Với những cặp đôi hiếm muộn, chi phí tiêm thuốc kích trứng là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Hiện nay, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ngày càng cao. Nhưng song song đó, nền y khoa cũng phát triển ngày càng tiên tiến, hiện đại, mang lại nhiều hy vọng cho các cặp đôi chậm con. Một trong những cách làm gia tăng khả năng thụ thai tự nhiên, hoặc hỗ trợ cho quá trình thụ tinh nhân tạo (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF),…. chính là tiêm thuốc kích trứng. Vậy chi phí tiêm thuốc kích trứng là bao nhiêu? Có quá đắt đỏ hay không? Các cặp đôi hiếm muộn có thể tìm hiểu qua những thông tin bên dưới.

Tìm hiểu về tiêm thuốc kích trứng

Tiêm thuốc kích trứng là gì?

Tiêm thuốc kích trứng là quá trình đưa thuốc vào cơ thể bằng đường tiêm. Loại thuốc kích trứng này có tác dụng tăng nội tiết tố ở cơ thể phái nữ, kích thích trứng phát triển khỏe mạnh, trưởng thành. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm hCG hỗ trợ trứng rụng. Phương pháp này giúp gia tăng cơ hội thụ thai đối với các cặp đôi hiếm muộn, chậm con.

Ai nên tiêm thuốc kích trứng?

Các cặp đôi vô sinh, hiếm muộn thường nhờ đến biện pháp tiêm thuốc kích trứng để có thể tăng khả năng thụ thai tự nhiên. Bên cạnh đó, tiêm thuốc kích trứng cũng là công đoạn không thể thiếu với các cặp đôi đang tiến hành IVF, IUI.

chi-phi-tiem-thuoc-kich-trung-bao-nhieu

Chi phí tiêm thuốc kích trứng có đắt đỏ không là thắc mắc của nhiều người

Thông thường, phụ nữ khi mắc các bệnh lý như rối loạn kinh nguyệt, chất lượng nang noãn không đảm bảo, mắc bệnh đa nang buồng trứng sẽ được áp dụng phương pháp tiêm thuốc kích trứng để nhanh chóng đón tin vui.

Nên tiêm thuốc kích trứng vào thời điểm nào?

Nhiều người có thể không biết, nhưng thời điểm thực hiện tiêm kích trứng cũng cần chính xác, không phải bất cứ lúc nào cũng có thể thực hiện được.

Theo các chuyên gia, khi có ý định tiêm thuốc kích trứng, bệnh nhân sẽ được kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện một số xét nghiệm để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, cụ thể nhất. Nếu sức khỏe đảm bảo, thông thường, thời điểm phù hợp để tiêm thuốc kích trứng chính là vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt.

Thực hiện tiêm thuốc kích trứng như thế nào?

Quy trình chung

Tiêm thuốc kích trứng thường kéo dài khoảng 10 - 12 ngày, bắt đầu từ ngày 2 hoặc 3 của chu kỳ kinh nguyệt. 2 tuần trong quá trình thực hiện, bệnh nhân được yêu cầu thăm khám, theo dõi sự phát triển của nang trứng đều đặn vào các ngày thứ 6, thứ 8 và thứ 10.

Vào ngày thứ 13, thông thường bệnh nhân sẽ được hẹn tiến hành chọc trứng. Khi niêm mạc tử cung có độ dày thích hợp, các nang trứng cũng phát triển đạt tiêu chuẩn, bệnh nhân sẽ được thông báo để quan hệ tự nhiên hoặc chuẩn bị các bước tiếp theo để tiến hành IVF hoặc IUI.

Tiêm kích trứng làm IVF

Trong trường hợp thực hiện IVF bởi những nguyên nhân như tuổi tác quá cao, suy buồng trứng sớm, giảm dự trữ buồng trứng, không tinh trùng hoặc tinh trùng yếu nặng, yếu tố tai vòi, bất sản ống dẫn tinh, bơm tinh trùng thất bại nhiều lần, tiêm kích trứng cũng đóng vai trò quan trọng.

tiem-thuoc-kich-trung-co-an-toan

Tiêm thuốc kích trứng thường bắt đầu từ ngày thứ 2 hoặc 3 của chu kỳ kinh nguyệt

Tiêm thuốc kích trứng giúp tạo ra khoảng 8 – 10 trứng chất lượng tốt phục vụ cho quá trình làm IVF vốn rất phức tạp và tốn kém. Nhờ có trứng chất lượng tốt, mức độ thực hiện thành công cũng cao hơn rất nhiều.

