CUỘC ĐỜI CỦA MẸ VÀ THỜI ẤU THƠ BÊN MẸ CỦA TÔI




HN, 00:06 ngày 24/12/2008




Mẹ già là mẹ sinh ta ra


Công phù lao dưỡng dục


Công thầy (cha) mẹ đùm bọc chín tháng mười ngày


Thầy mẹ bồng bế trên tay


Chân chưa đi bén đất


Mùa đông lật cật


Mùa rét lăn căn,


Nơi ướt mẹ nằm,


Nơi ráo (khô) mẹ xê (dịch) con lại


Nuôi con cho nậy (lớn)


Nên chín nên mười


Cha dậy đôi lời Mẹ dậy có phép có tắc


Dậy con ăn mặc, Có tứ có danh,


Như búp trên nhành, như hoa mới nở


Con trai có vợ, con gái có đôi


Cha già mẹ yếu, ai nuôi hỡi hời





Mẹ …Mẹ …
con muốn mãi được gọi Mẹ và chào Mẹ mỗi khi gặp Mẹ, được Mẹ cười âu yếm. Con muốn viết lên đây nói về cuộc đời của Mẹ qua những góp nhặt từ câu chuyện Mẹ kể rồi cô dì chú bác nói lại với con và những nhận thức của con từ khi Mẹ sắp về nhà chồng, cuộc sống tại nhà chồng, rồi ra ở riêng nuôi chồng ăn học, chồng đi công tác xa Mẹ lại vò võ nuôi con lớn khôn.


Cách đây hơn 30 năm về trước Mẹ tôi là người con gái đảm đang sống trong 1 gia đình cơ bản tại làng rau HN gia đình ông bà ngoại có 5 người con Mẹ là thứ 2 nhưng lại là trưởng nữ nên mọi công việc trong gia đình Mẹ đều làm gánh vác cùng bà ngoại, từ gánh nước tưới rau, hái rau gánh đi chợ bán hàng, về nhà trông các em. Rồi một công việc yêu thích đã được Mẹ chọn lựa, Mẹ làm cho một xưởng may tại phố Khâm Thiên vào những năm HN bị giặc Mỹ ném bom ác liệt nhất, Mẹ đã tham gia vào tự vệ nhà máy “Những năm tháng hào hùng đó của mẹ đã được ghi dấu theo lịch sử, Mẹ đã nhiều lần tự hào kể chuyện đó cho con nghe về những đêm trực chiến đấu của Mẹ, rồi vào một sáng tinh mơ của cái ngày 26/12/1972 hãi hùng Mẹ đã cùng những cô bác tự vệ sắn tay giúp đỡ những nhà dân đổ nát trên con phố Khâm Thiên, những xác người bị giặc Mỹ ném bom được chính bàn tay Mẹ ghép xếp để chuyển đi”. Mẹ ơi !!! con rất tự hào về Mẹ, Mẹ là một người con gái quá gan dạ.


Rồi khi Mẹ yêu Bố ông bà ngoại cấm đoán mà Mẹ vẫn vượt qua để Bố và Mẹ đến được với nhau. Mẹ về làm dâu trong một gia đình công nhân viên chức nghèo có đến 7 anh chị em sống chung trong một ngôi nhà chỉ 50m2 được ngăn chia ra từng ô. Cũng tại nơi đây “con” được sinh ra từ tình yêu thương của Bố Mẹ, nghe Mẹ nói năm đó lạnh lắm khi mang thai con gần đến ngày sinh Mẹ vẫn phải đi làm mà không được nghỉ, có một đêm Mẹ phải làm ca trên đường về trời lạnh mưa to cây đổ Mẹ bị ngã xe khi đó con thì vẫn ở trong bụng Mẹ không biết thương Mẹ ngã đau còn đạp vào bụng Mẹ làm Mẹ đau hơn, vậy mà Mẹ vẫn nói đau nhưng Mẹ vui lắm vì biết con của Mẹ vẫn khỏe mạnh.


14/12/1977 – 12h15 phút đêm Mẹ trở dạ sinh con sau khi đã cưu mang con 9 tháng 10 ngày, khi Mẹ vượt cạn thì xung quanh mẹ không có một người thân nào mà Mẹ vẫn kiên cường chống trọi vì nhìn thấy con là Mẹ quên hết đau đớn. Ngày Mẹ xuất viện về lại nhà khi đó đã có con thì Mẹ lại phải vất vả mệt mỏi vì những cô em chồng ác nghiệt mà con còn nhớ mãi đến ngày nay khi 2 căn bệnh của mẹ tái phát.


·Bệnh đau đầu không bao giờ chữa khỏi của Mẹ là tác phẩm của các bà cô ác khẩu nói ra nói vào để Mẹ tủi thân Mẹ đã ôm con khóc dòng các đêm.


·Căn bệnh trở lạnh Mẹ lại đau tay nay nó biến thành bệnh đau khớp là tác phẩm của bà cô thứ 2 sau khi Mẹ sinh con chưa đầy 1 tháng bà ấy bắt Mẹ ngồi dậy tự giặt quần áo trong cái giá lạnh của mùa đông năm 1977.(Đến nay con vẫn ghét bà ấy thế, hay do con có trí nhớ tốt thành hận thù dai Mẹ nhỉ, nhưng chắc là do con thương Mẹ đó).


Năm 1979 Cuộc sống đã mỉm cười đôi chút với Mẹ khi bà nội được phân cho 1 căn nhà và gia đình mình được ra ở riêng. Nhưng cũng từ đây cuộc sống của Mẹ bắt đầu cái cảnh thân cò lặn lội nuôi chồng nuôi con. Mẹ đi làm xong việc ở CQ rồi nhận thêm việc về nhà để làm vừa cơm nước giặt giũ, trông con, lo cho chồng dành thời gian cho việc nghiên cứu khoa học “Bố tôi hiền lành lắm chỉ biết học và nghiên cứu khoa học thôi ngòai ra không biết XH thế nào”. Mẹ cứ làm như vậy từ sáng cho đến đêm khuya không kêu ca than vãn “Nghe Mẹ nói năm năm ở với chồng không 1 lần điều qua tiếng lại hay giận dỗi nhau”.


Chồng em áo rách em thương



Chồng người áo gấm xông hương mặc người




Năm 1982 khi đó tôi được năm tuổi ngã rẽ cuộc đời của Mẹ đã đến, Bố được CQ cho đi du học làm luận án phó tiến sĩ tại nước ngoài, nhà thì nghèo không có gì đáng giá ngoài cái máy khâu là kế sinh nhai của cả gia đình suốt những năm có tôi và chiếc xe đạp Phượng Hoàng được ông bà ngoại cho làm của hồi môn khi đi lấy chồng. Vậy là Mẹ đành ngậm ngùi bán đi 2 thứ đáng giá nhất để Bố có tiền đi du học. Ngày Bố đi Mẹ đã khóc rất nhiều vì nhớ thương chồng, nhưng có lẽ những giọt nước mắt của Mẹ đã không giữ được chí hướng của Bố. Ngày tiễn Bố ra sân bay giờ tôi còn nhớ Mẹ đã đưa tôi chạy ra cửa sau “Bên cửa chuyển hàng hóa, cửa này nhìn thẳng ra tận cầu thang máy bay, vì sân bay Nội Bài cũ mà” để 2 Mẹ con được nhìn thấy Bbố và ngược lại Bbố cũng nhìn thấy 2 mẹ con. Tôi còn nhớ như in lời Mẹ khi đó nói với tôi “Con phải ngoan học giỏi sau thành tài còn đi tìm bố về cho Mẹ” Mẹ ơi !!! câu nói của Mẹ vô tình đã là 1 điềm báo cho sau này. Bố đã đi học thành tài qua hết phó tiến sĩ, tiến sĩ rồi là 1 giáo sư đầu ngành của Viện lúa quốc tế nhưng điều cay đắng nhất để lại cho Mẹ là Bố ở hẳn và không về với Mẹ nữa.


Suốt những năm dài đằng đẵng từ khi con 5 tuổi cho đến khi con học hết cấp II, hai Mẹ con mình đã dựa vào nhau để sống đi đâu cũng chỉ có 2 Mẹ con, suốt quãng đường đó Mẹ đã phải dùng hết nghị lực vượt qua tất cả để nuôi dạy con và chờ chồng thành tài trở về. Những năm tháng đó Mẹ nuôi dạy con từ 1 đứa con tinh nghịch bồng bột không có sự nghiêm khắc dăn dạy của tình phụ tử thành 1 chàng trai vững vàng trong XH ngày nay. Mọi điều sai trái của con đều được Mẹ dùng bằng những lời khuyên chân thành từ tình mẫu tử, Mẹ thường hay đưa ra những tấm gương hiếu học và hiếu nghĩa cho con nghe, mà tấm gương đầu tiên Mẹ thường dạy con là Bố - học phải giỏi như Bố đi thi ĐH sốt cao 40 độ vẫn đỗ 2 trường hàng đầu của VN “Mẹ ơi ! học như bố giỏi như Bố con sẽ học, nhưng sống với vợ và con như vậy con sẽ không học, con không bỏ lại Mẹ như Bố bỏ lại ông bà nội. Nhưng con cũng không trách cứ Bố vì con là đàn ông rồi nên con rất hiểuNam nhi trí tại bốn phương. Chắc Mẹ cũng không phải bận tâm nhiều về con vì con có một trí nhớ rất tốt mà mọi điều hứa con đều làm được. Suốt những năm tháng bên Mẹ đó sao con quên được Mẹ chắt chiu nuôi con trong thời gian Bố mới sang gia đình vẫn vất vả lắm, toàn bộ kinh tế bố chuyển về Mẹ đều không được nhận hay giữ bất kể món đồ nào, cũng không được viết thư sang nói là Mẹ muốn gì bởi vì ông nội giữ hết không đưa Mẹ cái gì chỉ ngòai tiền nuôi con hàng tháng Mẹ lĩnh từ ông nội, còn lại bao nhiêu tiền ông mang đi kiện cáo nhà cửa hết. Địa chỉ nơi Bố ở Mẹ cũng không có, mọi thư từ liên lạc đều phải qua ông kiểm tra rồi tự ông mang đi gửi. Con biết lắm chứ những bức thư của Mẹ chỉ toàn những lời yêu thương nỗi nhớ mong với Bố, những chuyện về con hàng ngày mà có nhiều nhặn gì những lá thư đâu 1 năm chắc chỉ được vài lá thư.


Đến khoảng năm 1986 Mẹ chuyển sang công tác tại 1 cơ quan khác vì cơ quan cũ Mẹ phải đi làm ca nhiều nên không chăm sóc được con, đúng là ông trời không phụ lòng người tốt, tại CQ mới Mẹ tìm được niềm vui trong công việc con cảm nhận được vì Mẹ luôn vui cười trong các cuộc liên hoan với các cô cùng làm. Con biết khi đó Mẹ làm thủ kho nên cũng vất vả, nhiều hôm nhập hàng hay phải đi lấy hàng Mẹ về muộn hơn so với ngày thường, Mẹ biết không??? Con đường từ nhà mình sang CQ Mẹ giờ thì đi xe máy con thấy chỉ vài phút là đến nơi, nhưng ngày còn nhỏ con đã bao lần đi bộ từ nhà sang CQ Mẹ để tìm Mẹ những hôm Mẹ về trễ mất đến 20 phút, đi đường ngó trước ngó sau sợ xe đụng, rồi chỗ nào thấy đông đông là chen bằng được vào để ngó “Vì cái đoạn đường đó hay có tai nạn” mỗi lần chui được vào rồi chui ra tuy mệt lắm nhưng rất vui vì hết cả nỗi lo lắng “Sao ngày xưa cứ tai nạn họ bu vào đông thế mỗi người 1 chân 1 tay cứu giúp người bị nạn không như bây giờ thấy là phớt lờ ” sau đó con chạy một mạch thẳng đến CQ Mẹ thấy Mẹ đang nhập hàng là con vui thế “Vui vừa là được nhìn thấy Mẹ, vui là được chui qua hàng rào sang công viên Lê Nin dạo chơi bắt châu chấu. Nói đến con châu chấu lại nhớ đến vụ khoán 10 lúa má ruộng vườn cho nông dân của nhà nước làm cả nước nghèo. Hình như vào sau năm 1986 VN hồi đó đổi tiền sau đó nghèo kinh khủng nhiều nhà phải ăn bột mỳ thay cho 1 bữa cơm “Nhà mình cũng không ngoại lệ là có bột mỳ” Nhưng Mẹ đã cố gắng lo cho nhà mình vẫn đủ 2 bữa cơm gạo trắng, Mẹ lo cho con ăn no để mình đủ sức học thành con ngoan. Nhưng thức ăn thì chắc là ngòai khả năng của Mẹ. con còn nhớ vẫn có thịt cá ăn đủ nhưng nhiều lần bắt gặp Mẹ ăn không có thịt cá.


Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa


Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương




Và trong một lần lang thang ngao du bên công viên LêNin tôi thấy những đứa trẻ cùng trang lứa với tôi cầm cái vợt đi vợt châu chấu khi đó cứ nghĩ chúng đi bắt về chơi sau hỏi lại Mẹ mới biết chúng nó vợt về để chế biến thành món ăn. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu để giúp Mẹ đỡ phần vất vả lo chuyện cơm áo gạo tiền, tôi đã nhờ chú bảo vệ CQ Mẹ làm cho 1 cái vợt như lũ trẻ kia. Khi cái vợt xuất xưởng tôi cầm vợt tung tăng với cái túi nilon chạy thẳng ra cái hàng rào nơi có cái lỗ chui sang công viên, ngày đầu thành công rực rỡ vì lũ trẻ không ra vợt châu chấu nên tôi vợt được nhiều lắm, mang về khoe Mẹ - Hic! Mẹ mắng tôi là không được ăn vì dù sao cũng là côn trùng, đành ngậm ngùi chịu. Tối đó về nhà cũng như bao ngày khác học xong bài là bị mất điện tối thui tôi lại xin phép Mẹ cho ra đường chơi trốn tìm với lũ bạn, được Mẹ đồng ý là tôi co giò chạy 1 mạch nhưng chưa kịp thóat khỏi tầm nhìn thì bị Mẹ gọi lại “Hic cái tội đi không chào Mẹ” sau khi để lại 1 tiếng chào rõ to đủ để Mẹ nghe thấy tôi đã được vui chơi cùng lũ bạn, nhưng hôm đó sao ý “Chắc có lẽ tử vi tôi nói đúng phàm là người tuổi Đinh đều có giác quan thứ 6” đang chơi với lũ bạn tôi lại bỏ ra về trước sớm hơn khoảng 20 phút, về gần đến nhà thấy mùi gì khen khét mà bùi bùi, dưới ánh trăng mờ tôi nhận ra Mẹ đang ngồi bên bếp than đi gần lại thì thấy Mẹ đang đảo cái món gì trên cái nồi nhôm. Trời ơi !!! Mẹ dấu tôi mắng tôi không ăn côn trùng Mẹ bảo để Mẹ bỏ đi sao Mẹ lại ngồi rang nó lên. Hic! ý nghĩ trong đầu tôi khi đó hiện ra Mẹ mắng không cho đi vợt là lo con té ngã, mắng con không ăn được đó là côn trùng là Mẹ lo cho con đường ruột kém “Thủa nhỏ tôi bị bệnh đường ruột tưởng không qua khỏi, cũng may nhờ Bố nghiên cứu ra loại sữa chua ngửi thấy là ghê nên chữa khỏi được” nên không cho con ăn, Mẹ rang lên rồi cất đi để khi không có tôi Mẹ lấy ra ăn, phần thịt cá thì nhường tôi. Khi đó tôi rón rén đi lại gần ngồi bên Mẹ xin Mẹ ăn thử 1 con chỉ 1 con xem sao thôi, Mẹ gắp cho 1 con châu chấu có lẽ là to nhất mình bỏ vào mồm nhai, hic! chán phèo chả ra cái vị gì, nhưng lại phải nói dối hét to lên “Ngon thế Mẹ” Rồi bụng tuy không đói nhưng cố nằn nì Mẹ cho vài thìa cơm nguội để ăn thử với món đặc sản mới biết. Ăn nhai kỹ lâu thấy bùi bùi cũng ngon vì khi đó Mẹ đã cho thêm nước mắm, bữa đó Mẹ cho thử vài con thôi, tối đó khi đi ngủ Mẹ kể hết chuyện rồi mình vẫn không ngủ Mẹ hỏi làm sao không ngủ? Tôi nói con chỉ hỏi có phải Mẹ lo con yếu bụng nên Mẹ không muốn cho con ăn châu chấu không? Mẹ trả lời “Đúng” tôi nghe mà muốn khóc òa lên vì thấy Mẹ thương lo cho tôi quá. Ngày hôm sau, lại xin mẹ cho sang CQ Mẹ, cầm cái vợt sang công viên nhưng hôm nay đúng ngày nghỉ lũ trẻ ra đông quá chúng lại làm quen thế là tôi đành cắp vợt chui về CQ Mẹ, thấy con thẫn thờ Mẹ hỏi “thất thu hả con trai? tôi thì trả lời con của Mẹ kém quá không bằng chúng nó, Mẹ cười xoa đầu tôi lấy từ trong hộc bàn Mẹ ra 1 túi rất nhiều châu chấu mà tòan con to, Mẹ nói các chú bảo vệ thấy hôm trước con đi vợt châu chấu vất vả quá nên chiều tối qua vợt cho được cái túi này”.


