Công bằng cho người phụ nữ, công bằng cho người mẹ ở đâu???
Tôi viết thư này với mục đích trình bày nỗi lòng của một người mẹ, một người phụ nữ đi làm dâu. Tôi mong muốn nhận được cái nhìn công bằng khách quan cho một người mẹ, một người phụ nữ đi làm dâu.
Tôi xuất thân từ gia đình có học thức đầy đủ, từ gia đình với các thành viên có địa vị trong xã hội phù hợp với trình độ và năng lực của bản thân, từ gia đình có khả năng kinh tế xuất phát từ chính sức lao động của bản thân. Tôi xuất thân từ gia đình có quan niệm: tự thân vận động, “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, có tự lập thì ắt có tự chủ. Gia đình 2 bên nội ngoại đều có lối sống tự lập, độc lập, không dựa dẫm ỷ lại vào ai.
Tôi thừa nhận: với bản tính cứng rắn, khả năng kiềm chế kém, cách thể hiện thái độ không khéo léo, cộng với ảnh hưởng từ gia đình (quan niệm và lối sống như trên) khiến cho mình tự gây trở ngại cho mình. Sự trở ngại cho mình thể hiện ở chỗ: ít được lòng mọi người, ít bạn bè, dễ gây hiểu lầm từ những người không thực sự hiểu mình, chỉ những ai thực sự hiểu mình mới làm bạn được với mình lâu dài.
Khi về nhà chồng, tôi vẫn mang tư tưởng rằng: mình tự lập thì mình có tự chủ. Tôi tự biết, cách thể hiện của mình không khéo léo, phản ứng của mình nhiều khi đúng, nhưng lại không được lòng người nghe. Do đó, trong cả quá trình sống chung cùng bố mẹ chồng, điều gì không quá ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của mình thì mình bỏ qua, điều gì ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của mình thì mình nói với chồng, mong muốn chồng hiểu và thông cảm và làm vai trò cầu nối giữa bố mẹ chồng và vợ. Thế nhưng chồng tôi lại nói: “Anh không phải là cái loa để phát thanh hộ em, em muốn gì tự đi mà làm lấy”. Vậy nên dần dần theo thời gian, khi quan điểm của gia đình chồng (đặc biệt là từ bố mẹ chồng) với của tôi không giống nhau và có ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống riêng của mình, tôi đã phải trực tiếp giải quyết. Nhưng do cách thể hiện không khéo léo để bảo vệ quan điểm của mình, nên đôi khi thái độ của tôi có phần gay gắt. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ văng tục chửi bậy, cũng không có những lời lẽ xúc phạm đến gia đình chồng, mà chỉ là không đúng ý, không thống nhất quan điểm với bố mẹ chồng. Do đó, tôi bị gán rằng mình hỗn láo vì như thế được coi là cãi lại bố mẹ chồng.
Ngoài việc phản ứng để bảo vệ quan điểm của mình như trên, thì quan hệ của tôi với các thành viên trong họ hàng nội ngoại nhà chồng đều tốt, vai trò làm dâu với công việc nhà chồng cũng tốt. Ngày lễ Tết, giỗ chạp về quê, tôi đều có mặt, bất kể là ngày nghỉ hay ngày thường (nghỉ làm để về quê), thăm hỏi người thân ốm, sinh đẻ, sinh nhật. Chính tôi nhiều lúc còn là người nhắc (thậm chí giục giã) chồng, chủ động đứng ra lo liệu quà cáp riêng của 2 vợ chồng trong những dịp đó.
Đối với đồng nghiệp và bạn bè của chồng, tôi cũng có mối quan hệ tốt, có thể gọi là thân thiết. Khi tôi sinh em bé, hay khi tôi có việc gì cần nhờ vả, họ hàng nhà chồng, bạn bè và đồng nghiệp của chồng đều đến thăm, giúp tôi. Tôi cũng thể hiện tình cảm của mình bằng cách chủ động nhắc (cũng lại cả giục giã) chồng thăm hỏi, tặng quà bạn bè, họ hàng trong những dịp phù hợp.