Tiêm kích trứng làm IUI

Với các ca vô sinh không rõ nguyên nhân, bệnh nhân gặp các bất thường về cổ tử cung, bất thường phóng tinh, tinh trùng yếu, không có tinh trùng, rối loạn phóng noãn, lạc nội mạc tử cung nhẹ và vừa, bệnh nhân sẽ thường sẽ áp dụng phương pháp IUI.

Đối với phương pháp IUI, tiêm thuốc kích trứng giúp kích thích phóng noãn, hỗ trợ tạo ra khoảng 2 – 3 nang noãn trưởng thành. Từ đó góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng khả năng đậu thai.

Chi phí tiêm thuốc kích trứng hiện nay

Chi phí trung bình

Hiện nay, có rất nhiều địa chỉ đáng tin cậy thực hiện tiêm thuốc kích trứng. Mức giá cho mỗi lần tiêm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như sự khác biệt của đơn vị thực hiện.

Bên cạnh đó, chi phí cũng phụ thuộc vào sức khỏe, tình trạng của từng cá nhân, thực hiện tiêm kích trứng để tăng khả năng thụ thai tự nhiên hay làm IUI, IVF. Do đó, để biết được mức giá chính xác, các cặp đôi nên tham khảo trực tiếp với những bệnh viện uy tín, đáng tin cậy.

Chi phí trung bình có thể tham khảo cho phương pháp tiêm thuốc kích trứng hiện nay dao động từ 5 triệu đồng cho đến 35 triệu đồng. Trong đó, khi thực hiện kích trứng để làm IUI, chi phí trung bình khoảng 5 - 7 triệu đồng. Còn đối với tiêm kích trứng để thực hiện IVF, con số sẽ dao động từ 25 - 35 triệu đồng.

Các yếu tố ảnh hưởng tới chi phí tiêm thuốc kích trứng

Như đã nhắc đến ở trên, chi phí tiêm thuốc kích trứng sẽ phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố nên không thể đưa ra một mức giá chính xác cho tất cả mọi người. Thông thường chi phí thực hiện sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Bác sĩ thực hiện: Khi thực hiện tiêm thuốc kích trứng với các bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm, chuyên môn cao, tỉ lệ thực hiện chính xác, thành công cũng nằm ở mức cao nên mức giá vì thế chắc chắn cũng sẽ có sự chênh lệch nhất định.

tiem-thuoc-kich-trung-bao-nhieu-tien

Chi phí tiêm thuốc kích trứng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố

  • Tuổi tác, mức độ đáp ứng thuốc của bệnh nhân: Tuổi tác của người phụ nữ khi thực hiện tiêm thuốc kích trứng càng trẻ thì tỷ lệ thành công cũng càng cao hơn, đồng nghĩa với việc sẽ ít tốn kém hơn. Ngoài ra còn cần phải kể đến mức độ đáp ứng thuốc của bệnh nhân, độ nhạy của buồng trứng với thuốc. Nếu thích ứng tốt, đạt được số lượng trứng với chất lượng như mong muốn nhanh chóng, chi phí cũng sẽ ít hơn.
  • Địa chỉ thực hiện: Tùy vào tên tuổi, các gói chăm sóc, mức độ tiện ích, công nghệ, tay nghề bác sĩ,… các bệnh viện sẽ có những mức giá khác nhau cho phương pháp tiêm thuốc kích trứng. Càng tiện lợi, được phục vụ tốt, chất lượng cao thì chi phí đương nhiên cũng sẽ cao hơn.

Những nguy cơ tiềm ẩn khi tiêm thuốc kích trứng

Tiêm thuốc kích trứng đã được chứng minh là phương pháp hỗ trợ tăng khả năng thụ thai an toàn, nhưng vẫn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chính vì thế, các cặp đôi nên nghiên cứu kỹ về các nguy cơ này để có sự cân nhắc và đưa ra những quyết định chính xác nhất.

Nguy cơ đa thai

Tác dụng phụ phổ biến thường thấy nhất chính là người mẹ sẽ mang đa thai. Đối với nhiều người, đa thai không quá đáng sợ vì càng có nhiều con một lúc sẽ càng vui. Tuy nhiên theo góc độ Y khoa, đa thai làm gia tăng những nguy cơ biến chứng, rủi ro đối với sức khỏe người mẹ và cả sự an toàn của các thai nhi trong bụng.

tac-dung-phu-khi-tiem-thuoc-kich-trung

Vẫn có thể gặp phải những tác dụng phụ khi tiêm thuốc kích trứng

Mẹ mang đa thai dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như sinh non, gặp bất thường về bánh nhau, huyết áp cao, tiền sản giật, hội chứng truyền máu song thai,… gây nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và con. Do đó cần được theo dõi và thăm khám hết sức kỹ lưỡng.

