Ai cũng biết, Đường Lên Đỉnh Olympia là một chương trình trí tuệ bậc nhất suốt nhiều năm qua dành cho các bạn học sinh có bề dày kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học, lịch sử,....Cho đến nay, những người dành được vòng nguyệt quế trong chương trình này đều được coi là những nhân tài của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những câu hỏi học thuật, chương trình cũng xuất hiện một số câu hỏi mẹo hoặc câu hỏi xã hội, đòi hỏi sự tinh ý và nhanh nhạy của thí sinh. Áp lực thi đấu có thể khiến các bạn dễ mắc bẫy trong những câu hỏi như vậy. Có người cho rằng những câu hỏi như vậy có thể kiểm tra kiến thức toàn diện của thí sinh, tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng có không ít câu hỏi trong chương trình hơi lệch so với mục tiêu kiểm tra kiến thức, gây ra những tranh cãi không đáng có.

Cụ thể, câu hỏi Về đích của thí sinh Công Phúc trong cuộc thi Tuần 2 Tháng 1 Quý 1 năm 2020 đã có nội dung bị khán giả cho là nằm ngoài kiến thức phổ thông lẫn văn hóa xã hội.

Nội dung câu hỏi như sau: "Trong series 'Các nhà vô địch giờ ra sao?' của chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia năm 20, nhà cựu vô địch nào có biệt danh vui là 'ông tổ nghề rửa bát'?".

hình ảnh

Câu hỏi Olympia khiến thí sinh đứng hình.

Câu hỏi 10 điểm này đã khiến tất cả các thí sinh tham gia trận thi đó, cùng khán giả có mặt trong trường quay đều "đứng hình". Sau vài giây chần chừ, Công Phúc đã đưa ra câu trả lời một cách không chắc chắn cho câu hỏi này là "Phan Đăng Nhật Minh". Dĩ nhiên, đây là đáp án sai và cả 3 thí sinh khác cũng không đưa ra được câu trả lời.

Đáp án sau đó đã được MC Diệp Chi công bố là "Phan Minh Đức - nhà vô địch năm thứ 10". Nữ MC cũng nhanh chóng giải thích thêm: "Một câu hỏi không đòi hỏi kiến thức học thuật nhưng thử thách tình yêu và kiến thức về Olympia của chúng ta".

Sau khi lên sóng, dư luận đã nổ ra nhiều ý kiến trái chiều về câu hỏi này. Phần lớn khán giả cho rằng đây là một câu hỏi không nên xuất hiện trong cuộc thi kiến thức như Olympia vì nó tuy vui nhưng không phù hợp, thậm chí làm ảnh hưởng đến điểm thi của thí sinh.

Một số bình luận ở dưới video về phần thi:

- Hỏi kiểu gì vậy trời, quá đánh đố thí sinh. Các em phải lo học hành, mở rộng kiến thức xã hội, đâu có quan tâm được đến những chi tiết nhỏ nhặt của chương trình như vậy.

- Có tìm hiểu thì các thí sinh cũng tìm hiểu về danh nhân, nhân vật lịch sử... ai biết được giờ còn phải bổ sung kiến thức về lịch sử chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia nữa.

- Ngân hàng câu hỏi của Olympia cạn rồi hay sao ấy nhỉ?

- Mình nghĩ đây là một câu hỏi thiếu nghiêm túc, không nên có trong chương trình.

- Ôi chương trình trí tuệ như Đường lên đỉnh Olympia cũng có lúc 'thiếu nghiêm túc thế này à', hết câu hỏi rồi hay sao mà đi hỏi câu này khác gì lấy điểm của thí sinh đâu

Đã hơn 4 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến chủ đề các câu hỏi gây tranh cãi trong Olympia thì câu này lại được xướng tên đầu tiên. Và có lẽ cho đến giờ, không ít người vẫn không khỏi thắc mắc về việc tại sao chương trình lại thêm câu này vào bộ câu hỏi, đặc biệt là ở một phần thi rất quan trọng như phần thi Về đích.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu hỏi này?

hình ảnh

Một câu hỏi về kiến thức Văn học trong trận Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm 2023 cũng gây tranh cãi lớn khi chính thí sinh đã mạnh dạn cho rằng: 'Đáp án của chương trình không đúng' ngay trên sân khấu quay hình

 Đó là câu hỏi: "Trong bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu viết: 'Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?/ Mai sau, dù có bao giờ…/ Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!'. 'Câu thơ thuở trước' mà tác giả nói đến là 2 câu thơ nào và trong bài thơ nào của Nguyễn Du?" dành cho Nguyễn Minh Triết (Trường THPT chuyên Quốc học, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Nam sinh Huế không trả lời được, do đó thí sinh Lê Xuân Mạnh giành được cơ hội. Nam sinh đưa ra đáp án: "Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?" và cho biết, hai câu thơ nằm trong tác phẩm Độc Tiểu Thanh ký của tác giả Nguyễn Du.

Đáp án được MC chấp nhận, giúp Xuân Mạnh tăng từ 190 điểm lên 220 điểm, vươn lên dẫn đầu.

Lúc này, thí sinh Trọng Thành đã mạnh dạn lên tiếng cho rằng Xuân Mạnh trả lời chưa chính xác vì: "Trong câu hỏi có nhắc đến hai câu thơ được trích trong bài thơ nào của Nguyễn Du. Em nghĩ nên chấm bản phiên âm từ bài thơ, không nên chấm câu dịch vì bài thơ có nhiều dị bản dịch".

Tuy nhiên, theo đại diện ban cố vấn, bài thơ Độc Tiểu Thanh ký rất nổi tiếng, có trong chương trình phổ thông. Và đáp án mà chương trình đưa ra đã được duyệt là có thể trả lời một trong hai cách, là đọc nguyên văn phiên bản tiếng Hán hoặc bản dịch nghĩa.

Câu hỏi này tiếp khiến dân mạng "dậy sóng". Có người đồng tình với ban cố vấn cũng như câu trả lời của Xuân Mạnh. Song, cũng không ít ý kiến bày tỏ, những giải thích của ban cố vấn thiếu tính thuyết phục, chưa trả lời được vào đúng trọng tâm thắc mắc của Trọng Thành.