xuyên khóc vô cớ… thậm chí có những suy nghĩ gây tổn hại đến thai nhi và bản thân mình thì rất có thể mẹ đang bị trầm cảm. Khi đó, mẹ cần gặp bác sĩ để điều trị kịp thời vì trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân gây sảy thai, thai lưu, sinh non… Mặt khác, trầm cảm ở mẹ có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não ở thai nhi, em bé sinh ra có thể gặp phải một số chứng bệnh như tự kỷ, chậm phát triển.