Tác giả: Poulp


Chương 1.


Đứa con trai nhỏ mới lên 3 tuổi của tôi từ bên ngoài chạy thẳng vào trong bếp ôm chặt chân tôi. Thằng bé ngước cái mặt nhỏ đẫm nước mắt lên nhìn tôi, giọng nói ngọng nghịu: “Mẹ! Bo bị ngã”.


Tôi vội vàng tắt bếp gas, đặt đôi đũa sang một bên, ngồi xổm xuống ôm lấy thằng bé, xót xa hỏi: “Làm sao con bị ngã? Có phải lại chạy theo anh Thắng đá bóng không?”. Thằng bé phụng phịu, nó ra sức lắc đầu: “Không phải Bo chạy theo anh Thắng đâu, mẹ không được mắng Bo.”


“Ừ, mẹ không mắng Bo” tôi vỗ mấy cái vào mông nó. “Thế làm sao con ngã?”


“Anh Thắng đá bóng vào người con, con ngã.”


Thằng bé dùng bàn tay nhỏ quẹt ngang nước mắt trên cái má hồng hồng, tỏ vẻ ấm ức lắm. Điệu bộ đó làm tôi suýt bật cười nhưng vẫn cố nghiêm giọng: “Con không chạy theo anh Thằng thì làm sao anh Thắng đá bóng vào người con được?”


Nghe tôi nói thế thì nó khóc òa lên. Tôi phủi hết đất cát bám trên quần áo thằng bé rồi ôm nó vào nhà tắm. “Ngoan! Bo là con trai, không được khóc nhè. Lần sau mà còn chạy theo các anh lớn đi đá bóng là mẹ phạt nghe chưa?”


Thằng bé nấc lên một cái, gật gật đầu. Nó rất sợ bị tôi phát hiện ra đi chơi đá bóng với mấy thằng bé lớn hơn trong làng. Con trai tôi rất kỳ lạ, nó không chịu chơi với mấy đứa cùng tuổi mà rất thích chơi với mấy đứa lớn hơn, cũng có thể vì từ lúc nó còn bé xíu thì mấy đứa trẻ trong làng đã hay lôi tha nó đi cùng nên thành quen.


Con trai tôi tên thật là Thành Đạt, nó là đứa trẻ rất đáng yêu, thân hình nhỏ tròn xinh, đôi mắt to đen láy lanh lợi, hai cái má mũm mĩm trắng hồng, lại được cái hay cười, khóc chút là quên ngay.


Mặc dù ai cũng bảo con trai tôi không có nét giống tôi mấy nhưng tôi chẳng quan tâm, tôi chỉ mỉm cười tự hào, thơm lên cái má búng ra sữa của nó và bảo: “Dù sao nó vẫn là con trai tôi.” Mãi mãi là con trai tôi.


Tôi chính là một bà mẹ đơn thân, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm hay tủi thân. Ngày tôi ôm Bo trở về nhà gặp bố mẹ và nói nó là con trai tôi, bố mẹ tôi đau khổ khóc lóc, thậm chí là muốn đuổi hai mẹ con tôi ra khỏi nhà vì xấu hổ với làng xóm, họ hàng. Tôi cắn răng chịu đựng tất cả những lời trách móc, những ánh mắt khinh bỉ coi thường, những lời dị nghị của hàng xóm xung quanh. Tôi không trách bất kỳ ai, họ có quyền như vậy, không chồng mà có con, là lỗi tại tôi, tôi bất hiếu.


Bố mẹ tôi cũng nhiều lần gặng hỏi về cha đứa bé nhưng tôi thà bị mắng thậm tệ chứ quyết không hé răng nửa lời. Lúc ấy, nghị lực duy nhất giúp tôi vượt qua tất cả chính là đứa con trai nhỏ, dù có chuyện gì đi nữa tôi cũng phải nuôi con trai tôi. Và cuối cùng tôi đã thắng, bố mẹ tôi đành đầu hàng trước sự gan lỳ của tôi. Mẹ tôi bảo: “Con dại thì cái mang” nên mẹ đã bao dung cho tôi, dang tay đón nhận đứa cháu ngoại không mong muốn. Gia đình tôi cũng chẳng phải dư giả gì, bố tôi làm việc trong nhà máy lương không được bao nhiêu, mẹ tôi ở nhà làm nông, chỉ đủ tiền nuôi hai chị em tôi ăn học. Cũng may là còn một mảnh đất ông cha để lại nên bố mẹ tôi đồng ý cho hai mẹ con tôi ra ở đó, tự kiếm sống nuôi nhau. Tôi cũng đã hoàn thanh chương trình cao đẳng Y Tế nên thuận tiện xin vào làm trong bệnh viện huyện, lương đủ nuôi sống hai mẹ con.


Chớp mắt một cái đã 3 năm, thời gian khó khăn nhất cũng đã qua, họ hàng làng xóm cũng đã chấp nhận mẹ con tôi. Ai cũng yêu quý Bo, khen nó vừa xinh vừa ngoan. Nhiều người con bảo tôi trông không giống phụ nữ đã có con, vẫn còn y như thời con gái, chẳng thay đổi gì. Cũng có người mai mối cho tôi, có cả mẹ tôi, bà muốn tôi lấy chồng để có chỗ dựa sau này, bớt vất vả khi nuôi con một mình nhưng tôi cứ lẩn tránh. Làm sao tôi biết được những người đàn ông đó có thật sự tốt với con trai tôi không, tôi không muốn vì tôi mà thằng bé phải sống theo sắc mặt người khác. Dù sao thì cuộc sống của mẹ con tôi cũng rất tốt, không thiếu thốn gì, cho nên không nhất thiết phải dựa dẫm vào một người đàn ông xa lạ nào đó.


Vật lộn với Bo trong nhà tắm ra, người tôi cũng ướt sũng. Thằng bé cười nắc nẻ chạy vòng vòng quanh nhà đùa nghịch để tôi phải đuổi theo sau bắt nó mặc quần áo.


“Bo! Đứng lại mặc quần áo đã. Xấu hổ quá đi thôi.” Tôi túm lấy nó kéo lại làm nó cười giòn tan.


Thằng Thắng, con nhà anh Huy bên cạnh chạy vào sân nhà tôi gọi to: “Cô Vân ơi! Thằng Bo bị ngã có sao không cô? Tại nó cứ đứng gần chỗ bọn cháu nên mới bị ngã.”


Tôi cười, chắc thằng bé sợ tôi trách nên mới sang báo cáo tình hình. Thắng mới học lớp 4, trẻ con nghịch ngợm làm chuyện thường, tôi không quan trọng truyện đó. Vừa mặc áo cho Bo, tôi vừa nói vọng ra: “Em Bo không sao. Lần sau nó còn chạy theo thì Thắng về mách cô nhé!”


Con trai tôi thấy Thắng sang thì hớn hở gọi to: “Anh Thắng!” Nó định chạy ra ngoài nhưng tôi đã nhanh tay kéo ngay lại, cau mày nghiêm khắc: “Đến giờ ăn cơm rồi, con biết chưa?”


Thắng chào tôi một tiếng rồi chạy về nhà, còn thằng nhóc của tôi thì chạy lon ton vào trong bàn, nhón chân trèo lên ghế, xếp chân ngồi nghiêm chỉnh, mặt ỉu xìu. Tôi chỉ tủm tỉm cười rồi đi vào bếp dọn cơm. Không phải con trai tôi đói hay nó thích ăn cơm gì đâu, nó cũng nghịch ngợm, lười ăn như bao đứa trẻ khác, nhưng sau không biết bao nhiêu lần dọa dẫm, có khi là cả đánh đòn nó mới chịu ngồi im cho tôi đút hết bát cơm đầy.


Vừa ăn thằng bé vừa ngửa mặt lên hỏi tôi: “Mai mẹ có phải đi làm không?”


“Có, mai con lại sang ông bà ngoại chơi. Tối mẹ lại đón con về nhà mình. Con phải nghe lời ông bà, nhớ chưa?”


Thằng bé nhai miếng cơm rồi gật đầu, hai mắt sáng rỡ. Nói ra cũng thật buồn cười, con trai tôi thích tôi đi làm ban ngày để còn sang nhà ông bà ngoại quậy phá vì ông bà ngoại chiều nó hơn tôi. Nhưng những ngày tôi phải trực đêm ở bệnh viện thì thật vất vả cho mẹ tôi. Không có hơi mẹ, Bo rất khó dỗ ngủ. Mẹ tôi phải kể chuyện rồi hát ru không biết bao nhiêu lần nó mới chịu ngủ. Có khi cháu chưa ngủ, bà đã ngủ quên mất, thằng bé sợ, khóc to, bà lại tỉnh dậy dỗ cháu ngủ suốt đêm. Mẹ tôi chưa bao giờ cằn nhằn tiếng nào dù cho trước đây bà nói không nhận đứa cháu này nhưng tôi biết thật lòng mẹ rất yêu thương Bo.


Sáng hôm sau, tôi lại đưa Bo sang nhà ông bà ngoại như mọi lần. Thằng bé đeo sau lưng một cái ba lô nhỏ màu xanh. Nó nắm chặt tay tôi, nhảy tung tăng trên con đường làng quanh co, con đường đã trở nên vô cùng quen thuộc với cả hai mẹ con.


Làng tôi vẫn còn giữ được nhiều nét xưa cũ, thuần túy với những rặng tre rợp bóng bên đường, những cây cổ thụ lâu năm mà nhiều người chẳng còn nhớ nổi có từ bao giờ. Những ngôi nhà ngói đỏ cũ kỹ xen giữa những ngôi nhà mới xây xan xát, con đường có đôi chỗ gập ghềnh nhưng chẳng mấy khi làm con trai tôi vấp ngã. Mọi người trong làng sống với nhau bằng chữ “tình”, họ không giàu có nhưng chẳng khi nào trong đôi mắt và trên đôi môi tắt đi nụ cười rạng rỡ mà tôi tin vật chất không thể mua được.


“Mẹ, nhà ông bà ngoại đã ở phía trước.”


Con trai giật giật cánh tay tôi, giơ bàn tay nhỏ bé lên chỉ về phía ngôi nhà 2 tầng màu vàng nhạt, sân gạch đỏ và giàn su su trước cổng. Tôi còn chưa kịp phản ứng thì Bo đã rời khỏi bàn tay tôi, chạy như bay vào cổng. Em trai tôi năm nay học lớp 12, đang dắt xe đạp ra cổng chuẩn bị đi học thì Bo chạy tới ôm chặt lấy chân. Thấy cháu trai, Tuyên gạt chân trống xe, bế thằng bé lên, thơm vào hai má thằng bé: “Hôm nay Bo sang chơi với cậu hả?”


Bo ôm chặt cổ Tuyên nhõng nhẽo: “Cậu cho Bo đi học với cậu đi.”


Tuyên lại thơm vào má Bo thêm cái nữa: “Bo ở nhà với ông bà ngoại ngoan, cậu về sẽ mua bim bim cho Bo.”


Thằng bé gật đầu, cười toe toét rồi chu cái môi đỏ hồng lên thơm vào má cậu nó để nịnh nọt. Nhiều khi tôi cũng không biết nó giống ai mà có cái miệng rất khéo, chắc là giống…


Thấy Bo cứ quấn lấy Tuyên không rời, sợ em muộn học, tôi phải nhắc Bo: “Bo vào nhà chơi cho cậu còn đi học.” Thằng bé quay cái mặt nhỏ bầu bĩnh lại nhìn biểu tình trên gương mặt tôi ra sao, rồi mới chịu tụt xuống khỏi người Tuyên, cùn cụt chạy vào nhà, miệng gọi ông bà ngoại thật to.


Tôi đưa tay lên xoa đầu Tuyên, em tôi lớn thật, đã cao hơn tôi một cái đầu, nom rất chững chạc.


“Đi học đi không muộn.” Tôi nhắc.


“Vâng, vẫn còn sớm mà chị. Tối nay chị có để thằng Bo lại bên này không?”


“Không. Hôm nay chị không phải trực, tối mai cơ.”


Tuyên có vẻ thất vọng khi tôi nói thế, rồi nó nhìn tôi kỳ quặc, hỏi: “Xe máy của chị đâu mà lại dắt thằng cháu yêu của em đi bộ thế này?”


Tôi bật cười: “À, xe chị hỏng, để ở nhà chú Liêm từ hôm qua, chắc sửa xong rồi. Lát qua lấy rồi đi làm luôn.”


“Vậy lên em chở một đoạn.” Tuyên đề nghị.


“Ừ, cũng được.”


Tôi chạy ù vào nhà chào bố mẹ một tiếng, thằng con bé bỏng của tôi thì không thèm đoái hoài gì đến mẹ của nó vì nó đang mải ăn trứng vịt lộn do bà ngoại đã luộc từ sớm.


Quê tôi độ này đang vào mùa lúa chín, chắc chỉ một tháng nữa là các nhà lại bận rộn với công việc gặt hái. Cánh đồng lúa đang dần ngả vàng bát ngát, gió thổi mát lộng, đem theo cả mùi hương hoa cỏ đặc trưng, mùi hương của lúa dìu dịu vừa vặn tạo nên một bức họa đồng quê sinh động. Gió thổi mạnh làm thằng Tuyên phải gồng người lên đạp, còn tôi bám chặt lấy thắt lưng nó, thà hồ thưởng thức hương vị đồng quê dịu ngọt, trong lành.


Ngày trước đi học trên thành phố, giữa thành phố xô bồ, tấp nập xe cộ qua lại, tôi chỉ nhớ cái hương vị đồng nội của quê mình. Cứ đến ngày mùa là tôi lại về giúp gia đình một vài buổi, dù mệt nhưng vẫn có cái vui của nó. Tôi chán ghét cuộc sống nơi đô thị, người người đi qua nhau với nét mặt thờ ơ dù cho họ sống cùng một dãy phố, tôi không hợp vời cuộc sống như thế.


Hồi bé, tôi với đứa bạn thân nhất – cái Trinh, toàn nằm dài trên đống rơm khô cạnh gốc cây nhãn trước cổng nhà tôi để ngủ cho mát. Ngày ấy vô tư kinh khủng, chỉ suốt ngày cười tít mắt với những mơ ước ngây thơ và phi thực tế. Hai đứa toàn bị mọi người trêu là hai con tồ nên chơi thân với nhau. Toàn chống cằm ngồi nghe các mẹ, các chị nói chuyện chồng con, nói lấy chồng rồi khổ lắm, thế là hai đứa nắm tay nhau thề sống thề chết dưới gốc cây nhãn là sẽ không lấy chồng, ước sẽ không bao giờ phải lớn lên.


Nhưng rồi đứa trẻ nào cũng phải lớn lên, những ước mơ ngốc nghếch thời bé tí cũng dần vỡ vụn theo thời gian khi ta phải đối mặt với cuộc sống thực tế khắc nghiệt, để rồi nhận ra cuộc sống không giống như trong những giấc mơ thần tiên. Và khi đã nhận trọn vẹn mặt trái của cuộc sống rồi, ta mới biết không nơi nào bình yên bằng chính quê hương mình, nơi nuôi ta lớn lên, nơi có vòng tay ấm áp của cha mẹ luôn sẵn sàng chào đón dù ta có phạm phải những sai lầm lớn thế nào đi nữa.


Tôi lẩm nhẩm hái bài “Quê hương” của Đỗ Trung Quân mà đã lâu rồi không được nghe, tự dưng thấy yêu quê mình đến lạ.


“Quê hương là chùm khế ngọt


Cho con trèo hái mỗi ngày


Quê hương là đường đi học


Con về rợp bướm vàng bay


Quê hương là con diều biếc


Tuổi thơ con thả trên đồng


Quê hương là con đò nhỏ


Êm đềm khua nước ven sông…”


“Chị! Chị đang hát đấy à? Hát to lên em nghe với.” Tuyên quay lại ngó tôi một cái, nó đang cười bà chị của nó.


“Thôi đi, tại tự dưng nhớ lại mấy chuyện hồi còn nhỏ. Năm nay quê mình được mùa quá nhỉ! Nhà nào lúa cũng trĩu hạt.” Tôi đổi chủ đề để khỏi bị nó trêu.


“Trời! Em thấy năm nào cũng như năm nào, chẳng để ý.” Nói rồi, nó vòng tay lái rẽ lên đường lớn, cánh đồng lúa bát ngát đã ở lại phía sau lưng. Tôi chỉ tay về phía ngôi nhà có biển hiệu màu đỏ to tướng “sửa chữa xe đạp, xe máy” và bảo Tuyên dừng lại. Nó phanh kít một cái, làm tôi dúi đầu vào lưng nó, tôi đánh lên lưng Tuyên, miệng lẩm bẩm mắng vài câu. Nó chỉ cười cười rồi đạp xe đi luôn. Em trai tôi từ nhỏ đã thích trêu chọc bà chị này, rất nghịch ngợm nhưng chẳng khi nào tôi giận được nó cả.


Vào xưởng sửa xe của chú Liêm lấy xe, tôi đi làm ngay, cũng chẳng còn sớm sủa gì nữa. Tôi làm ở khoa sản, ngày nào cũng nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng phụ nữ kêu gào trong phòng sinh, có lúc bận đến không ngẩng mặt lên được chứ đừng nói là có thời gian nghĩ đến chuyện gì khác.


Tôi đi một vòng qua các phòng bệnh xem có ai cần gì không, vừa ngồi xuống bàn nghỉ ngơi uống cốc nước thì chị Hoài bưng khay thuốc đặt lên bàn rồi huých vai tôi: “Nhìn kìa! Mới có tí tuổi đầu đã đi phá thai. Trẻ con bây giờ càng ngày càng hư.” Tôi ngẩng đầu nhìn theo hướng chị Hoài. Một cô bé khoảng 15, 16 tuổi mặt mũi bơ phờ, trắng bệch đang đứng dựa vào bờ tường. Những trường hợp thế này không còn là hiếm nhưng người ta vẫn nhìn bằng ánh mắt ái ngại. Tôi không biết nên trách những cô gái trẻ không biết bảo vệ mình kia hay trách những kẻ vô lương tâm vứt bỏ họ, chỉ thương cho những sinh linh còn chưa thành hình trong bụng mẹ đã bị người ta nhẫn tâm gạt đi. Làm việc ở bệnh viện mới thấy nhiều cảnh tượng thương tâm, không chỉ những đứa trẻ chưa ra đời đã bị phá bỏ mà cả những đứa trẻ vừa sinh ra đã bị mẹ chúng bỏ rơi. Những người mẹ thì luôn có lý do chính đáng của riêng mình, nhưng tôi tin những đứa con bé bỏng của họ dù còn ở trần gian hay trên thiên đường đều sẽ tha thứ cho mẹ chúng.


Tôi thở dài: “Bọn trẻ bây giờ bị ảnh hưởng bởi lối sống mới, gia đình lại không biết cách giáo dục cho tốt, không biết tự chịu trách nhiệm việc mình làm.”


“Nếu chị có con gái như vậy, chị sẽ đánh chết nó. Thật không chịu nổi.”


Chị Hoài luôn thấy bức xúc khi chứng kiến những chuyện như thế này. Thật ra những người mẹ vô lương tâm nói là nhiều thì không phải nhiều, nói là ít thì cũng không phải con số nhỏ. Cũng phải nhìn vào mặt khác, có những đứa trẻ vừa chào đời đã chết, có đứa bị bệnh tật bẩm sinh, những người mẹ chứng kiến đứa con mình sinh ra như vậy đã khóc đến chết đi sống lại. Tôi cũng làm mẹ, tôi rất hiểu tâm trạng đó, con đau thì mẹ cũng đau, con khóc thì mẹ cũng khóc.


“Một người mẹ tốt là một người vừa làm mẹ vừa làm bạn thân nhất của con mình. Khi nó đến tuổi muốn cất cánh bay, chúng ta không thể gông kìm nó đâu chị, nó sẽ bị thương. Mình phải dạy nó cách xuất phát sao cho an toàn.” Tôi nhẹ nhàng nói quan điểm của mình cho chị nghe.


Chị nghiêng đầu nhìn tôi, ra vẻ ngạc nhiên lắm: “Ái chà! Cô em tôi hôm nay như bác sĩ tâm lý ấy. Thảo nào thằng Bo nhà em đáng yêu như vậy. Em cũng nên tìm một người cha cho nó, nó sẽ sớm nhận ra sự khác biệt giữa nó và chúng bạn xung quanh.”


Tôi chỉ cười, một nụ cười quen thuộc khi ai đó nhắc đến điều này. Dĩ nhiên là tôi biết nó sẽ sớm nhận ra nhưng tôi không sợ khi phải đối mặt với điều đó.


Chị Hoài đứng dậy, vỗ vai tôi: “Người hâm mộ em đã đến.”


Tôi quay ra nhìn, quả nhiên từ xa anh chàng bác sĩ hiền lành khoa thần kinh đang đi đến. Anh nổi tiếng là người tốt tính, sống phóng khoáng nhưng số phận cũng chẳng được như ý. Anh đã phải từ bỏ cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm cùng một đứa con trai nhỏ vì vợ anh ngoại tình, anh cũng rất muốn níu giữ mái ấm nhưng giữ làm sao nổi khi người phụ nữ đã vô tình. Giờ thì vợ và con trai anh đã yên ấm bên người đàn ông khác, còn anh vẫn một mình. Anh rất quý con trai tôi, có lẽ thằng bé làm anh nhớ đến con trai anh. Mọi người đều nói tôi nên mở lòng với anh, tôi cũng biết anh rất tốt với hai mẹ con tôi nhưng tôi luôn có cảm giác không xứng với anh.