Hãy là bà mẹ bình tĩnh với những bữa ăn dặm của con
“Chào mừng con yêu đã đến với thế giới này! Sau 4 tháng, con đã làm quen với cuộc sống ngoài bụng mẹ, quen với tiếng mẹ mỗi ngày, quen với bầu sữa mẹ thơm ngọt, quen với những tiếng cười vang. Lúc này, ngoài niềm vui làm bò sữa mỗi ngày, mẹ nên bắt đầu tìm hiểu về cách ăn dặm thích hợp nhất cho con. Mẹ hãy cứ giữ tâm trạng thoải mái, cho dù mẹ không giỏi nội trợ, nhưng tình mẫu tử kỳ diệu, từ sự bao bọc bản năng của mẹ dành cho con, tin chắc mẹ sẽ hoàn thành xuất sắc thời kỳ ăn dặm của con.”
Em cũng là bà mẹ từng trải qua giai đoạn này. Vốn dĩ em rất giỏi nội trợ, và nấu nướng là niềm vui của em. Nhưng em biết rõ rằng em bé không phải là phiên bản người lớn thu nhỏ, vì vậy, cách chế biến thức ăn cho con, khẩu phần ăn cũng rất khác. Em học hỏi từ google, thì thấy quá nhiều thông tin khác biệt, nào là cho con ăn bột trước, nào là ăn thô liền, nào là ăn riêng từng món… Còn người lớn và các mẹ gần em thì hay hầm xương, nấu kết hợp cháo, thịt, rau củ, gia vị… Bấn loạn thật, sau một tuần tìm hiểu thông tin, em tự đặt nhiều câu hỏi cho mình: cho con ăn khi con bao nhiêu tháng tuổi?, nấu gì cho con ăn?, cho con ăn bao nhiêu là đủ?,…
Rồi em lân la vào các hội hóm như “Hội bà mẹ nuôi con nhỏ”, các mẹ được nhiều mẹ khác hâm mộ và in sách, và sẵn sàng tư vấn cho nhau. Em cũng trở thành thành viên, hăng say tìm hiểu, hỏi han các mẹ và thực hiện nấu thử. Hai tuần trước khi con em bắt đầu ăn dặm, em đã sẵn sàng cho mình lượng kiến thức đầy đủ để áp dụng cho con. Nay 2 đứa con em, đứa 3 tuổi đã ăn uống như người lớn, và đứa 1,5 tuổi vẫn đang rất háo hức ăn các thức ăn em chuẩn bị cho. Nhìn con ngoan, ăn uống vui vẻ, em không tự hào lắm đâu, chỉ là em cảm thấy rất thoải mái với công cuộc nuôi con. Con em tự lập, phát triển thể chất, phát triển tinh thần, trí tuệ một cách toàn diện.
Em rất hãnh diện nên chia sẻ với các mẹ vài điểm mấu chốt của giai đoạn bắt đầu cho bé ăn dặm như sau:
Bé nên bắt đầu ăn dặm từ 5,5 đến 6 tháng
Các mẹ đừng ham cho con ăn sớm quá vì bao tử bé tiêu hóa chưa tốt, cũng như bé chưa ngồi được. Độ tuổi ăn dặm tốt nhất ở nước Nhật là từ 5,5 tháng. Lúc này bé có thể tự ngồi với sự hỗ trợ của mẹ (chèn khăn, gối vào ghế ăn cho bé). Hai bé nhà em đều bắt đầu vào thời điểm 6 tháng, nhưng trước đó em hay cho bé tham gia vào bữa ăn cả gia đình. Thấy bé thòm thèm, miệng nhai theo, hoặc nghiêng đầu nhìn về đĩa thức ăn, hoặc hả miệng khi ba mẹ đưa thức ăn vào miệng. Đây cũng là một dấu hiệu giúp mẹ nhận biết được đã đến lúc bé của mẹ cần ăn dặm.
Các phương pháp ăn dặm
2 tuần trước khi bé ăn dặm, em đã tìm hiểu các phương pháp ăn dặm. Cuối cùng em chọn cho con ăn dặm kiểu Nhật, kết hợp ăn dặm bé chỉ huy (BLW). Kiểu Nhật là cho bé ăn riêng biệt từng loại thức ăn, ăn đầy đủ các nhóm tinh bột, protein, rau củ quả, sữa và cách ăn để tăng dần độ ăn thô cho bé. Song song, những bữa rảnh rỗi em cho bé ăn vài miếng bông cải hấp, cơm nắm theo phương pháp ăn dặm bé tự chủ. Phương pháp này nếu hợp tác, bé sẽ ăn rất vui vẻ, tự chọn lựa sẽ ăn gì, liều lượng bao nhiêu. Chỉ là khi ăn BLW xong em dọn dẹp bở hơi tai các mẹ ạ. Nhưng không thấm vào đâu khi con dần biết ăn thô, ăn một cách hào hứng.
Ngày bé ăn bao nhiêu bữa, liều lượng mỗi bữa như thế nào?
