Phải lâu lắm rồi mình mới có lại cảm giác muốn chia sẻ, muốn viết, muốn nhớ lại những chuyện ngày xưa. Những ký ức ngày mình còn nhỏ cứ dần dần hiện lên trong một chiều chủ nhật ảm đạm. 


Sài Gòn hôm nay mưa, hai vợ chồng mình đều được nghỉ làm, tự nhiên cảm giác thèm một bát cơm nóng với miếng cá kho cùng thịt ba chỉ. Nghĩ là làm liền, chồng mình tuy không biết nấu ăn nhưng lại rất nhiệt tình phụ giúp vợ, không khi nào để vợ vào bếp một mình. Chồng nói làm cùng nhau cho tiết kiệm thời gian, người nấu người dọn, vừa nhanh mà vợ đỡ mệt. Xong xuôi những việc cần làm, chồng mình tiện ra sân ngó thay nhớt xe luôn, con xe cọc cạch già cỗi ngày nào cũng còng lưng đưa hai vợ chồng mình đi làm, chẳng nề hà nắng mưa. Nhìn chồng cặm cụi với con xe tự nhiên mình có một cảm giác hoài niệm, ngày ấy ở căn nhà nhỏ trên đầm nuôi hải sản của bà, bố mẹ mình cũng từng vui vẻ chuyện trò trong bếp ra tới ngoài sân, căn nhà tuy nhỏ nhưng lại ngập tràn đoạn tuổi thơ hạnh phúc nhất của mình.

Nhớ lại cái đêm ấy, khi mà bố đứng chờ mẹ ngoài cổng dù trời mưa gió sấm chớp đì đùng. Cảnh này cứ giống trong phim ấy nhỉ, thì cũng đúng thôi, cuộc đời mẹ cũng giống như một cuốn phim, phim buồn, ở đấy mẹ là diễn viên chính, mẹ chìm đắm trong hố sâu tình cảm của chính mình. Mẹ vốn là người sống thiên về cảm xúc nên mẹ chẳng thể nào nhẫn tâm nhìn ai chịu khổ, luôn luôn nhìn vào mặt tốt của một người hoặc nghĩ lại việc tốt mà họ từng làm cho mẹ mà bỏ qua đi những lỗi lầm họ gây ra. Chính vì vậy mẹ lại càng chẳng thể ngó lơ một người từng kề chung chăn gối, là chồng mình, bố của con mình. Mẹ chấp nhận bỏ qua tất cả, cho bố một cơ hội cũng chính là cho bản thân mẹ một cơ hội. Suy cho cùng đã là phụ nữ, ai cũng mong muốn được hạnh phúc, ai cũng mong muốn được người đàn ông của mình chở che. Người xưa nói : "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", mẹ cũng chỉ mong tổ ấm của mẹ luôn bền vững, để nó chính là chỗ trú chân cho các con mẹ, cũng là cho chính mẹ. Vì sau bão giông ngoài kia, sau cánh cửa ngôi nhà ấy, mẹ chẳng cần phải gồng mình lên chiến đấu nữa, vì đã có một vòng tay, bờ vai vững chãi cho mẹ và con tựa vào. 

Ngày ấy, đối với một đứa trẻ mười tuổi, thì tôi còn quá non nớt để hiểu được nỗi đau và sự trăn trở của mẹ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, nếu như bố và mẹ ở với nhau không hạnh phúc thì cách giải quyết đơn giản là chấm dứt, chia đôi con đường, mỗi người một ngả. Tôi chẳng thể hiểu được hệ lụy nếu bố mẹ ly hôn là gì, càng không thể hiểu được nỗi lòng trăn trở của mẹ vì tôi ra sao. Mẹ sợ sự khiếm khuyết, sợ bản thân tôi sau này ra đời cho dù cố gắng ra sao thì vẫn bị người ta đánh giá vì tôi không có một gia đình tròn đầy cả bố cả mẹ. Tôi nghĩ, giá mà mẹ thương bản thân mình hơn một chút, mạnh mẽ dứt khoát với bố hơn 1 chút thì chác có lẽ mẹ đã không phải khổ tâm lâu tới vậy.

Quay về tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi kia, mỗi sáng con nhóc là tôi không cần phải chờ báo thức để thức dậy nữa, cũng không bị ngã dúi dụi lấm lem mặt mũi chỉ đề đẩy xe đạp vượt qua cái gò đất bùn kia nữa. Bố đóng cửa nhà để chuyển lên đầm ở với mẹ con tôi. Nói là cho cơ hội thôi, chứ mẹ vẫn còn giận bố lắm. Dường như bố cũng cảm nhận được lần này cơn giận của mẹ đáng sợ ra sao nên dốc hết sức, cố gắng để mang mẹ trở về bên mình. 

Căn nhà cấp bốn tồi tàn hoang sơ, qua bàn tay chăm chút, sửa chữa của bố tôi mà dần trở nên hoàn thiện. Ông sửa bể nước, đi lại đường dây điện, dọn dẹp hết cây cối xung quanh nhà, làm lại góc bếp gọn gàng để khi gió mùa tới, mẹ con tôi không cần phải ra ngoài trời nấu nướng nữa. Mỗi chiều đi học về, thay vì phải nước mắt giàn dụa để nhóm bếp than lên như trước, thì tôi có thể thoải mái chạy nhảy chơi ở sân, chờ mẹ về, rồi bố mẹ cùng chuyện trò, chuẩn bị cơm tối. Ngày nghỉ học thì tôi cùng bố đi dọc đầm, câu cá cất lưới, đốt rơm, thích thú biết bao. Tôi chẳng còn nhớ được rõ mỗi một ngày trôi qua như thế nào, nhưng cảm giác vui vẻ thoải mái vẫn còn nguyên vẹn.  Nụ cười dần hiện diện trên khuôn mặt mẹ, tuy không phải là nụ cười rạng rỡ như ngày đầu cùng bao hoài bão, ước mơ khi mẹ mới lấy bố, mà nụ cười ấy chứa đựng khát khao được yêu thương, hy vọng được hạnh phúc và đâu đó trong ánh mắt là sự kiên cường không tưởng của mẹ. Mẹ tin vào quyết định của chính mình.