Việc đóng cửa toàn bộ trường học ở 102 quốc gia và vùng lãnh thổ là một thách thức lớn với nền giáo dục toàn cầu.

hình ảnh

Một thành viên Hội chữ thập đỏ Indonesia phun chất khử trùng tại một lớp học ở Jakarta sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), tính đến ngày 18-3, khoảng 102 quốc gia và vùng lãnh thổ quyết định đóng cửa toàn bộ trường học, 11 nước đóng cửa trường học tại một số nơi xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Điều này dẫn đến việc khoảng một nửa số học sinh, sinh viên trên toàn thế giới không được đến trường, tương đương với hơn 850 triệu trẻ em “mất học”. Con số thống kê đã tăng gấp đôi trong vòng 4 ngày và sẽ tiếp tục không dừng lại ở đó.

Nhiều nước đang khẩn trương tìm kiếm giải pháp cho quyết định đóng cửa toàn bộ trường học bằng cách tăng cường các lớp học trực tuyến, tổ chức dạy học online… với mục đích không để học sinh, sinh viên bỏ lỡ kiến thức trong thời gian nghỉ tránh dịch có thể kéo dài nhiều tháng.

hình ảnh

Nguồn ảnh: https://nibler.ru/photo/44693-interesnye-foto-iz-yuzhnoy-korei.html

Hiện UNESCO cũng đang họp định kỳ với bộ trưởng các nước, tìm giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu tối đa sự gián đoạn học tập đối với học sinh, sinh viên toàn cầu cũng như tính đến khả năng phục hồi của hệ thống giáo dục ở các nước sau dịch bệnh.

Riêng tại Việt Nam, nhiều tỉnh thành tiếp tục nới lỏng thời gian học sinh, sinh viên đi học. Hà Nội cũng quyết định cho toàn bộ học sinh các cấp trên địa bàn thành phố nghỉ học đến hết ngày 5-4. Đồng thời chủ tịch TP Hà Nội cũng kêu gọi người dân hạn chế ra đường vì cả nước đang bước vào giai đoạn lây nhiễm cao. 

Hiện một số chuyên gia nêu quan điểm nên quyết định cho học sinh nghỉ thêm 1 đến 2 tháng, thậm chí nghỉ hết học kỳ II để tránh việc phụ huynh phải hồi hộp chờ đợi thông báo nghỉ học của chủ tịch UBND tỉnh, thành mỗi cuối tuần. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng quyết định cho nghỉ học thời gian dài lúc này chưa cần thiết. Bởi nếu dịch chuyển biến tích cực, khoảng thời gian nghỉ kéo dài là lãng phí.

Song nhìn chung, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm không nhất thiết phải khai giảng năm học mới vào ngày 5-9 như truyền thống, có thể tính đến phương án nghỉ lấn sân sang năm học kế tiếp, khung thời gian năm học cũng tịnh tiến theo. Thạc sĩ Lưu Đức Quang (Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM): “Đừng vội vàng cho đi học khi xã hội chưa yên tâm, vì khi đó người cho đi học, người cho ở nhà thì mục tiêu giáo dục không đạt được”.

Theo PGS Nguyễn Thiện Tống (Đại học Bách khoa TP. HCM): “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan diện rộng, ngành giáo dục cần tính phương án cho nghỉ học dài ngày, có thể kéo dài 1-2 tháng tới, thậm chí nghỉ hết học kỳ II”.

Ông Tống cũng gợi ý giải pháp trong trường hợp học sinh nghỉ hết học kỳ II bằng cách cho các em học 5 học kỳ trong 2 năm: “Một học sinh lớp 7 năm học 2019-2020 sẽ được ghi nhận kết quả học kỳ I và "nợ" học kỳ II. Ở năm học mới 2020-2021, học kỳ I của lớp 8 dành để dạy học kỳ II của năm lớp 7. Nếu bố trí hợp lý, khoảng hai năm học sẽ kịp bù một học kỳ còn thiếu. Với học sinh lớp 12, kỳ thi THPT quốc gia có thể lùi đến cuối năm”.

Theo ông Tống, chúng ta không cần phải lo ngưng trệ việc học vì dịch bệnh. Ngày trước, thế hệ của ông cũng phải gián đoạn việc học do chiến tranh những vẫn có cách khắc phục. Trễ một học kỳ cũng chẳng sao, quan trọng là an toàn cho sức khỏe. 

Có thể nói, ý kiến của các chuyên gia cũng là mong muốn chung của phụ huynh học sinh. Hiện hàng trăm quốc gia đóng cửa toàn bộ trường học chẳng phải cũng vì mục đích này hay sao.