Rốn được một trong những bộ phận trọng yếu, khá nhạy cảm đối với cơ thể non nớt của trẻ sơ sinh. Nếu không được chăm sóc cẩn thận rốn của trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm nhiễm và tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.






Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, rốn đóng vai trò là sợi dây liên kết giữa mẹ và thai nhi, giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ qua bào thai để nuôi lớn thai nhi. Sau khi ra đời, các bác sĩ sẽ dùng thủ thuật kẹp và cắt dây rốn. Dấu tích của dây rốn lúc này sẽ chỉ còn lại một đoạn vài cm ở cuống rốn và sẽ rụng trong khoảng từ 5 đến 10 ngày sau sinh.



Trong thời gian chờ rụng rốn nhiều bà mẹ sẽ lo lắng không biết nên chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh như thế nào? Thậm chí nhiều người còn lo ngại không dám vệ sinh rốn cho con vì sợ sẽ gây đau cho bé. Tuy nhiên theo các chuyên gia việc vệ sinh rốn cho trẻ không gây đau nhưng nếu mẹ để rốn trong tình trạng không sạch sẽ, nhiễm trùng thì mới là nguyên nhân gây đau nhức và dẫn đến nguy hiểm cho trẻ.



Chị Minh Anh (Châu Đốc - An Giang ) chia sẻ rằng sau sinh 15 ngày chị và con phải tất tả quấn khăn gối vào viện vì bé bị nhiễm trùng rốn, chảy dịch. Chị kể sau khi sinh về nhà n ằm ổ, mẹ chồng có đưa cho chị 1 loại lá kêu đắp lên rốn con để rốn mau khô và nhanh rụng. Nghe theo lời mẹ chồng, hàng ngày sau khi tắm cho bé chị lại lấy lá đắp lên bụng con tuy nhiên chỉ mới được mươi ngày chị thấy vùng rốn con có dấu hiệu bị mưng mủ, tiết ra dịch nhầy màu đen. Hoảng quá chị vội ôm con vào viện, sau khi bác sĩ thăm khám, hỏi han biết chị tự ý đắp lá cho con thì mắng chị 1 phen té tát vì dại, tý nữa là hại con bị nhiễm trùng rốn.



Theo các bác sĩ cho biết không riêng gì chị Minh Anh, hiện nay còn rất nhiều các bậc phụ huynh tin rằng bôi thuốc đỏ, đắp lá, rắc hạt tiêu v.v… có thể giúp rốn trẻ mau khô và nhanh rụng. Đây đều là những việc làm có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng rốn, dẫn đến biến chứng lở loét, nhiễm trùng máu, gây suy hô hấp, chết não, thậm chí dẫn đến tử vong… Các bà mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh cũng rất cẩn trọng với việc vệ sinh rốn. Tuy nhiên cũng không ít mẹ vì thiếu hiểu biết hoặc non kinh nghiệm mà mắc phải những sai lầm đáng tiếc.



Dưới đây là 5 thứ mẹ không nên đụng đến khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh.



1. Không thoa dầu lên rốn trẻ sơ sinh



Điều tối kỵ khi vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh chính là để rốn bị ẩm ướt. Nhiều mẹ hay có thói quen thoa dầu lên bụng, thóp và lòng ngực của trẻ để giúp giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên đối với những trẻ mới sinh chưa rụng rốn thì hành động này sẽ khiến rốn trẻ bị ẩm, gây viêm và nhiễm trùng rốn.



2. Không thoa phấn lên rốn trẻ sơ sinh



Phấn, nước hoa, kem dưỡng da là những thứ tuyệt đối không được thoa lên rốn trẻ sơ sinh. Bởi nó có thể làm tắc nghẽn rốn, khiến bạch huyết gần rốn không thể rỉ ra ngoài, gây viêm. Phấn quyện với huyết thanh có thể là một chất xúc tác cho tình trạng viêm rốn trở nên nghiêm trọng hơn.



3. Không để tã cạ vào rốn trẻ sơ sinh



Khi mặc tã cho trẻ các mẹ nên lưu ý gấp phần tã ở phía trên, dưới rốn trẻ. Tuyệt đối không để bất cứ vật gì có thể cạ cọ vào rốn của trẻ để tránh gây trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng rốn.



4. Không bôi kem dưỡng da lên rốn trẻ sơ sinh



Cũng giống như phấn, kem dưỡng da cũng không được sử dụng trên rốn của trẻ sơ sinh. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, để rốn trẻ có thể mau chóng khô và rụng sớm mẹ không nên sử dụng kem dưỡng da vì nó có có khả năng gâu ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát sinh.



5. Tuyệt đối không can thiệp vào quá trình rụng rốn



Điều lưu ý đặc biệt khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh chính là các mẹ không được tự ý can thiệp vào quá trình rụng rốn của trẻ. Thông thường chỉ 5 đến 10 ngày sau sinh rốn sẽ tự động rụng. Mẹ không nên giật, kéo cuống rốn của bé vì điều này có thể gây đau, chảy máu rốn và nguy cơ nhiễm trùng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.



Ngoài ra mẹ không nên sử dụng bông gòn vì những sợi từ bông gòn thường dính vào rốn và có thể gặp khó khăn để lấy ra, gây các biến chứng khác cho rốn.



Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách



- Hàng ngày, khi tắm cho bé, mẹ cần quan sát cuống rốn. Nếu cuống rốn không sạch, mẹ cần rửa cuống rốn với dung dịch nước muối sinh lý rồi lau khô. Tuyệt đối không bôi thuốc, đắp lá lên ,rốn trẻ.



- Tránh không làm dính nước tiểu hoặc phân vào cuống rốn trẻ gây nhiễm trùng.



- Khi tắm, các mẹ nên tắm lần lượt từng bộ phận, từ đầu đến chân, không nên đặt bé vào thau. Ngoài ra, có thể dùng khăn ẩm vệ sinh cơ thể bé, tránh chạm nước vào phần rốn của trẻ.



- Sau khi vệ sinh rốn, mẹ cần lau khô và để hở rốn, không băng chặt, băng kín rốn trẻ vì điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao.