Ông bà em qua đời cũng lâu rồi, nhớ ngày ông bà còn sống, 2 người cũng yêu thương nhau lắm. Đến nỗi mà xóm em ai cũng biết, hôm nay em vô tình đọc được câu chuyện này mà nhớ ông bà mình ghê gớm.
Theo em tìm hiểu, ông bà bên nhau đến cuối cuộc đời, trải qua vui buồn, đắng cay hạnh phúc nhưng rồi ông Vũ Đình Bích (82 tuổi, sống tại Tây Ninh) lại phải chứng kiến khoảnh khắc vợ mình là bà Phạm Thị Thuận ra đi.
Dù đau đớn khi đứng trước phút giây sinh tử, vậy mà ông vẫn phải gượng cười, thì thầm vào tai bà trước khi bà đi xa: "Thương lắm... Thương lắm... Sáu mươi mấy năm rồi... Kiếp sau vẫn gặp nhau hen".
Nói xong, ông lại đưa tay lên lau nước mắt, xoa bóp 2 cánh tay cho bà. Do sức khỏe yếu và phải thở bình oxy không thể nói được, bà liền ra dấu cho con gái tháo găng tay giúp mình.
Cụ ông 82 tuổi ôm hôn vợ trong khoảnh khắc sinh tử: 'Sáu mươi mấy năm bên nhau, kiếp sau vẫn gặp lại bà hen'. Ảnh: Internet.
Bà mong muốn được nắm tay ông lần cuối, mọi người đứng xung quanh thay nhau phân công để lo hậu sự cho bà, bên cạnh những tiếng ồn ào là những tiếng khóc, tiếng nấc vang lên.
Ông bà cưới nhau từ năm 1957, bao năm bên nhau họ có cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng vào ngày 7.5, bà lên cơn đau bụng dữ dội. Khi được đưa đi bệnh viện, bà được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, đã di căn lên gan.
Khi ấy, con cháu quyết định lên chăm bà, không cho ông theo, đợi khi nào ổn định mới đưa ông lên. Tối hôm bà nằm viện, ông không ngủ được, còn lấy chiếc áo mà bà hay mặc ra đặt kế bên mình cho an tâm.
Sau khi bà phẫu thuật xong, ông vui mừng vì có thể lên thăm, sau đó ông vội vàng chạy về nhà là chiếc áo sơ mi cho phẳng, đi cạo râu, cắt tóc gọn gàng. Có lẽ ông muốn bà sau khi trải qua cơn phẫu thuật, sẽ nhìn thấy ông thật gọn gàng, chỉn chu.
“Đi dọc đường, ông mới nhớ quên đổi đôi dép khác vì 'bà không cho ông mang dép lào. Bà thấy là la chít luôn'", cô cháu gái kể lại.
Ông luôn yêu thương bà. Ảnh: Internet.
Khi nghe chồng sắp lên thăm, bà Thuận 1 mực kêu con cháu giữ ông ở lại. Vì bà phải tháo răng giả khi làm phẫu thuật và bà không muốn ông thấy bà "xấu" như thế.
Chẳng ngờ được rằng đến ngày 18/5, tình hình bệnh của bà chuyển biến xấu, bác sĩ thông báo gia đình đưa bà về và thời gian còn lại của bà không được một ngày. Nghe tin xong, ông bủn rủn chân tay nhưng vẫn cố gắng chăm bà đến phút cuối cùng. Ông dặn con cháu phải nhìn ông bà làm gương để yêu thương vợ và chồng mình.
Mãi đến khi bà ra đi, ông thẫn thờ như người mất hồn. Những ngày sau đó, ông cứ ngồi trước bàn thờ tâm sự với bà. Lúc trước, ông bà ở riêng với nhau, bởi cả hai không thích sống chung với ai hết. Nhưng giờ bà mất đi, dì thứ hai rước ông lên để chăm sóc.
Dù nhà của ông bà nhờ người khác trông nom nhưng ông nhất quyết không cho ai thay đổi bất kỳ đồ đạc nào trong nhà. Ông bảo, đó là kỷ niệm của hai vợ chồng. Thế nên, chỗ bà để thuốc, để mũ ở đâu phải giữ nguyên như thế để ông nhìn đâu cũng thấy bà.
Bên nhau suốt cả đời người, trải qua những đắng cay, tủi hờn, ai cũng chỉ mong đến khi mắt mờ chân chậm sẽ có 1 người yêu thương mình bằng cả tấm lòng chân thành nhất.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp