Làm mẹ, cuộc sống như bị đảo lộn hoàn toàn, một số người hạnh phúc vượt qua, một số mẹ bị trầm cảm sau sinh, thật đáng buồn.

Ngồi nói chuyện với em dâu mới biết em có thời gian bị trầm cảm sau sinh. Nhưng lúc đó người nhà chẳng ai hay, còn em thì tự vật lộn để chữa lành cho mình. Có hôm giận chồng, em ôm con mới 5 tháng tuổi đi ra đường lúc nửa đêm, cứ đi mãi mà không biết sẽ về đâu. Chồng em chạy đi tìm rồi lôi em về, ai cũng trách em làm mẹ mà không biết thương con.

Chính bản thân em cũng không biết mình đã vượt qua khoảng thời gian đó như thế nào. Nghĩ lại thì do em sinh con quá sớm lúc 21 tuổi, vừa lấy chồng là cấn bầu luôn, còn chưa kịp chuẩn bị gì. Em cũng không ngờ chăm sóc một đứa bé sơ sinh vất vả tới vậy. Con em khóc dạ đề 6 tháng liền, cứ 10 giờ đêm khóc đến tận 4 giờ sáng. Em kiệt sức, bất lực, tủi thân, nhiều lúc con khóc em cũng khóc theo vì quá ấm ức, mệt mỏi.

Chồng phụ em dỗ con nhưng cũng chỉ được đôi ba ngày, sau đó phải ngủ để lấy sức đi làm. Bố mẹ chồng cũng phụ nhưng đuối sức dần, chỉ còn em là mẹ, mệt mỏi cỡ nào em cũng phải bế dỗ con. Có đêm chồng đi làm rồi hẹn đồng nghiệp làm vài ly, con khóc mãi không nín, gọi điện thoại cho chồng không được. Dẫn đến sự việc bế con ra đường lúc nửa đêm.

Bởi vậy, chuẩn bị tâm lý trước khi sinh con rất quan trọng, đặc biệt là lứa Gen Z. Tuổi đời quá trẻ, các em vẫn còn nhiều hoài bão, ước mơ, thú vui, thích đi chơi không vướng víu. Một khi trở thành mẹ quá sớm, các em sẽ phải chấp nhận mất đi tự do như thời son rỗi.

Tâm lý nhiều Gen Z cũng chưa đủ chín chắn, sẵn sàng để lên chức mẹ. Cuộc sống quay quanh một đứa trẻ, phải có trách nhiệm, phải tập bình tĩnh và kiên nhẫn. Đôi lúc những thay đổi này quá nhanh, thích ứng không kịp sẽ khiến các cô gái trẻ rơi vào ức chế, thất vọng về hôn nhân, gia đình và tự dày vò chính mình.

Chăm sóc một đứa trẻ không hề đơn giản và không phải người mẹ nào cũng đủ mạnh mẽ để vượt qua trầm cảm sau sinh. Dưới đây là 5 vấn đề tâm lý gen Z phải sẵn sàng trước khi sinh con, có vậy mới đủ nghị lực mà chăm sóc con nhỏ.

Chuẩn bị tâm lý chịu đựng thiếu ngủ

Đầu tiên và quan trọng nhất, khi trở thành một người mẹ, thay đổi lớn nhất là rất thiếu ngủ. Nó gây ra một loạt phản ứng, ví dụ như cáu kỉnh, dễ nổi giận, dễ hờn tủi… Mẹ gen Z cần chuẩn bị tâm lý trước khi sinh con đó là biết trước mình sẽ chịu đựng và vượt qua sự thiếu ngủ trầm trọng.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa, nguồn: kknews

Nếu nhà có điều kiện, mẹ có thể thuê bảo mẫu phụ chăm bé và tranh thủ ngủ. Nhưng đa số, các mẹ sẽ phải tự chăm con mình. Trẻ sơ sinh thường thì 2 tiếng sẽ ti một lần cả ngày lẫn đêm. Cứ vừa chợp mắt một xíu là lại bật dậy cho con ti, với những người mẹ mới sinh lần đầu, điều này thật quá sức tưởng tượng.

Tâm lý cô đơn, tủi thân

Nhiều mẹ gen Z sinh con xong cảm thấy mình bị lơ đi, vì cả nhà chỉ tập trung vào em bé. Trong khi tâm lý của các mẹ gen Z vẫn còn hơi non, thích được quan tâm và yêu thương. Nhiều nhà còn không khéo léo, nói chuyện kiểu phũ phàng khiến người mẹ cảm thấy tủi thân, cô đơn hoặc mình chỉ là phận “đẻ mướn”.

Có một số người mẹ sinh con khi còn quá trẻ, 18, 20 nên dễ nảy sinh tâm lý mất mát, hờn dỗi. Tuy nhiên đây là hiện tượng bình thường và nên trao đổi trực tiếp với chồng, người thân. Đừng tự ấm ức rồi rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh.

Hoài niệm thời chưa có con

Một em gái 20 tuổi kể rằng sau khi có con, em thường hay nghĩ về quá khứ, về cái thời chưa có con, có thể thoải mái đi chơi, ăn uống, trà sữa với các bạn. Giờ đây, mọi thời gian đều dành cho con, chăm con, cho con ti. Cả ngày lủi thủi trong nhà, bạn bè cũng dần ít liên lạc. Đôi khi thèm được 1 buổi sáng ra ngoài dạo chơi cũng không được vì bận giữ con.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa, nguồn: 52lishi

Sinh con xong, sẽ có rất ít thời gian riêng dành cho bản thân. Và rất tiếc khi phải nói rằng, cuộc sống xoay quanh con cái sẽ theo mẹ cho đến tận 10 năm, 20 năm. Sẽ chẳng còn cơ hội quay lại thời chưa có con đâu. Với những người mẹ trẻ sẽ cảm thấy túng quẫn, mất tự do, cho nên mẹ cần chuẩn bị tâm lý và chấp nhận sự thật.

Chuẩn bị tâm lý 3 năm đầu đời quay cuồng

Cuộc sống mẹ bỉm vất vả, quay như chong chóng và không có thời gian cho riêng mình thực tế cũng ngắn ngủi thôi. Thường chỉ ở 3 năm đầu đời, đến khi bé đi mẫu giáo thì mẹ sẽ có cả một ngày sống cuộc sống của mình, theo một mức độ nhất định.

Khi có thể gửi bé đi nhà trẻ, các mẹ sẽ có một bước nhảy vọt về chất trong cuộc sống. Nhưng trước đó, hãy chuẩn bị tinh thần chăm con trong 3 năm đầu đời khi việc ăn, ngủ, ị, tập bò, tập đi, ngã u đầu, khóc thét, nổi loạn tuổi lên 2… Tất cả sẽ khiến người mẹ kiệt sức, nhiều người sẽ gục ngã nếu chẳng may gặp đứa con khó nuôi.

Mỗi khi cảm thấy không thể tiếp tục nổi, hãy nhớ niệm chú con sẽ đi mẫu giáo nhanh thôi, rồi mình sẽ khỏe nhanh thôi.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa, nguồn: zh

Sống theo thời gian biểu của con, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn

Hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước khi sinh con, vì thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày của mẹ hoàn toàn phải chạy theo thời gian ăn ngủ của một đứa bé. Sinh con, cuộc sống của người mẹ sẽ bị đảo lộn đến không thể tưởng tượng nổi. Mẹ phải tranh thủ ăn, đi vệ sinh, tắm rửa, làm việc nhà lúc con ngủ. Và khi con thức, dù là 2 giờ sáng thì mẹ cũng phải thức cùng cho vui nhà vui cửa.

Khi con buồn ngủ, dù mẹ đang tung tăng ngoài đường hay mải mê mua sắm thì cũng phải lo mà phi nhanh về nhà cho con ngủ. Còn con đói, con muốn ti sữa thì giữa thanh thiên bạch nhật cũng phải ngồi xuống cho con ti. Bạn bè rủ đi cà phê hỏi ngày nào rảnh thì xin thưa ngày nào chồng hoặc bà nội, bà ngoại chịu trông hộ cho.

Sinh con là một cơn địa chấn với cuộc sống của mẹ gen Z, rất gian nan, vất vả nhưng đổi lại là hạnh phúc khi có con. Hãy khi suy nghĩ thật kỹ, đừng vội sinh con nếu vẫn còn ham chơi, ham vui nhé các em gen Z.

*Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân, thông tin tham khảo DDN