Ngược lại, về phía chồng tôi, số lần 2 vợ chồng về nhà tôi giỗ chạp, thăm hỏi người thân bên nhà vợ chỉ đếm được trên đầu ngón tay trong suốt 5 năm hôn nhân. Nhà chồng có bao nhiêu cái giỗ của cả 2 bên nội ngoại, thì nhà tôi cũng có từng đó cái giỗ của cả 2 bên nội ngoại. Nhưng bản thân chồng tôi tỏ rõ thái độ không thoải mái khi đi cùng vợ về sinh hoạt với gia đình vợ, họ hàng nhà vợ. Tôi cũng tôn trọng thái độ đó của anh, để không bắt ép hay thúc giục anh phải có nghĩa vụ với nhà vợ khi anh không thích. Bản thân tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, anh có thái độ như thế là vì quan niệm “dâu con rể khách”.
Với chồng và các con, tôi luôn quan tâm, chăm sóc chồng và các con đầy đủ, chu đáo. Riêng đối với chồng, tôi quan tâm không chỉ trong cuộc sống, mà còn cả trong công việc của chồng.
Tôi luôn tôn trọng ý kiến, ý muốn của chồng. Đôi khi ấm ức, không vừa ý với chồng, thì tôi cũng chỉ to mồm kiểu: “sẽ thế này nếu anh cứ thế kia” chứ tôi cũng chưa bao giờ tôi thực hiện theo lời mình nói. Khi có mong muốn, dự định, kế hoạch gì, tôi đều trao đổi bàn bạc với chồng, để có được sự nhất trí của cả 2 vợ chồng. Nhưng nếu chồng không đồng ý thì tôi cũng tìm mọi cách để biết được lý do vì sao chồng không đồng ý. Chỉ khi không có lý do hợp lý nào mà chồng vẫn không đồng ý, và điều đó ảnh hưởng đến tôi và con cái thì tôi mới làm theo ý mình.
Về vấn đề kinh tế giữa 2 vợ chồng:
Có thể với nhiều gia đình: người vợ là người tay hòm chìa khóa, hàng tháng chồng đưa tiền cho vợ để vợ quản lý, chủ động “liệu cơm gắp mắm” và tiết kiệm chung để vun vén gia đình. Nhưng với vợ chồng tôi: chồng tôi tỏ rõ thái độ không hề muốn để vợ quản lý kinh tế. Nhận thấy ý muốn đó của chồng nên tôi cũng không đòi hỏi bắt buộc anh phải đưa tiền hàng tháng cho vợ. Bản thân tôi cho rằng đấy cũng là 1 cách tôi thể hiện tôn trọng ý muốn của chồng.
Chồng tôi có nói: 1 tháng chồng tôi trực tiếp đóng góp cho bố mẹ chồng 5 triệu coi như là tiền sinh hoạt của 2 vợ chồng và con cái. Trên thực tế, tôi đã chịu trách lo cho con cái các khoản: đồ ăn (cháo, thịt, sữa, hoa quả), bỉm, quần áo, tiền học và những khoản lặt vặt cho các con. Giữa chúng tôi hoàn toàn không có khoản tiền nào để tiết kiệm chung cả.
Bản thân tôi không phải là người phung phí trong chi tiêu. Nên từ ngày đầu tiên đi làm cho đến bây giờ, tôi cũng tự điều tiết thu chi để tự mình tiết kiệm cho chính mình và đến khi lập gia đình thì minh và chồng con. Khi chồng tôi gặp khó khăn trong đầu tư, tôi cũng có mang các khoản tự mình tiết kiệm ra để giúp chồng. Vì tôi nghĩ rằng, những khoản tiết kiệm đó cũng là có sự đóng góp công sức chung của cả 2 vợ chồng.
Tuy nhiên, với chồng tôi, khi công việc, đầu tư thuận lợi, kinh tế khấm khá, thì chồng tôi lại coi đó chỉ là tài sản riêng của mình, do chính chồng tôi làm ra, không nghĩ đến những gì tôi đã đóng góp lúc khó khăn.
