Chồng tôi xưa nay vốn là người khá chặt chẽ trong chuyện tiền nong. Làm vợ chồng đã mấy năm nhưng thú thật, lương tháng anh là bao nhiêu tôi còn chẳng biết. Được cái chồng cũng yêu thương, chăm sóc vợ con chu đáo.
Nhưng riêng về chuyện tiền bạc, chúng tôi rành rọt đến mức chia tiền sinh hoạt như những người bạn đang sống cùng nhau. Kể cả 2 bên nội ngoại cũng vậy, bố mẹ ai thì người ấy chăm. Tiền bạc vay mượn đều phải trả đúng hẹn.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Có thể chồng tôi làm trong ngành ngân hàng nên cách quản lý tiền của anh cũng không giống với vợ. Khi cho một ai đó vay mượn, anh luôn tính toán sao cho bản thân không bị thiệt. Biết tính con rể nên bố mẹ vợ cũng không bao giờ nhờ cậy chuyện tiền bạc.
Ngay cả khi sửa sang căn nhà, ông bà kêu gọi các con góp vào một khoản tiền, chỉ trừ tôi là được miễn vì sợ khó ăn nói với chồng. Nhà làm xong chưa lâu thì bố tôi lại gặp chuyện. Ông vốn là lái xe không may chở khách thì gặp tai nạn. Số tiền lo viện phí, đền bù cho người ta lên đến mấy trăm triệu đồng. Nhà giờ chẳng còn tiền nên mọi người ai nấy đều bối rối.
Anh chị tôi gom góp khắp nơi chỉ được khoảng 50 triệu, trong khi tổng chi phí phải 200 triệu mới đủ. Thấy bố mẹ ngày đêm chạy vạy lo tiền, tôi vô cùng nóng ruột. Bản thân không có nên đành nói với chồng, nghĩ là lần đầu tiên nhà vợ nhờ vả, thôi thì con rể cũng là người thân trong nhà. Ban đầu chồng vòng vo bảo cuối năm phải dồn tiền đầu tư, sau nghĩ lại thế nào nhìn vợ gọi điện xoay tiền khổ sở quá nên anh ậm ừ chịu bỏ ra.
Tôi nghe thế mừng như bắt được vàng điện thẳng về nhà báo tin vui cho mẹ đẻ. Nhưng chồng vừa đặt cọc tiền xuống cũng đưa thêm tờ giấy bảo:
‘Em nhớ dặn ông bà kí vào, cuối năm rồi viết giấy ghi nợ không lại quên. Nhớ hẹn rõ ngày trả cho rõ ràng’.
Nghe chồng nói đến đây, tôi sốc hẳn. Biết là trước giờ anh sống chi li tiền bạc nhưng không thể tưởng tượng nổi với nhà vợ lại cư xử vậy. Ức quá tôi đẩy tiền trả lại:
'Hồi xưa lúc anh chưa xin được vào ngân hàng cũng vay bố mẹ tiền, sao không thấy làm giấy ghi nợ gì. 300 triệu đó cũng là tiền tiết kiệm mà ông bà vẫn rút hết đưa anh. Sau này khi anh có công việc ổn định, họ có đòi lời lãi gì đâu. Giờ đến lúc ông bà khó khăn, anh lại quay ra đối xử với họ như thế mà được à?’.
Mặt tôi đỏ phừng, nói một thôi một hồi khiến chồng lặng thinh. Sáng sau dậy nấu ăn tôi lại nghe thấy chồng gọi điện hỏi han bố mẹ vợ xem thu xếp chuyện kia đến đâu rồi. Anh nói sẽ biếu ông bà 200 triệu để lo ổn thỏa. Tôi đoán chắc những lời tối qua cũng tác động phần nào nên chồng nên mới thay đổi như thế. Chỉ mong anh biết cách cư xử vì tiền không phải là tất cả.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet