Một chiếc ô tô 4 chỗ bình thường sẽ có trọng lượng trung bình khoảng hơn 1 tấn. Vậy một chiếc bánh chưng luộc chín làm từ cơm gạo nặng đến 7 tấn thì sẽ đặc biệt như thế nào. Hơn nữa, làm sao để luộc chín chiếc bánh chưng này cũng là điều mà rất nhiều người đang tò mò.

Thông tin này đã được đăng tải trên báo chí, mình chia sẻ lại trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!

Chiếc bánh chưng khổng lồ này được người dân xã Hùng Cường cùng góp gạo làm có trọng lượng khoảng 7 tấn, luộc liên tục trong 4 ngày.

hình ảnh

Chiếc bánh chưng khổng lồ được nhận xét là có hương vị thơm ngon, dẻo thơm, ảnh: VNN

Hiện nay, chiếc bánh chưng đang được để ở đền Quốc Mẫu Âu Cơ (thôn Tân Hưng, xã Hùng Cường, TP Hưng Yên) dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, rất nhiều người phải trầm trồ trước chiếc bánh chưng khổng lồ nặng khoảng 7 tấn vừa được dân làng chung tay tạo thành. 

Chiếc bánh có kích thước 4m x 4m x 1,2m, được làm từ 4 tấn gạo nếp, 2,5 tấn đỗ xanh, muối, 1,5 vạn chiếc lá dong, 5 tạ lá chuối… Tất cả các nguyên liệu đều được người dân quyên góp, tập kết tại sân đền

Để làm được chiếc bánh lớn, hàng trăm người dân đã cùng nhau làm việc trong nhiều ngày đêm. 

Ông Trần Văn Hưng - một người dân trong làng vui vẻ chia sẻ: “Khi nghe phát động gói bánh chưng khổng lồ, tôi cùng dân làng ai nấy đều rất hào hứng. Người làng chúng tôi ai có gì góp nấy rồi chung tay làm bánh chưng. Mỗi người một việc, vừa nói chuyện vừa làm, không khí nhộn nhịp vui lắm”.

hình ảnh

Cả làng cùng góp nguyên liệu để làm bánh chưng khổng lồ, ảnh: VNN

Tiếp lời, chị Phạm Thị Thanh Hương cho biết, những hôm cả làng tập trung gói chiếc bánh chưng, khắp làng trên xóm dưới đều rất nhộn nhịp. Người già, người trẻ đều hào hứng tham gia. Hoạt động này đã tăng tính gắn kết, kéo mọi người lại gần nhau hơn. 

Dù có kích thước khổng lồ, bánh vẫn được gói theo công thức truyền thống, gồm gạo nếp, đậu xanh, lá dong… Các công đoạn sơ chế nguyên liệu như rửa lá, vo gạo, đãi đỗ… được người dân phân công nhau chuẩn bị từ trước. 

Khi công đoạn sơ chế được hoàn thành, người dân tiếp tục cùng nhau xếp lá dong, lá chuối vào khuôn bánh rồi đổ gạo nếp, đỗ xanh vào khuôn theo trình tự sau đó gói lại đem đi luộc. Với kích thước "khủng", bánh phải luộc liên tục trong 4 ngày mới chín.

Theo chị Hương, công đoạn khó nhất là làm khuôn và ghép lá vào khuôn. Vì chiếc bánh có kích thước lớn, nguyên liệu nhiều nên chúng tôi phải tính toán sao cho chiếc khuôn đủ lớn và chắc chắn, lá phủ đều các mặt bánh.

Chiếc khuôn được làm tương ứng với kích thước của bánh có chiều dài 4m, rộng 4m, cao 1,2m bằng inox. Nồi luộc có kích thước 4,5m x 4,5m x 1,8m được làm bằng sắt dày 3mm.

hình ảnh

Không dễ để luộc chín được chiếc bánh chưng nặng 7 tấn, ảnh: VNN

Bánh chưng khổng lồ được luộc chín như thế nào

Theo người dân chia sẻ, bếp luộc bánh được xây bằng gạch và có 6 cửa tiếp nhiên liệu. Để bánh chín đều, dền, người dân bố trí đặt 12 chiếc ống trúc tải nhiệt bên trong bánh (cứ 30cm bánh thì đặt 1 ống trúc) và phải dùng nước sôi để chế thêm khi luộc bánh. 

Trong quá trình luộc bánh, người dân đã thay nhau ngày đêm trông coi, tiếp lửa, thêm nước vào nồi. Khi bánh chín và nguội sẽ tiến hành tháo khuôn, trang trí lại cho đẹp mắt để dâng cúng. Chiếc bánh khi chín có trọng lượng khoảng 7 tấn.

Cùng với chiếc bánh chưng có kích thước lớn, 1 chiếc bánh dày lớn, nặng khoảng 3 tấn cũng được ra mắt tạo thành cặp bánh chưng bánh dày cỡ đại.

Chiếc bánh chưng ‘khổng lồ’ là vật lễ dâng cúng Quốc Mẫu và các vị Vua Hùng nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại khu di tích chùa Hoàng Xá và đền Quốc Mẫu Âu Cơ. Qua đó gửi gắm mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

hình ảnh

Chiếc bánh dày nặng 3 tấn, ảnh: VNN

Sau khi hoàn thành nghi lễ dâng cúng, chiếc bánh chưng khổng lồ đã được cắt ngay tại đền Quốc Mẫu Âu Cơ để phát ‘lộc’ cho người dân cùng du khách có mặt tại đây. 

Do chiếc bánh có kích thước "khủng" nên cả chục người phải dùng dao, kéo để cắt dây và lớp lá dày cộm của vỏ bánh. Tới phần nhân bên trong cũng phải cắt thành từng tảng rồi mới tiếp tục chia thành các phần nhỏ và cho vào từng hộp. 

Trong quá trình cắt bánh, nhiều chiếc quạt được bật liên tục để tránh việc ruồi muỗi đậu vào gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên ngoài khu vực cắt bánh, dân làng và du khách có mặt đều háo hức chờ đợi được thưởng thức món bánh chưng khổng lồ đã được dâng cúng Vua Hùng. 

hình ảnh

Đền quốc mẫu âu cơ, ảnh: DSD

Chị Nguyễn Thị Thơ, du khách đến đền Quốc Mẫu Âu Cơ sau khi được nhận lộc cho biết: “Chiếc bánh to như thế nhưng nhân rất mềm và đậm vị. Tôi cảm thấy rất may mắn khi đến đây lễ lại được thụ lộc Tổ”.

Đại đức Thích Minh Thông, Trụ trì chùa Hoàng Xá - đền Quốc Mẫu Âu Cơ cho biết: “Tục gói bánh chưng, bánh dày gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện sự tri ân công đức đối với tổ tiên. Do đó, mỗi dịp diễn ra lễ hội, đền thờ luôn duy trì hoạt động gói bánh chưng, bánh dày dâng cúng Quốc Mẫu Âu Cơ và các Vua Hùng, góp phần giáo dục con cháu ý thức giữ gìn nét đẹp văn hoá của dân tộc”.

Đây không phải lần đầu tiên người dân xã Hùng Cường làm chiếc bánh chưng khổng lồ. Trước đây, năm 2014, chiếc bánh chưng nặng khoảng 4,3 tấn dâng lên cúng tổ tiên, các Vua Hùng trong dịp lễ hội đền Quốc Mẫu Âu Cơ đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là chiếc bánh chưng lớn nhất Việt Nam.