Vậy mà tôi cũng ăn cái món này cũng gần 1 tháng. Hình như sau đó nền kinh tế VN ổn định tôi cũng quên đi các món ăn đó. Cách đây 2 năm tôi được ăn lại nhưng không thấy ngon, phần vì nhà hàng đó bán đắt với lại không phải của Mẹ rang cho tôi.


Vào năm 1988 Bố làm xong luận án lấy bằng tiến sĩ đáng lẽ phải trở về VN vì hết thời hạn nhưng tự nhiên mất hẳn tin tức của Bố, thời gian đó Mẹ chạy hết các nơi từ Bộ Nông Nghiệp, Sở Nông Nghiệp, CQ của Bố, đại sứ quán để hỏi tin tức nhưng mọi nơi đều cùng 1 câu trả lời “không tìm thấy”. Mẹ như phát hoảng tinh thần Mẹ suy sụp kinh khủng từ 1 người phụ nữ mạnh mẽ luôn vui cười Mẹ trở nên u uất không nói không rằng với bất kỳ ai trừ mỗi tôi người con trai của Mẹ, niềm tin cuối cùng của Mẹ. Rồi Mẹ đổ bệnh căn bệnh viêm gan siêu vi trùng khi đó cũng là 1 bệnh lây lan nguy hiểm 90% là tử vong. Mẹ gầy tọp hẳn đi, công việc CQ phải gác lại, khi đó trong nhà chỉ còn 2 Mẹ con mọi việc từ cơm nước giặt giũ đến chăm sóc thuốc men cho Mẹ tôi đều làm tất mà vẫn không được bỏ dở công việc học mà Mẹ luôn luôn nằm trên giường bệnh nhắc nhở. Nghe bác sĩ dặn phải ăn kiêng không sẽ lây sang tôi thì sẽ rất nguy hiểm, Mẹ thực hiện rất đúng theo lời bác sĩ dặn kiêng gần tôi tránh ăn chung bát đũa cùng tôi, nhưng khi đó tôi cũng chán lắm nghe nói bệnh đó khó qua khỏi, ý nghĩ nông cạn 1 đứa trẻ chỉ lớp 7 nên tôi đã len lén mang những đồ ăn còn thừa của Mẹ vào bếp ăn hết vì muốn rằng Mẹ sao con vậy - Mẹ còn con còn - Mẹ mất con theo Mẹ. Cũng may do còn nhỏ sức đề kháng tôi tốt nên tôi không bị bệnh, Mẹ thì được một người giúp đỡ đưa đi chữa trị gặp đúng thầy đúng thuốc nên đã khỏi hẳn căn bệnh quái ác đó (Người đó sau là bố dượng tôi, nhưng tôi không khi nào nghĩ đó là bố dượng mà luôn coi như cha đẻ).


Con trai của mẹ







Hoàng Công Hiếu



(Còn tiếp)


PS: Bài viết về Mẹ và tôi nếu các bạn đọc thấy không hay đừng bình luận nhé, vì ngày đó đến nay nó đã quá xa nhiều chi tiết tôi không còn nhớ được rõ hết. Tôi chỉ biết 1 điều tôi viết bằng tất cả những gì trong tôi còn giữ lại được, bằng tất cả tình cảm dành cho Mẹ tôi và gia đình ngày đó của tôi. Bài này tôi cũng không định đưa lên đây, nhưng hôm qua nhìn Mẹ ốm tôi thương Mẹ quá vả lại trên các web hay Blog hoặc tại Topic này tôi chưa có 1 bài viết nào về Mẹ tôi cảm thấy mình là đứa con không Đạo Hiếu nên quyết định đưa lên để bộc bạch tâm sự của mình.