Ngày nay chuyện sử dụng hình thức chuyển khoản để giao dịch tiền bạc đã trở nên quá phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Có những người thậm chí còn có thói quen không mang theo tiền mặt bên mình khi đi ra ngoài vì chỉ cần có chiếc điện thoại với tài khoản ngân hàng là đủ.
Thế nhưng, chuyện chuyển khoản để mừng tuổi lì xì ngày Tết thì dường như trước nay chưa từng có. Phần lớn chúng ta có thể nghe ai đó nói đùa rằng sẽ chuyển khoản lì xì nhưng trong thực tế thì rất ít khi xảy ra.
Vậy mà năm nay, Tết 2024, việc lì xì chuyển khoản đã chính thức đi vào đời sống khi nhiều bố mẹ trẻ chọn cách in mã QR cho con cầm theo ngày Tết.
Nhiều bố mẹ trẻ ủng hộ việc in mã QR để nhận tiền lì xì cho con, ảnh: VNE
Một trường hợp cụ thể của chị Ánh Hằng, 27 tuổi, ở Hà Nội như sau: Khi chị đang tìm chỗ đổi tiền lẻ để mừng tuổi, Ánh Hằng được gợi ý in mã QR tài khoản ngân hàng cho con để Tết này tiện trao đổi tiền lì xì với bạn bè.
Thấy cũng hợp lý, chị liên hệ một shop chuyên làm quà tặng và được hướng dẫn tải mã QR của mình về, gửi kèm ảnh để làm một chiếc kẹp tóc cho con gái và một chiếc cài áo cho con trai.
"Chỉ mất ba ngày và 80.000 đồng cả phí vận chuyển, tôi nhận được hàng. Sản phẩm in sắc nét và lần nào thử cũng 'quẹt' được tiền", Hằng nói.
Mã QR được in có thể là kẹp tóc hay móc cài áo, móc chìa khóa để tiện cho bé mang theo bên mình trong ngày Tết, ảnh: VNE
Cả nhóm bạn của cô đều làm kẹp tóc, móc khóa, huy hiệu và sẵn sàng chờ Tết này cùng giao lưu màn trao lì xì kiểu mới.
Một trường hợp khác là anh Anh Lê Văn Tiến, 34 tuổi, ở trong số này khi tải ảnh về ghép mặt hai con và mã QR của mình vào, rồi đăng lên trang cá nhân kèm thông báo: "Năm nay dự báo Tết đã lạnh lại mưa. Các cô, dì, chú, bác, họ hàng gần xa không biết lì xì các cháu kiểu gì thì cứ quẹt cái QR code ở ảnh này là các cháu nhận được".
Người trẻ thích trào lưu này vì sự tiện lợi, bắt kịp xu thế, ảnh: VNE
Còn ở TP HCM có trường hợp anh Minh Nhật, 31 tuổi. Gần đây khi lướt mạng xã hội thấy quảng cáo của một cơ sở có thể in mã QR lên ốp điện thoại theo chủ đề năm mới. Thấy hay anh đặt một cặp in mã tài khoản ngân hàng của mình và vợ để tiện sử dụng lì xì Tết này.
Với số tiền khoảng 200.000 đồng và vài ngày chờ đợi, anh đã nhận được cặp ốp màu đỏ bắt mắt, mã QR code "rất nhạy".
"Cả một năm kinh tế buồn. Mùa Tết này đành trông cậy các con", ông bố hai con nói tếu táo.
Lì xì bằng cách chuyển khoản ngân hàng qua mã QR đang là một xu hướng sẽ được nhiều người áp dụng Tết Giáp Thìn, với đa dạng các hình thức, từ dùng các loại kẹp tóc, móc khóa đến ốp lưng điện thoại, quần áo in mã QR, hay đơn giản là chia sẻ mã của mình lên trang cá nhân.
Không phải ai cũng ủng hộ cách lì xì qua mã code QR của bố mẹ, ảnh: DSD
Những ngày qua, bức ảnh không nhận phong bao, lì xì, chỉ cần quẹt mã QR mừng tuổi được lan truyền trên các mạng xã hội. Từ khóa "lì xì bằng QR code" cho ra hàng nghìn kết quả cho thấy đã có rất nhiều người "bắt trend".
Trên mạng, có một số hội nhóm kẹp tóc in mã QR theo yêu cầu có tới 10.000 thành viên. Từ khóa "lì xì QR code" thu hút hơn 150.000 lượt xem trên TikTok. Trên các sàn thương mại điện tử, có hàng chục shop bán kẹp tóc, móc khóa, ốp lưng điện thoại in mã QR, giá dao động từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng tùy cửa hàng. Có shop bán được cả nghìn sản phẩm với hàng trăm lượt đánh giá tốt.
Chị Trang Nhung, một người nhận in các loại kẹp tóc, móc khóa, ghim cài áo có mã QR, cho biết trào lưu này xuất phát từ Trung Quốc, sau đó lan sang Việt Nam từ đầu năm 2023, Tết năm nay mới thực sự bùng nổ.
Không tiết lộ số lượng đơn hàng, song Nhung cho biết khách đã quan tâm nhiều từ cách đây hai tháng. Một tuần trở lại đây, cô phải ngừng nhận đơn vì sợ không làm kịp. "Nhiều khách năn nỉ mà không dám nhận", cô nói.
Nhiều người bày tỏ quan điểm vẫn nên theo cách lì xì truyền thống sẽ ý nghĩa hơn, ảnh: DSD
Theo chuyên gia văn hóa, nguyên tắc của lì xì là tiền mới, mệnh giá nhỏ. Hình thức nhận lì xì qua mã QR là hình thức mới, chưa thể đánh giá tích cực hay tiêu cực, nhưng có thể nhận thấy rõ sự tiện lợi. Người muốn mừng tuổi không cần đổi tiền mới, không cần mua phong bao, không cần đến tận nhà giáp mặt trẻ.
Sự tiện lợi này càng lớn khi người muốn mừng tuổi không có điều kiện đi chúc Tết, như ở xa, không về quê ăn Tết được hoặc không đi thăm nhau được vì ốm đau, hoặc bận công việc.
Số tiền lì xì cho trẻ được vào tài khoản của bố (hoặc mẹ), nên trẻ không trực tiếp nhận phong bao, không tò mò, nóng vội mở ra xem, từ đó có thể tránh việc so sánh với người khác, chê bai, dè bỉu công khai - vốn là hành vi phản cảm của trẻ đã và đang bị lên án từ lâu mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tuy nhiên, lì xì chuyển khoản không thuận với phong tục truyền thống. Bởi lẽ người mừng tuổi không trực tiếp gặp trẻ để bày tỏ tình cảm thân mật, động viên nếu trẻ có nhiều thành tích, nhân việc đưa phong bao mừng tuổi mà khuyên nhủ chúng học hành, rèn luyện.
Theo chuyên gia khuyên, chỉ nên xem nó là một dạng thức mới của tục lì xì trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển. Vẫn cần cố gắng duy trì việc đến thăm nhau ngày Tết và trao lì xì tận tay đứa trẻ để có ý nghĩa hơn.