Tết nhất mọi người thế nào chứ với tôi chẳng khác gì cực hình khi ngày nào cũng phải nghe bố mẹ càu nhàu, ca thán chuyện chồng con. Nhất là sau khi biết tôi từ chối lời cầu hôn của Lâm – người mà cả nhà mối lái vun vén.
Lâm là con trai bạn thân của bố mẹ tôi, anh khá điển trai, tốt tính, gia đình cơ bản, nề nếp. Lương anh chỉ vỏn vẹn 10 triệu/tháng nhưng lúc nào cũng nghĩ từng đó là nhiều rồi và không cần phải phấn đấu thêm.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
‘Nhà bố mẹ có rồi, cần gì phải lo chỗ ở. Lương như anh ở cái đất Hà Nội này cũng ở mức tầm trung, em cũng đi làm thì cần gì phải nuôi, kiếm nhiều lại tiêu nhiều’.
Đi tán gái chưa gì đã nói những lời ấy thì tôi loại luôn từ vòng gửi xe. Nhưng không muốn làm bố mẹ phật ý nên tôi vẫn duy trì mối quan hệ bạn bè thân thiết với anh.
Phần tôi sau đó cũng làm quen với nhiều mối quan hệ khác, trong đó có 1 người đàn ông gần 40 tuổi. Anh tuy già nhưng có trong tay khối tài sản lớn lại là người thông minh có cả 1 sự nghiệp phía sau.
Tôi nhanh chóng đổ gục trước người đàn ông này vì anh sở hữu mọi tiêu chuẩn bản thân đề ra. Còn đang dự tính sẽ làm đám cưới vào năm tới thì mọi thứ tan thành khói khi tôi phát hiện anh đã có con riêng. Vậy là tôi quyết chia tay.
Trong những ngày tôi vùi mình gặm nhấm nỗi đau thì Lâm luôn ở bên an ủi, động viên chăm sóc. Thấy tín hiệu khả quan, bố mẹ tôi mừng rỡ hết sức vun vào, thậm chí còn nhận luôn anh làm con rể.
"Kho vàng trước mặt không biết quý trọng, cứ theo đuổi những thứ hào nhoáng đâu đâu. Con gái gần 30 tuổi, vỡ mộng trắng mắt ra rồi vẫn còn ảo tưởng hả?", mẹ mắng nhiếc khi biết tôi từ chối Lâm.
Còn bố gay gắt: "Vậy mày chê nó ở điểm gì?
Tôi thẳng thắn chia sẻ người không tham vọng như anh ta chán lắm. Nhà của bố mẹ cũng chỉ là căn chung cư bình dân gần 60m2, hai phòng ngủ bé xíu. Vợ chồng son còn sống chung được chứ nếu có con thì ở vào đâu. Giá như anh có chí phấn đấu thì còn hy vọng, nhưng với cái kiểu suy nghĩ đấy thì khéo muôn đời chui rúc.
Tôi không muốn một mình phải lăn lộn kiếm tiền còn chồng nhởn nhơ bình chân như vại. Ngoài kia có thiếu đàn ông đâu mà biết không ổn còn cố đâm đầu vào.
Nghe xong những lời phân tích thiệt hơn đầy thực tế của tôi, bố mẹ chỉ biết thở dài. Không nói được con gái, họ đành nhờ họ hàng, cô dì, chú bác đến giáo huấn cho tôi ‘mở mang đầu óc’.
Người tôi sẽ cưới không thể là trai nghèo. Ít nhất cũng phải có nhà, xe hơi, lương tháng 40 triệu đồng trở lên. Ai nói tôi tham vật chất cũng được, nhưng thời buổi bây giờ thà khóc trên Mec 5 tỷ còn hơn là ngồi cười trên xe đạp.
Chất lượng cuộc sống vốn được đo bằng điều kiện vật chất. Lấy chồng nghèo, con tôi sinh ra đã thua ngay từ vạch đích rồi. Nó sẽ phải học trường làng, nơi quy tụ những người nghèo hèn ngang bằng đẳng cấp.
Còn nếu lấy chồng giàu có, con tôi có thể đi học các lớp nghệ thuật, kỹ năng sống... Ở nơi đó, nó sẽ tự tin trước bạn bè khi có quần áo, đồ dùng xịn, nói tiếng Anh như tiếng bản địa, mơ tới những điều to tát hơn là làm công cho người ta.
Chưa kể, nếu lấy chồng nghèo, tôi sẽ phải bù đầu làm việc kiếm tiền phụ thêm cho gia đình. Bận rộn, lo lắng, ăn mặc quê mùa, tôi sẽ tự biến mình thành bà mẹ hôi rình mùi sữa khiến chồng chán nản và đi cặp bồ lúc nào không hay.
Suy cho cùng, phụ nữ đang tuổi xuân sắc như tôi chả dại mà lấy những anh chàng đến cả tài sản cơ bản như nhà, xe cũng chẳng có. Thà làm một gái ế xinh đẹp còn tự đeo gông vào cổ trở thành bà nội trợ ủ rủ bên người chồng thất bại.
Tôi thà làm bố mẹ buồn chứ không muốn vì để họ vui mà nhắm mắt đưa chân. Chính vì thế, những ngày đầu năm này không khí trong nhà tôi rất ngột ngạt, bố mẹ dường như nhìn thấy con gái là ngứa mắt. Hễ tôi về đến nhà là các cụ lại thở dài rồi chép miệng rè bỉu đủ điều. Tôi chán nản lắm, chẳng nhẽ lại chuyển ra ngoài sống cho đỡ căng thẳng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet