Ở một số nước phương Tây, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã là điều tất nhiên trước khi các cặp đôi cùng bước vào giáo đường; nhưng với chúng ta, khái niệm này dường như vẫn còn rất mới mẻ.



Một trong những lý do làm các bạn trẻ không quan trọng việc đi khám sức khỏe là vì họ chỉ chú tâm vấn đề tâm lý hôn nhân mà mặc nhiên cho rằng mình khỏe mạnh. Cũng có người không dám đối diện với sự thật, sợ chẳng may sau khi khám lại “tòi” ra một số bệnh làm “kẻ phá bĩnh” đám cưới đã cận kề.



Chính những suy nghĩ chủ quan đó đã mang lại những hậu quả đáng tiếc, có người phải bẽ bàng khóc ngay sau đêm đầu tiên ở cùng nhau.



Ở nhiều nước phương Tây, khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều tất nhiên (Ảnh: Inmagine)




"Ngày vui ngắn chẳng tày gang"



Yến và Bình là hàng xóm, hai nhà đối diện nên từ nhỏ đến lớn đã biết về nhau rất rõ. Bố mẹ hai bên vui mừng khi thấy hai người có tình cảm và tính đến chuyện cưới xin. Đám cưới được tổ chức rình rang, nhưng niềm hạnh phúc chưa được bao lâu, một tháng sau Yến phát hiện ra chồng mình có những biểu hiện của người mắc bệnh tâm thần. Quá lo lắng, cô đem chuyện này nói với bố mẹ chồng, lúc đó cả nhà mới tá hỏa đưa Bình đến bệnh viện. Bố mẹ Yến thương con nên cho rằng nhà thông gia biết con mình bị bệnh nhưng vẫn cưới Yến về, rạn nứt của người lớn bắt đầu. Cuộc sống hạnh phúc của Yến quá ngắn ngủi khi bác sĩ chẩn đoán Bình mắc bệnh tâm thần và kết luận anh có những biểu hiện trầm cảm nặng.



Với Lan thì nỗi đau không được nhìn thấy đứa con đầu tiên của mình luôn làm cô day dứt. Sau khi cưới, hai vợ chồng vui mừng báo tin cho nội ngoại hai bên về việc mình sắp có em bé. Thời gian này, cô hay thấy mệt mỏi, đau đầu, đi tiểu sậm màu. Nghĩ là do sự phát triển của thai, hai vợ chồng đưa nhau vào bệnh việc kiểm tra mới phát hiện ra Lan đã bị viêm gan B do nhiễm từ chồng. Lo lắng về sự ảnh hưởng đến đứa con, Lan khóc hết nước mắt khi quyết bỏ đứa bé khi bé còn chưa kịp nguyên hình hài.



Đừng nhắm mắt và tin vào niềm tin vô căn cứ rằng chúng ta đều hoàn toàn khỏe mạnh để đến với một cuộc hôn nhân bền vững (Ảnh: Inmagine)




Thực tế thì các bạn trẻ ngày nay đã nhận thức được một cách nghiêm túc việc kiểm tra sức khỏe là cần thiết, nhưng cũng không ít người khi nghe người bạn đời tương lai đề cập đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân là gạt phắt đi và kết luận nửa kia không tin tưởng hoặc nghi ngờ mình có vấn đề gì mới đề nghị đi khám. Có người cho rằng đó là quyết định “dở hơi” vì nếu nhỡ phát hiện ra chàng hoặc nàng không có khả năng làm cha, làm mẹ, hay một trong hai người mắc một chứng bệnh nan y nào đó. Liệu hai người có tiếp tục tiến đến hôn nhân?



Bạn nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân



Hôn nhân không chỉ cần sự đồng điệu về tâm hồn mà còn cần hòa hợp về thể xác. Tình dục không chỉ là yếu tố quan trọng trong hôn nhân mà nó còn làm cho cả hai thăng hoa trong tình yêu, và hơn hết là “sứ mệnh” duy trì nòi giống. Bạn sẽ tự tin, mãn nguyện và hạnh phúc hơn để bước vào xây dựng cuộc sống gia đình khi biết chắc chắn rằng cả hai cùng đảm bảo đầy đủ về sức khỏe.
Việc “rủ rê” người bạn đời tương lai đi kiểm tra sức khỏe trước khi cưới là vấn đề rất nhạy cảm. Có cặp vui vẻ dắt nhau đi kiểm tra sức khỏe như là minh chứng cho tình yêu - Họ thực sự muốn vun đắp cho cuộc sống tương lai nên việc quan tâm, lo lắng về sức khỏe của nhau để đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc lứa đôi lâu dài là việc nên làm. Nhưng cũng không ít người xem việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân là phương pháp “thử” trước khi thật sự đi đến quyết định có cưới hay không.



