Tôi chẳng hiểu từ khi nào, xã hội có cái mặc định rằng “bồ nhí” của chồng thì luôn kém cỏi, ngu dốt và xấu xa hơn vợ.





Tôi nhớ, lâu lâu rồi, tôi có đọc một bài viết, đại ý rằng chị vợ quyết định giả vờ đi công tác, để tiền lại, dặn chồng chi tiêu và nấu ăn, chăm sóc các con. Đúng theo dự tính, ông chồng hẹn”bồ” đến, và cô “bồ” đã vung tay, tiêu hết số tiền cho những điều phung phí; những bữa cơm lổn nhổn, dở sống dở khê và bọn trẻ suýt bị đuổi học vì kết quả sa sút, lại không nộp học phí vì nó đã được dùng mua váy cho “bồ” của bố. Chẳng mấy chốc ông chồng chán ngán, vội vã xin lỗi vợ và chia tay “bồ”. Giờ lại đến cái lá thư: Gửi em, ‘cô vợ bé’ của chồng chị! (của một chị vợ tự nhận mình sâu sắc nào đó) viết cho “bồ” của chồng, lại còn tự tin bồ của chồng chỉ quen chưng diện và “post” hình lên facebook chứ không sâu sắc bằng mình.


Thưa các chị! Các chị mất chồng, không phải vì các chị sinh xong xấu xí, sồ sề đâu, mà vì các chị tự phong cho mình cái sự tự tin “ngớ ngẩn”. Cái các chị có, chỉ là một tờ giấy đăng ký kết hôn (có thể hủy bất cứ khi nào) và một (hoặc một vài) đứa con cùng huyết thống với người chồng (mà “bồ nhí” thừa sức tạo ra). Cộng thêm cái sự tự tin… “dở người”! Vì quá tự tin nên các chị coi thường “bồ nhí” của chồng, và vì bị coi thường nên họ – vốn đã lợi thế được yêu – lại càng trở nên quyết tâm chiến thắng. Với lại, các cô bồ ấy, không phải tất cả đều là những nhân vật kém cỏi, ăn bám, moi tiền, ít học như các chị nghĩ đâu.


Giả sử, trong cái câu chuyện thuộc hàng “hot view” kia, cô “bồ nhí” có đủ tiền để bao chi cả mấy bố con anh chồng, lại là đầu bếp siêu giỏi thì sao? Giả sử trong cả tháng liền chị vợ giả vờ đi vắng, cô ấy đi chợ, lo cơm nước tươm tất, lại đủ tiền để cuối tuần cả nhà đi ăn hàng rủng rỉnh mà không thèm động đến số tiền chị vợ để lại thì sao? Giả sử cô ấy ngọt ngào, nhẹ nhàng và bọn trẻ mê tít cô ấy hơn hẳn bà mẹ già cau có thì sao? Mà giả sử bọn trẻ không mê nhưng bố chúng vẫn mê và tiền của mẹ chúng không hề mất đồng nào thì việc gì xảy ra? Thiếu gì những minh chứng nhãn tiền cho thấy cái cô gái thua thiệt bị gọi là “bồ nhí” ấy còn giỏi giang, tháo vát hơn gấp bao nhiêu so với bà vợ; và kiếm tiền giỏi hơn cả ông chồng, đến mức chính ông chồng còn dựa dẫm, nhờ vả “bồ nhí” chán chê ấy chứ. Ưu thế trẻ trung, xinh đẹp, tự do phóng khoáng đã đành. Học hành và độ sâu sắc của các cô ấy, nếu nhìn nhận khách quan, không mang tâm lý của người đi đánh ghen mà nói, thì còn hơn khối người. Chưa kể, tiền và công việc, danh vọng đều thuận lợi.


Tôi nói thế chẳng phải tôi bênh vực gì chuyện người ta có mối quan hệ “ngoài luồng”. Dù sao đi nữa các bà vợ vẫn nhiều phần đáng thương, nhưng không phải cứ đáng thương là có quyền lu loa chê bai “đối thủ” của mình. Bởi lẽ, làm thế, là thua chắc chắn. Nhất là khi người chồng đã có tình cảm với cô gái kia, nghĩa là sâu xa trong lòng anh ta đã đánh giá “bồ” hơn vợ. Chưa kể cái chiêu thức mặc đẹp, chiêu thức đem con ra làm vũ khí, chiêu thức giảm cân… Ôi, mấy cách ấy bảo nhau trên giấy bút thì dễ nghe chứ làm thì không dễ đâu. Riêng việc giảm cân đã thấy là nan giải. Mà giảm cân rồi chưa chắc đã giành được tình yêu của chồng. Hàng tá những “tai nạn” kệch cỡm đã xảy ra khi cố tình ăn mặc nổi bật, trang điểm lòe loẹt để gây sự chú ý của chồng mà trở nên lố bịch ấy còn gì.


Thế thì làm gì để chiến thắng bây giờ?


Theo tôi, là chẳng làm sao gì. Lặng yên và thản nhiên thôi. Hãy giản đơn với cuộc đời mình, bởi lẽ, chồng không phải là tất cả. Chồng theo gái càng không phải là điều để tốn sức bận tâm. Nếu các chị có mắng tôi “nói thế nói làm gì” thì thực lòng tôi muốn hỏi ngược lại các chị rằng, lôi kéo bằng mọi giá một người chồng đã yêu người khác, thì lôi kéo làm gì?


Ai đó sẽ trả lời rằng họ muốn con mình có bố? Tôi thì sợ, các chị đang trở thành tấm gương xấu cho con. Tấm gương về sự “ăn thua” giành giật bằng mọi giá cái điều đã không thuộc về mình.


Ai đó lại nói, vì tôi còn yêu chồng. Chuyện này thì cũng chẳng sao, chị cứ ra chợ mua cái áo không vừa, không phải “size” của mình, rồi treo lên mà ngắm, xem có bực mình không? Hàng ngày soi chiếu mình vào cái thứ không dành cho mình, chị sẽ chỉ thấy mình chán ghét và coi thường bản thân. Lẽ nào, vì cái thứ ấy, chị làm khổ bản thân đến vậy?


Còn chuyện sợ cô đơn, sợ mất đi sĩ diện, sợ rằng không có ai ở bên để khóc, để cười. Nhưng chị có tin, anh sẽ dành cho chị 1 milimet bận tâm nào? Hay để chị gào thét và chê chị là đồ “ăn lắm nói nhiều”?


Phương án cuối cùng là chị tin anh còn yêu chị và muốn trở về. Thế thì câu trả lời đầu tiên lại hoàn toàn chính xác: chúng ta chẳng nên làm gì cả, chẳng lo gì cả. Coi như đây là những ngày hai người tạm xa. Đừng “nhảy lên” đánh ghen hay lu loa chê bai “đối thủ” làm gì. Đừng bận lòng cay cú “nó” lấy mất của mình phần hạnh phúc. Đừng bất chấp mọi “thủ đoạn” để “đòi” lại chồng….


Hãy thật bình tâm nếu hạnh phúc đã thuộc về mình!