4 vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ vào những tuần cuối cùng của thai kỳ sẽ quyết định mẹ sinh thường hay sinh mổ.
Hồi đó em mang bầu đứa đầu nên háo hức lắm. Bất kỳ kết quả xét nghiệm, siêu âm hay chẩn đoán gì của bác sĩ em đều nhờ bác giải thích cặn kẽ và tìm hiểu thêm trên mạng. Riết rồi sau này đẻ đứa thứ 2 kinh nghiệm tràn trề luôn, thậm chí còn là chuyên viên tư vấn cho các mẹ bầu là chị em bạn dì và đồng nghiệp cơ quan nữa.
Nhân đây, em cũng muốn chia sẻ với các mẹ nhà mình 4 vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ. Vì đợt mang thai lần 2, cũng do vị trí nằm của em bé trong bụng mà em suýt đẻ mổ, may nhờ bác sĩ chỉ cách xoay ngôi thai mà được sinh thường. Chứ sinh mổ khổ trăm bề các mẹ ạ. Vậy nên em cũng muốn chia sẻ với các mẹ mẹo của bác sĩ để mẹ nào gặp tình trạng như em thì biết cách xoay chuyển tình hình.
4 vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ vào những tuần cuối cùng của thai kỳ
1. Tư thế ngôi đầu trước
Em gọi đây là vị trí may mắn vì ở vị trí này, đầu bé sẽ quay xuống dưới khung xương chậu, mặt úp vào bụng mẹ, thuận lợi cho mẹ sinh thường. Vị trí này là phổ biến, ổn định từ tuần thứ 33 cho đến ngày sinh nở.
Mẹ cũng cần biết ở vị trí này bác sĩ sẽ chia làm 2 trường hợp:
- LOA: Tư thế chẩm chậu trái trước (nếu thai nhi nằm nghiêng sang trái).
- ROA: Tư thế chẩm chậu phải trước (nếu thai nhi nằm nghiêng sang phải).
.2. Tư thế ngôi đầu sau
Em bé nằm đầu quay xuống dưới, gáy úp vào bụng mẹ. Nguyên nhân được cho là mẹ ngồi hoặc nằm nhiều trong quá trình mang thai. Do đó các mẹ rút kinh nghiệm khi có em bé chịu khó đi lại vận động nhẹ nhàng, đừng lười vận động sẽ gây khó sinh. Mặc dù em bé ở ngôi thai này không làm mẹ phải mổ nhưng sẽ làm tăng thời gian sinh nở và làm mẹ đau lưng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, mẹ cũng đừng lo lắng vì trong quá trình chuyển dạ, cứ 10 bé sẽ có 1 bé xoay mình về đúng vị trí số 1.
3. Tư thế ngôi ngang
Đây là vị trí khá hiếm gặp. Nếu tới ngày sinh bé vẫn giữ nguyên vị trí này thì mẹ phải đẻ mổ. Ly do bác sĩ không dám cho thai phụ sinh thường do lo sợ phần dây rốn sẽ đi ra trước gây hiện tượng suy dây rốn rất nguy hiểm.
4. Tư thế ngôi mông
Đây cũng chính là ngôi thai ngược em đã từng gặp (mông em bé hướng về cổ tử cung). Khi đi khám thai ở tuần 32, bác sĩ cho biết em bị ngôi thai ngược (loại ngôi mông hoàn toàn: 2 chân bé gập lại và bàn chân sát gần mông).
Còn 2 loại khác cũng ở tư thế ngôi mông là ngôi mông thiếu mông (2 chân bé giơ thẳng lên trước mặt, bàn chân gần đầu) và ngôi mông kiểu bàn chân (1 hoặc cả 2 chân bé đều hướng xuống dưới chỗ cổ tử cung).
Khi biết tin mình có thể phải sinh mổ em rất lo. Nhưng bác sĩ trấn an là vẫn có thể cải thiện tình hình bằng cách tập thể dục, đặc biệt là với các mẹ bầu mang thai từ tuần 30 tới 37.
Bác chỉ cho em 2 bài tập:
Bài tập 1 là thực hiện thao tác quỳ bò 10 phút mỗi ngày.
Bài tập 2 là nằm trên sàn, nâng hông cao hơn đầu từ 22 tới 30cm bằng gối hoặc kê một tấm ván vào một đầu giường rồi nằm lên đó theo tư thế đầu hướng xuống dưới đất và phần thân dưới lên cao.
Đúng là hiệu nghiệm ghê các mẹ. Em chịu khó tập theo bác sĩ hướng dẫn. Đi khám khai ở tuần 38, bác sĩ báo tin vui là em bé đã chuyển sang ngôi thuận (ngôi đầu trước)
Em hy vọng kinh nghiệm của em về 4 vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ và mẹo giúp xoay ngôi thai sẽ giúp các mẹ sinh nở dễ dàng hơn, tránh phải sinh mổ. Chúc các mẹ nhà mình mẹ tròn con vuông nhé.