Có rất nhiều lý do làm nửa kia từ chối đi đến phòng khám với bạn. Một phần do họ chưa có thói quen cũng như ý thức phòng bệnh, mọi người chỉ đến bệnh viện khi phát hiện ra cơ thể mình đang bị “trục trặc” một bộ phận nào đó. Riêng đối với nam giới, họ chẳng mấy mặn mà với việc đi khám sức khỏe tiền hôn nhân bởi họ cho rằng mình rất khỏe, họ ngại người bạn đời tương lai nghĩ mình yếu về “chuyện ấy” hay lo lắng sẽ bị lộ về những "chiến tích" khi “đã từng” với nhiều cô gái khác... Và vì nhiều lý do như vậy, cách tốt nhất bạn có thể làm là tế nhị, khéo léo để “dụ” người kia đi cùng, đừng tỏ thái độ ra lệnh hay bắt buộc.



Đừng nghĩ rằng nhìn một anh chàng khỏe mạnh là có thể khẳng định anh ta có khả năng làm cha, hay một cô nàng có dáng “thắt đáy lưng ong” chắc chắn rằng rất “mắn” trong việc “sản xuất” em bé. Niềm tin về sức khỏe nên đặt trên cơ sở khoa học thì mới có những kết luận chính xác.



Chương trình khám sức khỏe tiền hôn nhân


Nhiều cặp đôi đã ý thức hơn tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân nhưng khi cần đến bệnh viện họ vẫn mù mờ thông tin vì không biết ở đâu có dịch vụ khám sức khỏe này, và lại phải ngồi than thở: “Em đọc báo thấy người ta khuyên nên đi khám sức khoẻ tiền hôn nhân, nhưng khổ nỗi khuyên mà lại không chỉ cho mình biết nên đi khám chỗ nào. Em lên mạng tìm cũng chẳng thấy. Có ai biết chỗ nào có khám sức khoẻ tiền hôn nhân chỉ em với!



Ảnh: Inmagine




Ít nhất 6 tháng trước khi cưới, hai bạn nên dành thời gian cùng nhau đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm nước tiểu, đo lượng đường trong máu, xét nghiệm men gan, HIV, siêu âm bụng tổng quát, siêu âm ngực, đo điện tâm đồ, đo não đồ, chụp X-quang phổi, cột sống, thắt lưng, đo độ loãng xương, khám hệ sinh sản của cả hai người… Nếu phát hiện ra bệnh thì cả hai sẽ cùng có thời gian để điều trị dứt điểm trước khi tiến hành đám cưới.



Sau khi kết hôn, có thể bạn sẽ có thai ngay. Giai đoạn này cơ thể người phụ nữ rất dễ bị nhiễm một số bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Đã không ít những trường hợp bố mẹ “ôm hận” khi không coi trọng công tác dự phòng, hậu quả là những đứa con họ sinh ra có thể bị lao bẩm sinh, hở hàm ếch hoặc bị quái thai. Do đó, để hoàn toàn yên tâm về đứa con đầu tiên của hai người phát triển hoàn toàn khỏe mạnh, hãy chích ngừa các bệnh Rubela, cúm, quai bị, sởi, thủy đậu...



Hạnh phúc luôn song hành với tình yêu và sức khỏe, nên bạn hãy đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tiền hôn nhân để tạo một nền móng vững chắc cho gia đình mới của mình.
Bạn có thể đến các địa chỉ sau để được khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân:



Thành phố Hồ Chí Minh:


Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản TP.HCM


957 đường 3/2, phường 7, quận 11, Tp.HCM


Bệnh viên Phụ sản Từ Dũ


284 Cống Quỳnh, p. Phạm Ngũ Lão, quận 1, Tp.HCM


Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương


128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, Tp.HCM


Hà Nội:


Bệnh viện phụ sản Trung Ương (Bệnh viện C)


43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội


Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội


929 Đê La Thành, Ba Đình, Hà Nội


Trung tâm phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh sáng (Light)


Toà nhà số 4, nhà A2, đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội