“Có nên vì con mà không ly hôn” là câu hỏi khó trả lời nhất của những người làm cha mẹ.
Với hầu hết các bậc cha mẹ, con cái được coi là tài sản quý nhất nên dù có thế nào đi nữa cũng phải cố gắng vì con kể cả khi hạnh phúc riêng của mình không còn.
Việc chèo chống qua những thăng trầm của một mối quan hệ gắn bó dài lâu đòi hỏi sự kiên gan bền chí và sự tin tưởng nhất định.
Nhưng nếu cuộc hôn nhân của các bạn đã thật sự bế tắc và kiệt sức, không còn niềm vui, thì đừng ở lại bên nhau chỉ vì con.
Suy nghĩ được chung sống với cả bố lẫn mẹ sẽ tốt hơn cho con bạn.
Tuy nhiên liệu con cái bạn có thể hạnh phúc khi chứng kiến bố mẹ thường xuyên cãi vã?
Sự phát triển tâm lí, tính cách của trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hành vi, thái độ người lớn.
Con bạn có thể phát triển tốt khi thường xuyên chứng kiến cảnh say xỉn và bạo lực hay hành vi ngoại tình của bố mẹ không?
Trong trường hợp người vợ luôn luôn là người cam chịu, điều này có thể khiến con bạn nhận thức sai lệch rằng phụ nữ không có quyền phản kháng và phải là người chịu đựng.
Cố níu kéo đời sống hôn nhân nhưng không còn tình cảm và luôn đau đầu liệu có nên ly hôn sẽ khiến đời sống hôn nhân đầy mệt mỏi.
Vì đã không còn tình yêu gắn kết giữa hai người, tâm hồn bạn sẽ luôn cảm thấy trống rỗng và cô đơn.
Cảm giác luôn khao khát sự yêu thương, quan tâm nhưng lại không thể nhận được sẽ khiến bạn đau khổ và mệt mỏi.
Và rồi, cãi vã sẽ xảy ra ngày một nhiều hơn.
Vợ chồng sẵn sàng đôi co với nhau về bất cứ lý do gì dù to hay nhỏ, dù có đáng để tranh luận hay không vì thực chất giờ đây vợ chồng không còn sự đồng cảm và thấu hiểu cho nhau mà thay vào đó là sự chán ghét đôi bên.
Mâu thuẫn như một cuộc chiến tranh lạnh vô hình kéo dài đẩy vợ chồng càng ngày càng xa nhau.
Từ những hệ lụy diễn ra khi sống trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc, sống trong suy nghĩ có nên ly hôn hay không, những gì con cái sẽ phải chứng kiến và sống trong một gia đình đầy mâu thuẫn là:
- Cảm nhận được sự thờ ơ của bố mẹ.
Trẻ con rất nhạy cảm, dù các bố mẹ có cố gắng tỏ ra hạnh phúc trước mắt con nhưng không thể diễn được trong cả chục năm hoặc hơn nữa.
Con bạn sẽ cảm thấy bố mẹ không còn yêu thương nhau, cảm nhận gia đình không còn hạnh phúc.
- Con sẽ phải chứng kiến những cuộc cãi vã của các bạn mỗi ngày vì bất đồng trong mọi quan điểm, không tìm được điểm gì chung. Nó sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển về tâm sinh lý của con.
- Hôn nhân không tình yêu rất dễ khiến vợ/chồng sa ngã rơi vào mối quan hệ ngoài luồng khác.
Điều này hoàn toàn có thể hiểu được bởi dù có mạnh mẽ đến đâu thì vẫn luôn cần tình yêu và chỗ dựa về tinh thần.
Nhưng kể cả vợ/chồng có trăm ngàn lý do để lý giải cho việc có quan hệ với người thứ ba trong khi cuộc hôn nhân giữa vợ/chồng vẫn đang tồn tại thì đó là hành vi sai trái và bị xã hội phê phán.
Con cái sẽ nghĩ gì khi biết bố mẹ đang sống chung nhưng một trong hai hoặc cả hai lại ngoại tình?
Rõ ràng ly hôn ảnh hưởng tới cuộc sống của các thành viên trong gia đình, nhưng việc níu giữ nhau lại trong một mối quan hệ không còn cảm xúc tích cực liệu có nên?
Nếu trẻ nhỏ sống với cha mẹ – những người khinh thường lẫn nhau, kể cả khi không cãi vã, mắng chửi mà chỉ giễu cợt và làm bẽ mặt nhau một cách tinh vi, tấn công vào sự tự tôn của nhau, cũng đều là những điều tồi tệ
Vì vậy, việc duy trì hôn nhân không tình yêu vì con là hoàn toàn không nên.
Một gia đình không phải chỉ cần có bố, mẹ và con cùng sống trong một ngôi nhà là đủ, mà gia đình cần phải có niềm vui, những tiếng cười, sự san sẻ yêu thương,…
Nếu bản thân chúng ta không hạnh phúc thì chúng ta không thể làm những người xung quanh mình hạnh phúc.
Ly hôn không làm con của bạn mất đi bố hoặc mẹ, nếu các bạn vẫn dành sự quan tâm và trách nhiệm đối với đứa trẻ.
Nhưng nếu ở bên nhau mà hai vợ chồng bạn không thể cho mình cảm nhận được niềm hạnh phúc trọn vẹn thì cái mà con bạn mất đi sẽ là niềm tin và có thể có những nhận thức lệch lạc, bi quan về cuộc sống.
Chắc hẳn rằng việc đưa ra quyết định ly hôn, đặc biệt đối với gia đình đã có con cái là không hề dễ dàng.
Các thành viên trong gia đình có thể sẽ phải chịu tổn thương một thời gian, nhưng thay vì né tránh, hãy chấm dứt tình huống nhanh chóng hơn là kéo dài sự đau khổ.
Sau li hôn của cha mẹ, những đứa trẻ vẫn có thể phục hồi và phát triển tốt nếu chúng nhận được sự quan tâm và thái độ cư xử phù hợp của người lớn.
Cuối cùng cố gắng cứu vãn hôn nhân là cần thiết nhưng đừng tiếp tục “cam chịu chỉ vì con”.
Bởi vì nếu bạn không hạnh phúc thì cũng không thể mang lại hạnh phúc cho con bạn.