Lại một người bạn nữa sắp lập gia đình ở cái độ tuổi mặn mà nhất của một cô gái – cái độ tuổi luôn căng tràn sức sống tuổi trẻ để có thể làm được quá nhiều việc có ích cho đời. Tình yêu sau vài năm yêu nhau đã kết thúc bằng một đám cưới rạng ngời, có vẻ như hạnh phúc. Tôi ngập ngừng khi nói lời chúc phúc cho hai bạn...



Người ta nói nhiều về tình trạng tảo hôn hiện nay và những lý do của nó. Nhưng trong thực tế, bất cứ một đám cưới trẻ nào của bạn bè, người thân họ vẫn không thể từ chối, họ vẫn đưa ra những lời chúc phúc dù có thể nghi ngờ về cái phần trăm thành sự thực của lời chúc. Đó có vẻ như là một sự tán đồng với khái niệm yêu vội – cưới sớm. Người ta có thể bao biện bằng rất nhiều lý do: mỗi người có một cuộc sống riêng không ai giống ai để mà so sánh, để mà áp đặt người ta phải sống như cái lý thuyết đến tuổi mới được lập gia đình... Lẽ ra phải sống với nhau cho bằng hết những lời chúc tụng mà mới đây thôi, trong đám cưới, bạn bè, người thân đã dành cho đôi bạn nọ. Nhưng, vội vã, họ lại đưa tất cả những gì đáng nâng niu trân trọng ấy trở về con số 0 một cách chóng vánh trong vòng một khoảng thời gian ngắn chung sống với nhau.


Có tới cả “một nghìn lẻ một” nguyên nhân khiến ngọn lửa tình yêu nguội lạnh đến tan vỡ hạnh phúc gia đình: sự thiếu hòa hợp về tình cảm, va chạm kinh tế, ngoại tình, bạo hành… và với cái vốn sống còn non nớt của những thanh niên còn quá trẻ thì có lẽ chưa thể xử lý tốt được những điều đó. Chưa bao giờ những thế hệ 9X, 8X được nói đến nhiều như hiện nay. Với lý giải về cuộc sống hiện đại, họ tự cho phép mình dễ yêu, dễ kết hôn và vì thế mà cuộc hôn nhân của họ cũng mau chóng đi đến ly hôn. Đây có lẽ cũng là những hệ quả tất yếu của lối sống gấp, sống vội của đại bộ phận giới trẻ. Một cuộc hẹn hò trên mạng, một vài buổi đi chơi, thế là yêu, thế là sống thử và có con và đăng ký kết hôn, thề thốt yêu nhau trọn đời… Để rồi chậm thì vài năm, nhanh thì chỉ chưa đầy một năm, họ dẫn nhau ra tòa để ký vào đơn ly hôn, chỉ với những lý do hết sức ngây ngô của những cô cậu… chưa đủ lớn về sinh lý và tâm lý.



Cô bé 17 tuổi, chót có bầu với bạn trai sau một vài lần quan hệ tình dục không biết cách phòng tránh thai, cậu con trai thì 18 tuổi; họ buộc phải kết hôn. Chưa đủ tuổi làm bố làm mẹ, chưa đủ chín chắn để xây đắp cuộc sống gia đình, người mẹ trẻ không biết chăm con, chăm gia đình, còn “ông bố” vẫn ham chơi, không chịu được cảnh con bồng con bế, thế là chúng ly dị, nhanh chóng và đơn giản. Như một trò chơi!?



Sẽ có những người nhận ra chân dung của chính mình trong những câu chuyên đó. Họ có thể lớn tuổi hơn, có một vài điểm khác nào đó, song đều có chung những lý do ly hôn “lãng xẹt”. Đó là những nguyên nhân hết sức nhỏ nhặt, chỉ vì thiếu hiểu biết, vì cái tôi ích kỷ, vì không lường hết hậu quả sau ly hôn. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bố mẹ chia tay nhau thường bị chấn thương tâm lý rất nặng, nhất là nếu chúng còn nhỏ. Trẻ con không hiểu được, không phân biệt nổi ai đúng, ai sai trong "tai nạn" này. Hậu quả là chúng thường bị mất cân bằng cuộc sống.


“Tình yêu trước hôn nhân như buổi bình minh của ngày mới, với tất cả sự rạng rỡ, tràn trề sức sống. Còn tình yêu trong hôn nhân lại có buổi trưa và buổi chiều với sự chói lòa, gay gắt, mệt mỏi". Hãy nhớ lại mình vài năm trước đây rồi vài năm trước nữa, nghĩ xem mình bây giờ đã thay đổi thế nào. Tiếp theo, nghĩ về mình trong 10 năm nữa, về cơ bản bạn sẽ vẫn vậy, nhưng chắc chắn sẽ có những thay đổi trong sở thích, tình cảm, nhận thức. Liệu có quá sức không khi yêu cầu cả hai người phải yêu nhau vẹn nguyên như ngày đầu mặc cho cả hai đều thay đổi? Không dám mạo hiểm, không đi chơi xa cuối tuần, chỉ toàn là những thỏa hiệp, luôn phải chi tiêu hợp lý và giảm ham muốn tình dục… Đó là những khó khăn thực tế của cuộc sống gia đình, nếu bạn còn quá trẻ, chưa đủ tự tin, bản lĩnh và chín chắn thì đừng vội bước chân vào “trò chơi dành cho những người trưởng thành” này nhé!