Hội chứng quá kích buồng trứng

Một số trường hợp nhạy cảm với thuốc kích trứng có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là do lượng hormone quá nhiều trong cơ thể. Khi mắc hội chứng quá kích buồng trứng, buồng trứng sẽ bị đau và sưng, số ít trường hợp khác gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng hơn như nôn mửa, khó thở, đau bụng, tăng cân mất kiểm soát, huyết khối, thiếu máu chi dưới.

Nguy cơ suy buồng trứng

Việc áp dụng phương pháp tiêm thuốc kích trứng là để làm gia tăng khả năng thụ thai. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều có thể gây phản tác dụng, làm suy buồng trứng và tỷ lệ thụ thai thành công đương nhiên sẽ giảm đi, cơ thể sẽ mất dần chứng năng sinh sản và nuôi dưỡng trứng.

Những lưu ý cần nhớ sau khi tiêm thuốc kích trứng

Chú ý chế độ sinh hoạt

Sau khi tiêm thuốc kích trứng, các cặp đôi nên chú ý đến một lối sống lành mạnh, an toàn để có thể làm gia tăng khả năng thành công.

Chị em sau khi thực hiện tiêm kích trứng vẫn có thể đi làm bình thường, tuy nhiên cần chú ý không vận động hay mang vác nặng, mọi hoạt động đều cần thực hiện nhẹ nhàng. Ngay cả trong vấn đề “gần gũi” cũng không nên quá mạnh bạo hoặc thực hiện với tần suất quá cao.

Cải thiện chế độ dinh dưỡng

Một chế độ dinh dưỡng đa dạng dưỡng chất sẽ mang tới cho cơ thể sự khỏe khoắn. Do đó, sau khi tiêm kích trứng, chị em cần cân đối thực đơn ăn uống mỗi ngày, cố gắng xây dựng những thói quen ăn uống lành mạnh.

Chị em nên ăn đủ bữa, uống nhiều nước (ít nhất khoảng 2 lít mỗi ngày), tăng cường bổ sung các  thực phẩm tốt cho buồng trứng như các loại hạt, rau xanh đậm, bơ, thịt bò, trứng, cá,… và hạn chế tối đa những thực phẩm chứa nhiều caffein, rượu bia, nước ngọt có ga.

Quan sát kỹ những dấu hiệu trên cơ thể và tái khám đúng lịch

Chị em tuyệt đối không nên chủ quan trước những dấu hiệu khác lạ của cơ thể. Trong quá trình thực hiện tiêm thuốc kích trứng, nếu phát hiện triệu chứng nôn nhiều, đau quặn bụng, tiêu chảy, khó thở, huyết áp bất thường, tim đập nhanh, tăng cân chỉ trong một vài ngày,… thì nên đi thăm khám ngay.

luu-y-sau-khi-tiem-thuoc-kich-trung

Sau khi tiêm thuốc kích trứng, cần theo dõi và đi tái khám đúng lịch

Ngoài ra nếu không có dấu hiệu bất thường thì việc tái khám đúng lịch để theo dõi quá trình phát triển, chất lượng trứng cũng thực sự vô cùng cần thiết.

Với các cặp đôi chậm con, mong con, áp dụng phương pháp tiêm thuốc kích trứng theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ là điều cần thiết. Tuy nhiên, trước khi thực hiện và áp dụng trên cơ thể, ai cũng nên tìm hiểu kỹ càng về phương pháp này để đảm bảo an toàn và gia tăng hiệu quả ở mức tối đa.

Hy vọng với những thông tin trên, các cặp đôi hiếm muộn có thể nắm rõ chi phí tiêm thuốc kích trứng là bao nhiêu và có thêm nhiều kiến thức hơn về phương pháp hỗ trợ thụ thai này.

Xem thêm bài liên quan:

9 cách thụ thai nhanh và hiệu quả nhất, cặp đôi đang mong con nên biết

14 dấu hiệu nhận biết mang thai sớm nhất không cần dùng que thử

Tự điều trị hiếm muộn không cần đến một viên thuốc