Thai trứng hay còn gọi là chửa trứng là tình trạng phát triển không bình thường của rau thai. Một phần bánh rau phát triển quá nhanh dẫn đến tình trạng bị thoái hóa thành các túi chứa dịch. Những túi dịch này liên kết với nhau ở tử cung mẹ, ngăn cản sự phát triển của bào thai.
Dựa theo đại thể chia 2 loại:
Thai trứng hoàn toàn: không có thai nhi, đa phần là gai rau phồng to thành những nang chứa đầy nước như chùm nho.
Thai trứng không hoàn toàn: có một phần thai nhi, và hoàn toàn không có khả năng phát triển. Đa số thai trứng dạng này bị sảy sớm trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Dựa theo vi thể cũng có 2 loại:
Thai trứng ác tính: có lớp hợp bào mỏng, từng vùng bị phá vỡ. Lớp đơn bào ở trong có xu thế tràn vào niêm mạc, ăn sâu vào cơ tử cung, gây xuất huyết trong ổ bụng.
Thai trứng lành tính: ngược lại với ác tính khi lớp hợp bào không bị phá vỡ do vậy lớp đơn bào không ăn vào trong cơ tử cung.
Nguyên nhân chính của bệnh lý này là do việc thụ tinh bất thường dẫn đến sự phát triển của túi dịch thay vì phát triển thai nhi. Trong quá trình thụ tinh thông thường, nhiễm sắc thể tinh trùng và trứng sẽ kết hợp với nhau hình thành nên bào thai. Bộ gen em bé nhận được sẽ là sự kết hợp 50:50 của bố và mẹ. Tuy nhiên, thai trứng không có sự tồn tại của các nhiễm sắc thể mẹ hoặc nhiễm sắc thể mẹ không hoạt động, dẫn tới việc nhân đôi nhiễm sắc thể bố.
Chửa trứng cũng có những dấu hiệu nhận biết như mang bầu thông thường:
Không có kinh nguyệt.
Nghén nặng: thường nôn nhiều, bị phù nhiều ở chân, tay.
Tăng huyết áp.
Luôn có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu.
Rong kinh: đây là triệu chứng phổ biến nhất, chiếm trên 90% trường hợp mang thai trứng. Máu ra ở âm đạo có màu đen sẫm hoặc đỏ nhạt, xảy ra kéo dài.
Bụng to nhanh bất thường: trong trường hợp chửa trứng, bụng phụ nữ to gấp đôi so với người có thai thường: độ 2-3 tháng chửa trứng tử cung sẽ to bằng 5-6 tháng tuổi thai nhi khác. Nói cách khác đây là triệu chứng tử cung to hơn tuổi thai.
Không nghe được tim thai (khi đi siêu âm) và không có hiện tượng thai máy do đó chỉ là túi dịch bám vào tử cung.
Có thể có triệu chứng cường giáp (tỷ lệ này chỉ khoảng 10%) với các triệu chứng tim đập nhanh, tuyến giáp to bất thường, run tay, cơ thể toả nhiệt,…