Trẻ sống ích kỷ và vô trách nhiệm phần lớn là do được nuông chiều từ nhỏ và không nhận được sự giáo dục nghiêm khắc trong gia đình.
Nhiều đứa trẻ 15, 17 tuổi hiện nay quen được nuông chiều, đáp ứng mọi đòi hỏi nên sống ích kỷ và vô trách nhiệm. Tôi thấy gần nhà có gia đình 3 thế hệ. Bố mẹ đi làm, ông bà ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp. Còn cô cháu gái học lớp 11 thì chỉ biết ăn, học và đi chơi, mặc bà ngoại 80 tuổi một mình loay hoay trong bếp. Nhiều khi bà mệt vẫn cố gắng lết dậy để nấu ăn cho cả nhà, ăn xong thì mẹ rửa chén bát. Cô cháu gái chả phải đụng tay vào công việc gì cả, ăn xong thì chui vào phòng. Nhà có người lớn tuổi thỉnh thoảng bệnh cũng không biết. Hôm nào bà mệt không có cơm thì cô cháu ra ngoài tự ăn, cũng chả hỏi ông bà ăn gì cháu mua. Mới tí tuổi đầu đã sống không biết ai, vô cảm với người thân. Đây có lẽ là hình mẫu của nhiều đứa trẻ hiện nay.
Tuy nhiên, lỗi không phải ở các cháu. Lỗi là ở người sinh ra các cháu. Họ đã mang đến cho con sự đủ đầy về vật chất nhưng lại thiếu thốn những bài học giúp nuôi dưỡng tinh thần và xây dựng phẩm giá. Hoặc cuộc sống mưu sinh quá vất vả, nhiều gia đình phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường mà quên rằng, gia đình và những ràng buộc của mối quan hệ tình cảm chính là điểm tựa vững chắc để nuôi dưỡng những điều tốt đẹp, điều chỉnh bất ổn bên trong mỗi đứa trẻ. Điều này nhất định phải làm từ rất sớm, vào những năm đầu đời của trẻ.
Ba mẹ nên để mắt đến con, nếu thấy trẻ hay nói 4 câu sau thì nên tìm cách uốn nắn con bởi đó là dấu hiệu cho thấy trẻ lớn lên sống hẹp hòi và vô tâm.
"Cái này là của con", “Con muốn…”
Su Su là con một trong nhà. Con luôn được ba mẹ và người thân cưng chiều. Những gì con muốn đều được đáp ứng. Hôm nay đến giờ ăn cơm, bỗng nhiên trở chứng, con không cho mẹ ngồi, một mình giành 2 chiếc ghế, luôn miệng hét lên: “cái này là của con”, thế là mẹ phải đứng ăn. Bố Su sau một hồi thuyết phục con gái không được thì giận dữ cho con 1 trận nên thân.
Đây là một hành vi tiêu cực ở trẻ, nếu ba mẹ dung túng, không dạy con nghiêm khắc, triệt để thì lớn lên con sẽ sống ích kỷ, vô trách nhiệm, chỉ biết mình không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Mặt khác, tránh dùng đòn roi để dạy con vì bạo lực chỉ xử lý phần ngọn, không giải quyết tận gốc của vấn đề.
"Tại sao không cho con?"
Nhà có 2 chị em. Mi Mi là chị, Bin Bin là em. Một hôm, Mi Mi mua 1 cây kem từ tiền để dành nhưng ăn lén lút, sợ em biết. Không may Bin Bin phát hiện, khóc ầm lên với mẹ: “Tại sao chị không cho con?”.
Thường đứa con út trong nhà, phần vì nhỏ nhất nên luôn được cưng chìu, muốn gì được nấy. Nhiều trẻ tinh ý, biết được điều này nên cậy thế, đòi hỏi luôn phần của anh chị. Nếu không được bảo ban, những trẻ là con út sẽ sống ích kỷ khi trưởng thành, không biết quan tâm đến ai, kể cả cha mẹ và người thân.
"Tôi không biết tại sao các người lại sinh ra tôi"
Tuy chỉ mới 6 tuổi nhưng Bi đã mang trong lòng mặc cảm sống trong gia đình có ba mẹ li dị. Mặc dù có cuộc sống dư thừa về vật chất nhưng điều đó vẫn không khỏa lấp nỗi đau trong lòng cậu. Bi thường xuyên kiếm chuyện, gây gổ với mẹ, mỗi lần như thế, cậu bé lại gào lên: "Tôi không biết tại sao các người lại sinh ra tôi."
Những đứa trẻ trong gia đình có bố mẹ li dị thường chịu những sang chấn tâm lý nặng nề, thậm chí có thái độ thù nghịch với cha mẹ. Điều này có thể dẫn đến việc con sống ngày càng vô cảm, lớn lên bất hiếu với cha mẹ, gây hấn với người ngoài.
Vậy nên, ba mẹ nếu không thể sống với nhau thì nên chia tay nhẹ nhàng, san sẻ trách nhiệm dạy dỗ con cái, dành nhiều thời gian quan tâm đến con để trẻ không cảm thấy đau đớn vì bị bỏ rơi.
"Tại sao mẹ không làm?"
Mai học lớp 8. Những ngày đi làm, mẹ hay giao Mai làm việc này, việc kia trong nhà. Hẳn nhiên Mai cũng làm nhưng rất miễn cưỡng. Cuối tuần mẹ được nghỉ. Trong khi mẹ nấu cơm thì mẹ giao cho Mai lau nhà. Mải xem tivi, Mai gắt lên: “Sao mẹ không làm mà kêu con, hôm nay mẹ nghỉ mà”.
Những đứa trẻ như Mai nếu không được uốn nắn kịp thời lớn lên sẽ lạnh lùng, vô cảm, chỉ yêu bản thân. Chúng mặc định mẹ là người phục vụ chính trong gia đình, không nhìn thấy được những lo toan, vất vả của người đẻ ra chúng.
Khi con mở lời những câu này, bậc làm cha làm mẹ sẽ phải suy nghĩ làm sao để những trường hợp này không lặp lại trong gia đình của chúng ta?
Thật ra, trẻ con rất dễ dạy, quan trọng là cách chúng ta can thiệp như thế nào mà thôi.
Dạy con cách chia sẻ: Ngay khi con còn nhỏ, mẹ hãy dạy con cách chia sẻ. Khi đưa thứ gì cho con, mẹ hãy nuôi ý thức “chia sẻ” trong tiềm thức con bằng câu nói: “Mẹ cũng muốn ăn, con cho mẹ cắn một miếng nhé”. Việc này cần được lặp đi lặp lại, sau một thời gian dài ‘ngấm” câu nói của mẹ, trẻ sẽ biết quan tâm và nghĩ đến người khác.
Giúp con xây dựng tinh thần trách nhiệm: Để con sống có trách nhiệm, ba mẹ phải làm gương cho con. Mặt khác, từ nhỏ hãy tập cho con thói quen làm việc nhà, tự chăm sóc bản thân...
Nghiêm khắc khi phạt con: Ba mẹ cần chặn đứng những hành vi sai trái của con, giải thích cho con hiểu con sai ở đâu. Đồng thời không nên phạt con bằng hình thức đánh chửi, thay vào đó hãy sử dụng các biện pháp nhẹ nhàng và ôn hòa.
Có thể nói, trẻ sống ích kỷ và vô trách nhiệm hoàn toàn không phải lỗi của con. Nguyên nhân lớn nhất là từ sự giáo dục của gia đình. Mẹ có thể dựa vào những phản ứng, cách con nói chuyện để nhận biết các dấu hiệu tiêu cực cần phải điều chỉnh kịp thời.