Về bữa ăn thì em cũng tăng dần bữa ăn trong ngày theo độ tuổi của con. Lúc mới ăn thì ngày 1 bữa, 7-8 tháng thì ngày 2 bữa, sau 9 tháng các mẹ cho con ăn một ngày 3 bữa. Sau 12 tháng thì 3 bữa chính và các bữa phụ. Lượng ăn em cũng tăng dần từ 20ml cháo cộng với 10ml rau củ… sau đó tăng thành 30ml cháo… dần dần khi con em 12 tháng tuổi, bé ăn được 80ml cháo và 50ml rau củ mỗi cữ ăn. Em không ép con các mẹ ạ, vài hôm bé chán không ăn hết, lắc đầu 2 lần là em dọn chén xuống luôn.
Em có những nguyên tắc riêng, mà em thấy khi mẹ kiên định, cứng rắn một tí là bé sẽ có những bữa ăn vui, đủ, các mẹ cũng sẽ nhẹ nhõm, cũng như tràn đầy động lực mà nấu ăn ngon ngày ngày cho con. Tiên quyết nhất, theo em là cần rèn thói quen ăn uống tốt ngay từ đầu cho bé. Em quá ngán ngẩm cảnh các mẹ bế con ăn rong, nhét thức ăn vào miệng khi con đang há mòm xem Tivi, Ipad… Vì vậy, em “tậu” ngay chiếc ghế ăn chân cao, có bàn (để con còn ăn BLW), đặt ghế ăn trong nhà bếp. Mỗi bữa ăn chỉ em và bé, không có tivi, không tiếng trò chuyện xen vào, để cho bé thực sự tập trung vào bữa ăn.
Em chế biến thức ăn đúng cấu trúc theo độ tuổi. Ăn dặm kiểu Nhật hướng dẫn rất kỹ nên bắt đầu với thức ăn nghiền nhuyễn, sau đó là giã, rây… theo độ lớn của chiếc rây thức ăn. Có vậy, bé mới trải qua được những giai đoạn ăn đúng, để làm sao tầm 13 tháng, bé có thể nhai thức ăn tốt. Hai bé con em, 14 tháng là ăn cơm hoàn toàn, vì đã ăn cháo quá nhiều, bé cũng ngán mà em cũng điên đầu vì phải suy nghĩ quá nhiều món cháo cho bé.
Một vấn đề nhức nhối khác, em bị ông bà nói hoài là sao để bé ăn lạt lẽo vậy, dở ẹc vậy sao mà con ăn vào. Em xin thưa, dạ dày và khẩu vị của bé nhỏ không giống của người lớn, ăn lượng muối thừa sẽ rất không tốt. Đường và các chất ngọt sẽ làm bé thừa năng lượng rỗng, dễ biếng ăn. Không nên giới thiệu hoặc dụ dỗ trẻ ăn uống bằng bánh kẹo, snack, nước ngọt có gas… bé sẽ rất thích thú với các món này và biết đặt điều kiện nếu không có những món này, bé sẽ bỏ qua bữa ăn chính cho mẹ… điên đầu đó.
Ngoài ra, khi cho ăn kiểu Nhật, em thường cấp đông dự trữ các bữa ăn cho con. Cấp đông không khó, nhưng các mẹ cần tìm hiểu kỹ để thức ăn không mất chất và không thay đổi mùi vị nhé. Cách của em là trữ riêng tất cả 3 loại cháo trắng, thịt/cá và các loại rau, nước dùng riêng. Mỗi bữa ăn em trộn 4 loại riêng lại vào 1 chén, hoặc để riêng cho con nhận biết mùi vị từng loại thức ăn. Cách này giúp em tiết kiệm thời gian chế biến, mà con em vẫn được mỗi ngày ăn 3 bữa khác nhau với các món ăn thịt, cá, rau củ khác nhau.
Em nghĩ các mẹ dễ mắc sai lầm, đó là hãy tôn trọng bao tử và nhu cầu của con. Đừng ép con ăn, đừng dụ dỗ con, đừng đánh lừa con lúc ăn, đừng thỏa hiệp với bất kỳ yêu cầu nào của con: bế rong, xem tivi, thưởng kẹo bánh… tuân thủ được nguyên tác này thì các con không có bữa ăn nào là cuộc chiến đâu ạ.
Một yếu tố nữa mà em cảm thấy rất hữu ích, đó là mẹ tạo ra cho con những bữa ăn thoải mái, từ môi trường xung quanh, hay là những vật dụng mà bé hay tiếp xúc. Đó là hãy chọn cho con chiếc ghế ăn phù hợp với chiều cao và cân nặng của con. Trên bàn ăn của con hãy cho con thêm một chiếc thìa nhỏ để con cầm và học hỏi cách tự ăn bằng muỗng. Và một điều rất quan trọng nữa là khi bé ăn, mẹ hãy cho con mặc chiếc tã quần thoải mái, vừa vặn vòng bụng của con để con luôn dễ chịu, không quấy khóc trong suốt và sau bữa ăn. Có như thế thì con sẽ ăn ngon miệng hơn và ăn được nhiều hơn đó nha mẹ