Vợ chồng tôi đến với nhau từ thời còn mài mông trên ghế giảng đường đại học. Người ta thường nói: Tình yêu sinh viên chẳng bao giờ có kết quả nhưng chúng tôi đã chứng minh điều ngược lại. Tôi và anh cùng nhau trải qua những ngày tháng khổ cực, cay đắng nhất để lập nghiệp.

Từ lúc cả hai cùng chia nhau chia đôi gói mì tôm nấu suông lót bụng rồi đèo nhau đến chỗ làm. Lúc ấy chúng tôi là những người trẻ, lương tháng cũng chỉ vỏn vẹn 5 – 6 triệu/tháng. Cuộc sống vợ chồng ở trọ, đi làm công ăn lương không bao giờ dư dả.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Căn nhà trọ chưa tới 12m2 nhưng lúc nào cũng vui vẻ, ngập tràn hạnh phúc. Nhưng từ khi con đầu lòng chào đời, kinh tế vợ chồng càng chật vật hơn. Dẫu vậy, vợ chồng vẫn cố gắng bươn chải, nhận đủ mọi việc để có thêm thu nhập. 

Những đêm tối mùa hè, trời nóng đổ lửa, chồng tôi thức trắng đêm quạt cho 2 mẹ con ngủ. Rồi ngày mưa, mái tôn dột nát khắp nơi, căn phòng đầy thau, chậu, xoong chảo hứng nước.

Thế mà chúng tôi cũng bền tâm vững chí đi qua những dông bão cuộc đời, tự mình xây nên một cơ sở sản xuất quần áo trẻ em. Trời thương người có chí, công việc dần một tốt hơn. Vợ chồng tôi cũng có tích lũy và có của ăn của để. 7 năm sau cưới, cuộc sống giờ đã khấm khá hơn hẳn trước đây.

Song điều này cũng đồng nghĩa với việc chồng tôi ngày 1 bận rộn hơn. Gia đình không còn là nơi anh chia sẻ mọi buồn vui như trước mà chỉ là chỗ để về ngủ mỗi tối. Càng ngày khi kiếm được nhiều tiền, chồng tôi thay đổi chóng mặt, từ 1 người luôn giữ lời hứa với vợ con, giờ thất hứa liên tục.

Mỗi tuần, anh chỉ về nhà ăn cơm với gia đình được 1 lần, còn lại, cứ khoảng 2-3h sáng mới mò về nhà. Lý do của chồng luôn là bận với những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng mà anh cho rằng phải đi quan hệ như vậy mới ra tiền.

Mỗi đêm, thay vì ôm nhau tâm sự, chúng tôi lại lao vào công việc hoặc dán mắt vào cái điện thoại. Những cuộc trò chuyện thưa thớt hoặc chỉ liên quan đến con cái. Lâu dần, một bức tường dày đã hình thành chia cắt quan hệ vợ chồng.

Cho đến một ngày, tôi phát hiện chồng bao nuôi tình trẻ bên ngoài. Không chỉ vậy, anh còn có nhiều cuộc tình một đêm khác. Bị vợ sờ gáy, chồng chẳng chút lo sợ mà thản nhiên:

Công việc thôi, giờ ai cũng vậy mà mình lệch đi khó giao thiệp lắm. Với lại đàn ông ai chẳng có tật nọ, tật kia; miễn không bỏ vợ con là được. Em sống biết điều tí đi, đừng làm loạn’.

Bao bất công, uất nghẹn của tôi được dồn nén bấy lâu giờ bung ra hết trước câu nói điềm nhiên của chồng. Biết chẳng thể níu chân người đàn ông mà trái tim đã đặt nơi khác, tôi viết đơn ly hôn, xem như giải thoát cho cả hai.

Xong xuôi, tôi điện thông báo cho mẹ chồng biết tình hình. Mấy ngày sau, bà vội vã bắt xe lên thành phố rồi buồn bã ôm lấy hai đứa cháu. Vợ chồng tôi vẫn dửng dưng cho rằng ly hôn là điều tốt nhất cho cả hai, chỉ chờ ngày ra tòa.

Đêm đó, đợi hai cháu ngủ xong rồi, mẹ chồng nấu hai bát bánh đa suông rồi gọi vợ chồng tôi xuống rồi nói đúng 1 câu:

Chuyện vợ chồng các con thế nào mẹ không muốn can thiệp nhiều. Nhưng 2 đứa đã trải qua những ngày tháng khổ cực nhất với nhau giờ tại sao lại ly hôn khi đã giàu sang như thế?’.

Tôi lặng người sau câu nói của bà. Mùi hương bát canh bánh đa phảng phất trong không khí. Quãng thời gian vất vả chia nhau gói mì, san sẻ tình yêu như ùa về trong kí ức. Mắt tôi đỏ hoe từ lúc nào, lẳng lặng quay sang nhìn chồng, anh cũng vậy.

Chồng tôi lấy tờ đơn ly hôn từ dưới ngăn kéo ra, xé nát trước mặt tôi và mẹ. Anh nắm tay tôi hỏi nhỏ:

‘Vợ chồng mình có thể làm lại từ đầu được không? Anh xin lỗi em’.

Nghe được những lời này của anh, tôi òa khóc ôm lấy chồng. Thực sự, tôi vẫn còn yêu chồng rất nhiều, ly hôn cũng chỉ vì cái tôi quá lớn mà thôi.

Vậy là chính mẹ chồng đã cứu vớt cuộc hôn nhân tưởng chừng đi vào ngõ cụt của vợ chồng tôi. Và thứ mẹ đem ra chỉ là hai bát bánh đa suông nấu nước lã chẳng có chút mùi vị gì. Thế nhưng chính điều đơn giản đó đã kéo 2 kẻ bị guồng quay cuộc sống làm mờ mắt như chúng tôi tỉnh mộng để níu giữ hạnh phúc gia đình.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet