Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn thường mong muốn sớm có con. Tuy nhiên, để tạo điều kiện tốt nhất cho việc chào đón một thiên thần nhỏ, cả bố và mẹ hãy chuẩn bị thật kỹ cả về kiến thức, tâm lý, sức khỏe, tài chính trước khi mang thai nhé.


1.Chuẩn bị tâm lý trước khi mang thai.


Nhiều cặp đôi thường xem nhẹ việc chuẩn bị tâm lý trước khi mang thai mà chỉ chú trọng chuẩn bị về mặt thể chất hay kiến thức y học. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc chuẩn bị tâm lý trước khi thụ thai là rất quan trọng và không thể thiếu trong kiến thức về thai sản.


♥ NÊN CÓ Tâm lý thụ thai chủ động: Các cặp vợ chồng sau khi kết hôn đều rất háo hức mong chờ sớm có con, nên việc chủ động thụ thai tích cực này đã kết hợp thành công giữa tình cảm và lý trí. Họ sẽ chủ động lựa chọn thời cơ thụ thai, tạo điều kiện thụ thai tốt nhất và thực hành các biện pháp tích cực nhất, tạo nền tảng tâm sinh lý cho đứa con chào đời.


♥ KHÔNG NÊN CÓ Tâm lý thụ thai do dự, bị động: Nhiều cặp đôi có thể do công việc, học tập, sức khỏe nên tạm thời chưa muốn có con, nhưng lại không áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hữu hiệu, nên một khi chẳng may có thai, họ sẽ do dự trong việc bỏ hay giữ. Tâm lý này nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh thưởng tiêu cực tới thai nhi.


♥ KHÔNG NÊN CÓ Tâm lý không lành mạnh: Đối với một số cặp đôi giữ thái độ phủ định đối với việc mang thai, nghĩ rằng việc mang thai chỉ gây rắc rối, phiền phức. Hoặc đôi khi là do muốn níu kéo cuộc hôn nhân đổ vỡ, lấp chỗ trống tinh thần hoặc đôi khi ảnh hưởng từ tâm lý phải mang thai con trai. Với thái độ không tích cực vậy tất nhiên sẽ không thể có tác dụng tích cực tới thai nhi.


Khi cặp vợ chồng chuẩn bị tâm lý thoải mái thường sẽ có khả năng thụ thai cao hơn những người stress. Nếu đang bị căng thẳng, các cặp đôi hãy cố gắng sắp xếp lại công việc, cuộc sống, ăn ngủ điều độ, đi du lịch, tập thể dục để có một tinh thần vui vẻ, hưng phấn nhất.



2. Chuẩn bị ăn uống trước khi mang thai.


Nhiều người cho rằng chỉ cần chú ý tới tình trạng sức khỏe của thai phụ trong thời gian mang thai và những kiến thức về thai sản là được, thực ra như thế là chưa đủ. Tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của cả hai bố mẹ, sự khỏe mạnh của tinh trùng và trứng có ảnh hưởng trực tiếp tới sự sinh trưởng phát triển của thai nhi cũng như việc chuyển dạ sinh nở sau này. Vậy các cặp bố mẹ cần chuẩn bị những gì trong vấn đề ăn uống trước khi mang thai?


Trước hết cần phải tạo thành thói quen ăn uống tốt, dinh dưỡng cân bằng trong các bữa ăn hàng ngày, không kén chọn, ăn các thực phẩm đa dạng, dinh dưỡng phong phú, chuẩn bị đầy đủ các nguồn dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, cung cấp cho quá trình thành các cơ quan của thai nhi trước và sau khi thụ thai.


Thứ hai là tăng cường dinh dưỡng trong ăn uống, đặc biệt là protein, chất khoáng, vitamin. Dinh dưỡng thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cường chất lượng các tế bào sinh sản của bố và mẹ. Thông thường, khi người phụ nữ được chẩn đoán là có thai thì thường thai đã được mấy tuần tuổi rồi, lúc đó mới quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng thì đã qua giai đoạn phát triển phôi thai. Một số chất dinh dưỡng các cặp bố mẹ nên lưu ý bổ sung trước khi mang thai như:


♥ Protein: Cả bố và mẹ hãy bổ sung đầy đủ protein để đảm bảo trứng và tinh trùng có dinh dưỡng tốt nhất.


♥ Axit folic: Đây là một loại vitamin có tác dụng tạo các tế bào mới, đồng thời có tác dụng ngăn tới 70% nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Một số thực phẩm giàu axit folic như: súp lơ xanh, các loại đậu, trái cây (cam, chuối), các loại ngũ cốc. Tuy nhiên việc bổ sung axit folic thông qua uống các loại multivitamin sẽ cho hiệu quả hấp thu cao hơn so với thực phẩm hàng ngày do trong quá trình chế biến, hàm lượng axit folic cũng như các loại vitamin khác sẽ bị phân hủy một phần. Lượng axit folic cần bổ sung mỗi ngày trước và trong quá trình mang thai là 0,4mg/ngày.


♥ Sắt: Sắt là nguyên tố vi lượng tham gia vào cấu tạo của thành phần hemoglobin, myoglobin… Cơ thể thiếu sắt là nguyên nhân dẫn đến các mẹ bầu bị thiếu máu, dễ gây tình trạng choáng trong thai kỳ. Vì thế ngay khi có ý định mang thai, các bố mẹ hãy lưu ý nhờ sự tư vấn của bác sỹ để bổ sung lượng sắt đầy đủ cho cơ thể. Một số loại thực phẩm có chứa hàm lượng sắt cao như rau bó xôi, các loại hạt, bí đỏ, trứng gà… Ngoài ra, có thể bổ sung bằng cách uống vitamin sắt nhưng hãy lưu ý uống sau ăn, không uống chung với trà, café và thời gian uống cách xa uống canxi.


♥ Canxi: cần thiết cho quá trình phát triển xương và răng ở trẻ nhỏ. Trong quá trình mang thai, nếu không được cung cấp đủ canxi, thai nhi sẽ lấy canxi từ mẹ, dẫn đến hiện tượng thiếu canxi, gây loãng xương ở mẹ sau này. Vì thế ngay từ khi có ý định mang thai, mẹ hãy bổ sung khoảng 800mg canxi/ngày, sau ba tháng đầu sẽ bổ sung 1.000 – 1.200mg/ ngày. Các nhóm thực phẩm giàu canxi như lòng đỏ trứng, tôm, cua, rau dền cơm…


Ngoài ra bố mẹ nên tránh sử dụng một số loại thực phẩm như nước ngọt đóng chai, nước có ga, bia, rượu, và các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá thu, cá ngừ, cá kiếm...



3.Khám sức khỏe trước khi thụ thai


Tốt nhất bạn nên lên kế hoạch trước khi thụ thai khoảng 2-3 tháng. Cả bố và mẹ hãy đi khám sức khỏe tiền sản, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những nguy cơ tiềm ẩn. Đặc biệt một số bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, dị ứng thức ăn hoặc các bệnh lý khác. Hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ để có thể có những biện pháp tốt nhất nhằm hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi và mẹ trong quá trình mang thai.


Tiêm phòng một số bệnh trước khi mang thai như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm gan B, cúm. Các vắc xin này sẽ cần tiêm trước khi thụ thai ít nhất 1 tháng. Hãy đến cơ sở y tế uy tín để được các bác sỹ thăm khám và tư vấn.


Tìm hiểu thêm nhiều chủ đề hấp dẫn tại nguồn :


http://phongbenhchobe.com/3-buoc-chuan-bi-truoc-khi-mang-thai-danh-cho-cac-vo-chong-tre/