Tôi chưa bao giờ nghĩ chồng tôi là một người bố vô trách nhiệm. Anh sẵn sàng chăm con từ những việc vụn vặn nhất (thay bỉm, pha sữa, cho con ăn, tắm cho con …). Tôi nghĩ đó là tình cảm nhưng cũng là trách nhiệm của một người chồng, người cha. Nhưng rồi anh lại nói với tôi: “Anh chăm con cho em thì đấy là anh giúp đỡ em, em phải cám ơn, biết ơn anh”.
Chồng tôi nói: “Em chẳng đóng góp gì cho nhà chồng cả”. Tôi không biết tôi sẽ còn cần đóng góp những gì cho nhà chồng nữa??? Khi mà tôi tự nhận thấy tôi đã đóng góp cả tinh thần lẫn vật chất cho nhà chồng.
Vì nhiều mâu thuẫn, và không hòa nhập được quan điểm trong cuộc sống, nên tôi mong muốn được ra ở riêng để tránh mâu thuẫn gây sứt mẻ tình cảm vợ chồng cũng như tình cảm với bố mẹ chồng. Hơn nữa, tôi cũng muốn vợ chồng ra ở riêng sẽ tự lập hơn, trưởng thành hơn, thoát được sự ỷ lại của chồng vào bố mẹ chồng. Chồng tôi từng đoạt giải Quốc gia, đi du học 3 năm, có bằng đại học của Mỹ, có bằng thạc sỹ quốc tế, là người thực sự có trình độ và năng lực. Nhưng tôi nhận thấy sức ỳ của chồng tôi quá lớn, quá ỷ lại vào bố mẹ chồng. Từ xin việc cũng nhờ vả dựa dẫm, công việc bấp bênh, không ổn định về kinh tế. Tuy nhiên, chồng tôi hoàn toàn không muốn ra ở riêng. Lý do anh không muốn ra ở riêng là vì: “đang sống sung sướng thì ra ở riêng làm gì cho khổ”. Đúng là ra ở riêng sẽ vất vả, nhưng những vất vả đó để hạn chế mâu thuẫn, để trưởng thành hơn, để tự lập hơn, để có sự tự chủ của mình thì lại là cái tốt.
Cái dại dột và ngu ngốc nhất của tôi đó là: Để được ra ở riêng, tôi dùng biện pháp: “Đi không chào, về không hỏi, không nói chuyện với bố mẹ chồng, cứ về nhà là khư khư ôm con, chăm con”, vì ngốc nghếch nghĩ rằng: “Như thế sẽ khiến bố mẹ chồng tức mà đuổi 2 vợ chồng ra ở riêng”. Từ lúc tôi áp dụng biện pháp này, cho đến khi chính thức nói mong muốn được ra ở riêng với bố mẹ chồng, là 2 tháng. Nhưng cũng chính 2 tháng này đã làm đổ đi mọi công sức, mọi cố gắng hòa nhập của tôi với gia đình chồng. Để rồi khi nhắc lại 5 năm hôn nhân của chúng tôi, không phải nhắc đến những gì tôi đóng góp với nhà chồng, mà chỉ là sự láo lếu, mất dạy của tôi khi: “Nó không chào hỏi bố mẹ chồng”.
Hơn 1 tháng cả 2 vợ chồng cùng đi tìm thuê nhà để ra ở riêng. Những nhà phù hợp cho cuộc sống thì chồng tôi chê đắt (5 triệu), nhà rẻ hơn thì chồng tôi lại chê như chuồng chim, ổ chó (3 triệu). Tôi bắt đầu nản, và từ bỏ ý định ra ở riêng vì nhận thấy: ngoài mặt thì chồng tôi đồng ý ra ở riêng, còn trong lòng thì không thoải mái. Vậy nên chính tôi lại là người nói với bố mẹ chồng rằng chúng tôi không ra ở riêng nữa vì kinh tế không cho phép. Nhưng rồi sau đó, chính chồng rồi lại là người đi tìm nhà để thuê và thúc giục tôi ra ở riêng.
Rồi chúng tôi cũng ra ở riêng, với giá thuê nhà là 4,5 triệu/tháng. Hai vợ chồng cùng thỏa thuận mọi chi tiêu sẽ được chia đều cho từng người: tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt chung cho 2 vợ chồng và con cái.
