Tôi về làm dâu nhà chồng đã 6 năm nay. 6 năm tuy không phải là một chặng đường dài, nhất là vợ chồng tôi lại không ở chung nhà với bố mẹ anh. Thế nhưng nó cũng không phải là đoạn đường ngắn và có thể đủ giúp tôi hiểu nhiều về tính cách của từng thành viên gia đình.

Nhà chồng tôi bố mẹ đều làm nông nghiệp. Ông bà cũng có 1 con trai và 2 cô con gái. Tất cả con trai, con gái của bà đều có công việc ổn định và đều lập gia đình. Tuy nhiên do đặc thù công việc mà các con đều ở xa nhà gần 200 km. Chỉ khi việc nhà, việc họ có việc thì vợ chồng tôi cũng như các cô mới về nhà.

hình ảnh

Ảnh minh họa internet.

Do xác định bố mẹ ở quê 2 bên đều nghèo nên vợ chồng tôi từ lúc lấy nhau cũng luôn tự thân lập nghiệp. Cả hai bảo bao, động viên nhau cùng làm ăn, tích cóp. Cũng may do công việc cho thu nhập khá nên ngoài chi tiêu, chúng tôi cũng để ra được hơn chục triệu/tháng. Bởi thế, sau 5 năm phấn đấu đi làm, vợ chồng tôi cũng đã mua được nhà riêng trong ngõ phố Hà Nội. Cuộc sống trở nên an cư hơn.

Khi có nhà riêng xong, vợ chồng tôi cũng phấn đấu mua bảo hiểm nhân thọ cho bố mẹ chồng. Đặc biệt, chồng tôi còn làm riêng 1 sổ tiết kiệm để vào đó 500 triệu cho ông bà. Anh bảo đây là khoản tiền tiết kiệm dưỡng già, hay phòng lúc ốm đau biến cố sau này cần thì rút ra. Ngoài ra, tháng nào vợ chồng tôi cũng hỗ trợ gửi về 3 triệu báo hiếu để ông bà thoải mái chi tiêu. Chưa kể các con gái bà thỉnh thoảng cũng biếu tiền nữa.

Ở quê, bố mẹ chồng tôi cũng làm vườn, trồng cây ăn trái, ao cá, nuôi thêm nhiều gia cầm. Ăn không hết thì ông bà lại bán. Vậy nhưng lúc nào ông bà cũng kêu không có tiền. Và như vậy, họ lại gọi điện xin con trai, con dâu.

Khi các con trai, con dâu tỏ ý đang bị kẹt tiền không cho họ vài triệu là y như rằng họ quay ra nói chẳng ra gì. Họ thường bảo:

“Lũ con bất hiếu, nuôi lớn ăn học và đi làm, giờ có vài triệu cũng tiếc bố mẹ”

“Chúng mày đã đi làm thì hàng tháng có lương rồi. Chúng tao là bố mẹ, ở nhà quanh năm nên xin là phải cho”

Lúc nào bố mẹ chồng tôi cũng mặc định như thế. Trong khi ông bà cũng đã có 1 khoản tiết kiệm để dưỡng già. Và hàng ngày vẫn lo đủ cuộc sống ở quê, thậm chí còn có dư. Thế nhưng xung quanh người ta mua sắm gì mới là ông bà lại muốn vậy. Khi gọi lên cho con xin tiền không được thì quay sang chì chiết, kể thiệt hơn.

Vợ chồng tôi thì không tiếc gì bố mẹ 2 bên cả nếu như có tiền nhiều. Song lương lậu chúng tôi chỉ ở mức khá. Sống trên thành phố cái gì cũng đắt đỏ. Nhất là ngoài việc học văn hóa của con, chúng tôi còn phải đầu tư cho con học năng khiếu nên cũng rất tốn kém. Nói chung chúng tôi cũng phải lo cho gia đình nhỏ nhà mình. Không thể cái gì cũng nhất nhất bố mẹ được.

Chồng tôi thì luôn nhường nhịn bố mẹ và các em. Cứ ông bà đưa yêu sách gì là anh đáp ứng hết dù có vét cạn tiền của nhà. Tôi nhiều lúc không cho anh làm vậy thì anh dằn dỗi, nói tôi không có hiếu, không quan tâm tới bố mẹ chồng. Còn bố mẹ chồng thì cứ chửi chồng tôi nhu nhược, không biết dạy vợ, còn phải nhất nhất mọi chuyện hỏi ý kiến của tôi nữa.

Tất cả điều này tôi cũng bơ luôn, coi như những lời nói xấu sau lưng. Chẳng lẽ tôi chỉ giúp đỡ bố mẹ trong khả năng của mình cũng là sai à? Trong khi các con hết lòng vì bố mẹ như vậy mà bố mẹ chồng cũng có đỡ đần gì các con đâu.  

Khi tôi sinh 2 con nhỏ, mẹ chồng cũng chưa 1 lần ra đỡ đần chăm giúp. Bà lấy cớ không biết chăm trẻ con, lại bận ở nhà mà dồn hết cho bà ngoại. Lúc chồng tôi bị tai nạn, họ cũng chỉ ra chơi 1-2 ngày rồi lại về quê. Khi nhà tôi đầu tư kinh doanh thiếu mấy trăm triệu. Chúng tôi gọi về quê nhờ bà rút sổ ngân hàng để vay nóng vài tháng, song bà sợ mất hết lãi không rút.

Thế nhưng lúc nào họ cũng đòi hỏi các con phải có trách nhiệm với cuộc sống và các đòi hỏi của bố mẹ chồng. Họ cho rằng, tiền của con cái là tiền của họ. Khoản gì họ cũng bòn được. Từ cái thẻ điện thoại đến đồ vật trong nhà, các con phải có trách nhiệm chăm cho bố mẹ hết.

Cứ như vậy nên càng ngày tôi càng không mặn mà và sợ nghe những cuộc điện thoại của bố mẹ chồng. Việc gì cần, tôi sẽ cân nhắc để thể hiện đúng nghĩa vụ làm con. Còn không cần thiết, tôi sẽ mạnh dạn từ chối. Tôi làm vậy có sai và có bất hiếu với bố mẹ chồng quá không?

hình ảnh

Ảnh minh họa internet.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết.