Tôi và cả gia đình đang trong một hoàn cảnh hết sức khó xử. Tôi kể câu chuyện của nhà mình lên đây mong mọi  người  cho chúng tôi lời khuyên chân thành, phải làm thế nào trong tình huống trớ trêu này đây.

Chuyện là thế này!

Anh trai tôi lấy vợ gần 10 năm rồi. Anh chị cũng đã có 2 mặt con đủ nếp đủ tẻ. Căn nhà đang bình yên hạnh phúc thì sóng gió ập tới khi anh tôi phát hiện trọng bệnh.

Từ ngày anh trai tôi đổ bệnh, gia đình tôi khốn đốn đối mặt với nhiều khó khăn. Vì anh trai tôi từng là trụ cột gia đình, dù có gia đình nhỏ rồi nhưng anh cũng luôn giúp đỡ mỗi lần tôi gặp khố khăn hay trong nhà có công việc gì thì anh cũng là người đứng lên lo liệu.

Nghe tin anh bị bệnh, cả nhà tôi gom hết tiền bạc để chạy chữa cho anh trai. Nhưng cuối cùng thì đổi lại chỉ là cái lắc đầu của bác sĩ, anh trai tôi không qua khỏi kiếp nạn lớn này.

Suốt những tháng ngày cuối đời của anh trai, chị dâu tôi một tay chăm sóc. Thấy chị hết lòng với người chồng đau ốm bệnh tật, một thân một mình đêm ngày không than vãn một lần nào, tôi thương chị lắm.

Sau khi anh trai tôi qua đời, chị dâu tôi không ra ở riêng hay về nhà mẹ đẻ mà vẫn ở cùng mẹ chồng, tức là mẹ của tôi. Cả nhà tôi luôn yêu thương và tôn trọng chị. Trong mắt của mọi người, chị dâu là người sống tình cảm, hiếu thuận với mẹ tôi khiến tôi từ trong thâm tâm luôn quý mến và có phần biết ơn chị.

hình ảnh

Chị dâu là người tôi luôn yêu thương và tôn trọng, ảnh minh họa, nguồn: dSD

Vậy mà cách đây không lâu tôi ngỡ ngàng khi nghe điện thoại của mẹ mình. Tôi nghe mẹ nghẹn ngào nói trong điện thoại, đời thuở nào mà chồng qua đời chưa được 3 tháng mà vợ đã đi bước nữa. Tôi vô cùng choáng váng và chỉ có một suy nghĩ lóe lên trong đầu rằng chị dâu tôi nào có phải người như thế. Trước thông tin mà mẹ thông báo, tôi chỉ ậm ừ đáp lại mẹ rồi cúp máy.

Những ngày sau đó, tôi vẫn không dừng nghĩ ngợi về chuyện này được. Ngày trước tôi thương chị dâu bao nhiêu thì giờ tôi thấy giận chị bấy nhiêu. Tôi từng thương nể chị là người phụ nữ sống kiên cường, tình nghĩa. Vậy mà giờ chị lại khiến tôi và mẹ thất vọng. Tôi muốn gặp chị nói cho ra lẽ nên đến thẳng nơi chị làm việc.

Tôi đứng dưới gọi điện nhưng chị bảo là đang có việc bận không xuống được. Tôi chờ 30 phút vẫn không thấy chị đâu. Cảm giác lúc đó trong lòng tôi thấy như chị đang muốn tránh mặt vì sợ tôi hỏi chuyện 'đi lấy chồng'.

Không kiềm chế được, tôi lên thẳng nơi chị đang làm việc. Trước mặt những người đồng nghiệp làm cùng chị, tôi không nể nang gì mà nói hết chuyện chị dâu tái giá khi mộ chồng cũ chưa xanh cỏ. Ai nấy đều nhìn chị bằng cặp mắt ái ngại, còn chị thì ôm mặt khóc nức nở. Chị lấy hết sức kéo tôi ra ngoài nói chuyện.

Đến nước này, không thể giấu được nữa, chị dâu đành nói hết mọi chuyện với tôi: “Anh Luân (anh trai tôi) mấy năm trước có vay mượn một món nợ 400 triệu nhưng không để cho em và mẹ biết. Khi anh ấy ngã bệnh, tiền bạc cạn kiệt theo. Chị gom hết bạc tiền trong nhà để chạy chữa cho anh ấy, sổ đỏ cũng mang đi cầm. Khoản nợ kia càng không thể trả được. Hết đường xoay sở nên chị mới nghe theo người ta đi lấy chồng để có của hồi môn đem về trả nợ, chuộc lại sổ đỏ cho nhà mình. Chị làm sao để mẹ già cả sống cảnh ở thuê, nợ nần được”.

Tôi lặng người  khi nghe lời giải thích từ chị dâu. Trong phút chốc, tôi cảm thấy thật hổ thẹn vì những suy nghĩ và hành động  ích kỉ của mình. Chưa bao giờ tôi thấy thương cảm cho chị như bây giờ. Hạnh phúc chẳng tày gang thì chồng mất, giờ lại  một  mình gánh khoản nợ 400 triệu mà không dám nói ra.

Đến khi biết tin người chị dâu tôi lấy là một ông lão đã gần 70 tuổi, tôi càng muốn khóc. Cho đến cuối c ùng, chị vẫn chọn hy sinh cho gia đình tôi. Bây giờ, chẳng biết làm gì hơn, tôi đưa cho chị 50 triệu, nói là tiền tôi dành dụm được, dù ít ỏi nhưng cũng muốn giúp chị trả nợ. Bản thân tôi cũng không còn thêm tiền nữa vì quá trình chạy chữa cho anh trai cả nhà tôi cũng đã cố gắng hết sức rồi.

Hiện giờ, tôi thật sự không muốn chị đi lấy chồng già để trả nợ cho anh trai mình. Nhưng tôi cũng không có cách giải quyết cho số nợ 400 triệu  kia. Mẹ tôi già yếu rồi, nếu bà biết thêm chuyện này nữa thì sẽ càng suy sụp.

Trước đó, lúc anh trai tôi mất bà đã gần như không còn thiết sống nữa. Giờ tôi phải làm sao mới phải đây. Tôi có nên cầm căn nhà của 2 vợ chồng để chị dâu không phải tổ chức đám cưới mà chính bản thân chị cũng không muốn này không. Nhưng phía sau tôi cũng còn cả một gia đình phải lo toan!