Nhưng ở riêng được 3 tháng, cuối tháng 10/2011, anh lấy lý do: vợ không nghe lời chồng, để rồi bỏ 3 mẹ con, về ở với bố mẹ chồng. Và cùng hôm đó, anh tuyên bố kiên quyết ly dị.
Chồng tôi kiên quyết đòi ly hôn. Tôi thì hoàn toàn không muốn ly hôn. Chồng tôi nói: “Nếu em không đồng ý thỏa thuận ly hôn, thì anh sẽ làm đơn phương”. Tôi thì mong muốn: 2 vợ chồng tạm thời ly thân một thời gian, cùng tự suy nghĩ, tự kiểm điểm lại bản thân mình và xem xét khả năng hàn gắn, nếu không còn cách nào khác thì mới tính đến chuyện ly dị. Nên tôi cố gắng tìm mọi cách kéo dài thời gian ly thân lâu nhất có thể. Tôi được biết, nếu làm đơn thỏa thuận, thì chính tôi có thể rút lại đơn, như vậy kéo dài được 1 tháng. Và tôi đã làm vậy. Chồng tôi tuyên bố ngay lập tức nộp đơn phương luôn.
Sau khi hủy đơn thỏa thuận, Tòa trả lại giấy tờ cho chúng tôi, tôi đã giữ luôn 2 bản chính Đăng ký kết hôn của chúng tôi. Cũng nhằm mục đích để kéo dài thêm thời gian, để chồng tôi mất thời gian đi xác nhận kết hôn thì mới làm thủ tục đơn phương được. Anh giằng co bằng được với tôi 2 bản chính Đăng ký kết hôn đó. Thậm chí giữ bé lớn không cho về với tôi, khi bé khóc lóc kiên quyết đòi về với tôi thì anh nói với con rằng: “Con nói với mẹ trả bố giấy tờ thì bố để con về với mẹ, nếu mẹ không trả thì bố không cho con về với mẹ”.
Trải qua 2 phiên hòa giải, chồng tôi vẫn kiên quyết ly hôn, mặc dù bản thân tôi vẫn còn tình cảm với chồng, nhưng tôi hiểu rằng cuối cùng mình cũng phải chấp nhận điều đó. Nhưng điều tôi trăn trở nhất là phải chia cách 2 cháu.
Khi chồng tôi bỏ về ở với bố mẹ chồng, chồng tôi nói sẽ bế 1 cháu về ở với anh, để lại tôi 1 cháu. Tôi thương các cháu còn quá nhỏ: bé lớn 4,5 tuổi; bé nhỏ 1,5 tuổi. Nếu phải tách các cháu ra lúc này sẽ khiến các cháu mất đi suy nghĩ chúng nó là chị em ruột thịt. Nên tôi mong muốn bằng mọi cách để các cháu được ở cùng nhau càng lâu càng tốt: đó là tìm cách kéo dài thời gian ly thân, để các cháu lớn hơn 1 chút, nhận thức được nhiều hơn. Nên tôi cũng kiên quyết nếu: Tòa chưa phân xử ai nuôi cháu nào, thì tôi vẫn kiên quyết chăm nuôi 2 cháu, không tách các cháu ra. Do đó, từ khi chồng tôi bỏ về ở với bố mẹ chồng, 3 mẹ con tôi vẫn ở với nhau.
Tuy nhiên, tôi cũng có mong muốn: Nếu phải ly dị, thì tôi muốn được trực tiếp chăm nuôi cả 2 cháu, muốn 2 cháu vẫn ở cùng với nhau và ở cùng tôi. Vì tôi muốn 2 cháu không bị tách nhau ra và tự nhận thấy mình có khả năng về tư cách, sức khỏe, lẫn kinh tế để đảm bảo chăm nuôi cả 2 con tốt. Chồng tôi cũng đủ tư cách, sức khỏe, lẫn kinh tế để đảm bảo chăm nuôi cả 2 con tốt. Nhưng chồng tôi còn trẻ, hoàn toàn có thể lập gia đình riêng và có những đứa con khác. Còn tôi là phụ nữ, cũng đã lớn tuổi, khi sinh cháu thứ 2 cũng đã gặp khó khăn, và không đảm bảo có thể sinh được thêm nữa. Nên tôi rất mong muốn được quyền chăm nuôi cả 2 cháu.
Tôi hiểu, việc chia tách con cái cũng là để san sẻ trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc con công bằng. Nhưng dù 2 vợ chồng có không ở với nhau, thì quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm với con chung vẫn phải có. Nên dù 2 bé không hoàn toàn ở với bố, thì bố cháu không hề mất đi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm với 2 cháu.Và tôi cũng luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để chồng tôi thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của anh đối với các cháu như trong thời gian chúng tôi ly thân.
Tôi hoàn toàn không muốn ly hôn. Vì bản thân tôi vẫn còn tình cảm với chồng, và không muốn phải chia cách chị em các cháu. Tôi cũng đã tìm cách nói chuyện với chồng để cùng suy nghĩ lại để tháo gỡ những khúc mắc và tìm cơ hội để hàn gắn. Vì chồng tôi nói lý do kiên quyết muốn ly hôn là do anh đã hết tình cảm với tôi, nên tôi không chủ động nhờ vả bất kỳ ai có thể tác động đến chồng về mặt tình cảm riêng tư. Theo tôi, tình cảm là tự mình là chủ, không ai có thể điều khiển tình cảm của chính mình được. Chính vì vậy, khi cần tìm người để tác động đến anh, thì mục đích tác động của tôi cũng chỉ muốn anh đồng ý cho tôi được chăm nuôi trực tiếp cả 2 cháu, đừng tách 2 đứa trẻ ra, cho chúng được ở chung với nhau.
Hiện, cháu lớn nhà tôi là con gái 4,5 tuổi; cháu nhỏ là con trai 1,5 tuổi. Tôi biết, theo quyền ưu tiên, thì con dưới 3 tuổi sẽ để mẹ chăm. Tuy nhiên, nếu không được trực tiếp chăm cả 2 cháu, thì tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản: con gái ở với mẹ, con trai ở với bố, như thế tiện mọi bề về lâu về dài.
Nếu không được trực tiếp chăm nuôi các cháu cả đời, tôi cũng chỉ hi vọng tạm thời từ giờ cho đến khi bé nhỏ được 3 tuổi thì để tôi được trực tiếp chăm cả 2 bé, cho bé nhỏ được đủ tuổi và đủ khả năng nhận thức nhiều hơn, rồi tôi lại để bé nhỏ về ở với bố. Trong thời gian này thì tôi cũng cố gắng tiếp tục duy trì thuê nhà để bố con cháu được ở gần nhau (nhà tôi thuê chỉ cách nhà chồng chưa đến 1km).
Hiện tại, tôi đang mua nhà xây – đóng tiền theo tiến độ, cuối năm 2013 sẽ nhận nhà. Trên thực tế thì tôi vẫn có thể về ở cùng ông bà ngoại của các cháu, rồi đợi nhận nhà sẽ chuyển đi sau. Nhưng vì nhà ông bà ngoại cách nhà chồng 6km, nên tôi nghĩ sẽ không thuận lợi cho các cháu được ở gần bố. Khả năng về kinh tế cho phép tôi vẫn có thể thuê nhà được, nên tôi cũng muôn duy trì thuê nhà rồi đợi giao nhà mới thì tôi chuyển. Khi đó cháu nhỏ cũng được 3 tuổi, cháu cứng cáp hơn, hiểu biết hơn, biết mẹ, biết chị, và nếu bố cháu vẫn kiên quyết muốn được chăm nuôi con, thì lúc đó cháu về ở với bố tôi cũng đành phải chấp nhận.
Tất cả những gì tôi đã trình bày ở trên không phải với mục đích kể xấu chồng (nếu chúng tối hàn gắn lại được, về tiếp tục sống với nhau thì những điều đó chả có gì là nghiêm trọng và to tát trong cuộc sống vợ chồng cả). Những điều tôi trình bày ở trên cũng không phải với mục đích hạ thấp tư cách của chồng để được giành quyền nuôi con. Mà vì tôi nhận thấy không có sự công bằng với tôi trong cuộc sống hôn nhân cũng như phải ly dị sau này.
Chồng tôi nói lý do ly hôn là vì đã hết tình cảm vợ chồng, là vì khi kết hôn dựa trên tinh thần tự nguyện thì khi hết tình cảm, muốn ly hôn thì cũng phải được toại nguyện. Và chồng tôi muốn chia đôi con cái, nói rằng sẽ mang con tôi đi tỉnh khác nếu anh xin được việc ở tỉnh khác, hoặc nếu đi du học tiếp nước ngoài thì sẽ mang con tôi đi theo. Anh nói phải tách tôi khỏi con bằng được chỉ vì tôi sẽ làm hư con tôi khi chúng được 14, 15 tuổi.
Tôi kết hôn với anh trên tinh thần tự nguyện, và tự nhận thấy mình đã sống hết lòng với chồng con và gia đình chồng. Nhưng rồi kết quả nhận được của tôi là gì? Là bị chồng bỏ vì hết tình cảm, là phải xa cách con, là phải nhìn thấy từng đứa con đang quấn quýt nhau nay phải từng đứa lủi thủi chơi một mình!
Tôi cũng như những người phụ nữ khác, dành hết tình cảm cho chồng, dành hết sức khỏe, tuổi trẻ cho con. Để rồi khi chồng hết tình cảm, chồng kiên quyết đòi ly hôn với chúng tôi, thì chúng tôi – những người mẹ, phải chấp nhận không được sống cùng và trực tiếp chăm sóc tất cả những đứa con của mình ư? ??
Kết hôn thì trên tinh thần tự nguyện. Điều này hoàn toàn hợp tình hợp lý. Tòa phán xét cho ly hôn cũng chỉ “nhận thấy tình cảm vợ chồng đã hết”. Vậy những đứa con chung thì sao? Chúng là anh chị em ruột thịt với nhau, tại sao chúng cũng phải bị chia cách như bố mẹ chúng? “Anh em như thể tay chân”, những đứa con giống như tay và chân trên cùng cơ thể người cha, người mẹ. Giờ tách chúng ra, khác nào chặt bỏ tay, chân của người cha, người mẹ!
Tại sao những người mẹ, người phụ nữ, danh hết tình cảm, dành hết cả sức khỏe, tuổi trẻ của mình cho chồng cho con, chăm chồng chăm con thì phải chấp nhận khi ly hôn không được sống chung với tất cả các con của mình? Nếu chồng cũng là người có quyền và trách nhiệm chăm sóc con, vậy tại sao lại bắt những người vợ phải biết ơn và cám ơn chồng khi chồng chăm sóc con?
Theo quan điểm: chia đôi con trẻ cũng là để chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ chăm nuôi con của cả 2 bên. Vậy nhưng người không trực tiếp nuôi cũng vẫn có trách nhiệm, nghĩa vụ chăm nuôi con, cũng là chia sẻ cho nhau? Vậy tại sao không để chúng được tiếp tục ở chung với nhau? Và sao không ưu tiên cho người mẹ nếu người mẹ thực sự có đủ tư cách, sức khỏe, kinh tế đảm bảo nuôi con được đầy đủ?
Và tại sao Tòa không xét đến cả vấn đề: người chồng còn trẻ, khỏe, có thể lập gia đình mới và có những đứa con mới. Còn người vợ đã lớn tuổi, sức khỏe sinh sản không đảm bảo để có thêm những đứa con khác, để ưu tiên cho người mẹ được trực tiếp chăm nuôi cả 2 con?
Con cái là tài sản tinh thần. Tài sản là tài sản vật chất. Cả 2 dạng tài sản này hình thành trong hôn nhân sẽ được pháp luật quy định là tài sản chung của 2 vợ chồng, do 2 vợ chồng cùng đóng góp để làm ra. Vậy tại sao tài sản vật chất do chồng trực tiếp làm ra trong thời kỳ hôn nhân thì chồng chỉ coi đó là của chồng? Nếu vậy, con cái được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, nhưng do người mẹ mang nặng đẻ đau, tổn hao sức khỏe, thì cũng chỉ là của người mẹ, người vợ thôi chứ?