Con gái cưng của bà Nhàn về làm dâu được ba tháng thì gia đình chồng cho ra ở riêng. Cũng từ lúc đó bà thường xuyên đến thăm con vì sợ con khổ. Vợ chồng bà đã thử thương lượng và thuyết phục chàng rể dọn về ở chung với gia đình mình để ông bà đỡ đần công việc, vợ chồng đỡ vất vả nhưng anh không đồng ý. Vậy là cứ rảnh khi nào, bà lại lấy cớ tạt qua nhà cô con gái để xem xét, góp ý việc nọ việc kia.


Chàng rể ban đầu còn nhún nhịn nghe lời nhưng dần dần, anh cảm thấy khó chịu mỗi khi bà đến điều khiển và can thiệp quá sâu vào cuộc sống của hai vợ chồng anh dường như anh bị ám ảnh với những câu nói của mẹ vợ, “Con phải biết thương vợ chứ, vợ thổi cơm con nên rửa bát, vợ giặt quần áo thì con phải tự giác đi dọn dẹp nhà cửa…” hay “vợ đi chợ nấu cơm thì con đón con..”, “nó ru đứa nhỏ ngủ thì con nên dạy đứa lớn học”… Biết bà hay đến tuần ba buổi vào lúc sẩm tối, anh không ngần ngại chọc tức bà bằng cách thản nhiên ngồi xem tivi để mặc cho vợ cặm cụi làm mọi việc. Bà Nhàn có mắng thì anh cũng mặc kệ, coi như không nghe thấy. Chẳng thế mà quan hệ giữa bà và chàng rể càng ngày càng căng thẳng.


Đợt vừa rồi thằng cháu thứ hai của gia đình con gái bị ốm, bà quyết định đến ở chăm cháu 1 tuần. Đó cũng là đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa bà và con rể quý. Bà chẳng ngờ những kinh nghiệm đúc kết trong việc nuôi nấng ba người con trưởng thành của mình lại bị chàng rể gạt phăng đi và cho rằng như thế không tốt cho con trẻ.


Thằng cu lớn đòi ăn cái gì bà sẵn sàng cho cháu ăn cái đó bất kể các loại quả lạnh buốt vừa mang lấy trong tủ lạnh hay đã chuẩn bị đến giờ ăn tối. Trời se lạnh, bà cho cháu tắm nước máy lại còn để cháu nô đùa, ngâm nước đến hàng nửa tiếng đồng hồ. Nấu đồ ăn thức uống, bà cũng chẳng từ bỏ thói quen ăn mặn của mình, cứ thoải mái cho gia vị và nước mắm, lại còn cho thật nhiều mì chính vì theo bà “như thế mới ngon”….


Sau mỗi lần chứng kiến việc chăm sóc cháu của mẹ vợ, anh Tuấn (con rể của bà) đã có những góp ý nhưng vốn là người bảo thủ, lại cho rằng con rể như thế là khinh mình nên bà càng kiên quyết giữ những thói quen đó của mình. Không cản được mẹ vợ, anh Tuấn quay sang cản không cho con ăn những đồ bà đưa cho.


Bà Nhàn cảm thấy mình bị xúc phạm, bị con rể coi thường. Bà nói thẳng với anh Tuấn rằng “anh đừng có coi thường tôi, đồ của tôi đưa thì sao mà anh cấm con anh ăn? Anh nghĩ tôi giết cháu mình à?” Sốc trước câu nói của mẹ vợ anh giải thích “ mẹ làm thế không tốt cho sức khỏe của cháu, mẹ không để ý đọc sách báo gì cả, người ta khuyến cáo đầy ra đấy”. Chắc mẩm rằng con rể coi thường mình cổ hủ, văn hóa thấp, bà vừa hét toáng lên vừa khóc lóc: “tôi văn hóa thấp, nhưng tôi đẻ con, nuôi con tôi có văn hóa học thức cao, làm đẹp mặt gia đình, dòng họ nhà anh đấy”.


Vốn gia đình ở khu chung cư, hàng xóm san sát nên thấy tiếng la hét, hàng xóm ngó sang hỏi thăm chuyện gì, khiến vợ chồng anh Tuấn vô cùng xấu hổ, ngại ngùng. Sau sự việc đó, anh Tuấn vẫn kiên quyết với cách nuôi con của mình, còn bà Nhàn thì nói khi dỗi “để tôi về nhà chăm sóc ông, cách chăm của tôi không hợp với thành phố anh chị” anh Tuấn buột miệng nói: “vâng bà về chăm sóc ông đi, chúng con tự lo được”. Bà thấy con rể nói vậy thì cho rằng anh đuổi mình nên lại khóc lóc, la lối: “ối giời ơi, tôi nuôi 3 đứa con cao lớn khỏe mạnh giỏi giang, mà giờ con rể bảo tôi không biết đường chăm cháu. Nó còn đuổi tôi về đây này’. Vợ chồng Tuấn kéo bà vào nhà, đóng cửa lại, còn bà một mực bỏ về và thề “cạch mặt con rể, cả đời sẽ không bước chân lên đến cái nhà này nữa” mặc con gái và con rể xin lỗi, giải thích.


Sự việc cười ra nước mắt nhưng anh Tuấn vẫn áy náy, dù gì bà cũng đang hiểu nhầm anh trầm trọng. Liệu anh có nên giải thích mọi chuyện với mẹ vợ hay cứ im lặng cho bà giận nhưng đổi lại bà sẽ ít đến nhà, ít để ý anh hơn?


Lê Hòa


(Theo Congluan)