Nhận biết sớm dấu hiệu mang thai đôi sẽ giúp mẹ có kế hoạch chăm sóc thai kỳ chủ động hơn
Với tỷ lệ mang thai đôi ngày càng gia tăng, khả năng bạn mang bầu song thai ngày càng phổ biến hơn bao giờ hết. Song thai thường có thể được phát hiện ở lần siêu âm đầu tiên, tuy nhiên bạn vẫn có thể dự đoán thông qua 10 dấu hiệu mang thai đôi dưới đây:
Dấu hiệu mang thai đôi qua cơ thể người mẹ
1. Mức độ hCG
Nhìn chung, việc mang thai đôi khiến cơ thể mẹ sản sinh ra nhiều hCG hơn, đây là loại hormone mà cơ thể tiết ra khi mang thai. Trong các nghiên cứu, những bà mẹ mang song thai sản xuất nhiều hCG hơn và trong thời gian dài hơn so với thai đơn.
2. Ốm nghén cực độ
Do sự gia tăng nhiều hơn một số hormone thai kỳ nên tình trạng ốm nghén có thể xảy ra nghiêm trọng khi mang song thai.
Người mẹ sẽ ốm nghén nặng hơn khi mang thai đôi
Nhưng không phải mẹ mang thai đôi nào cũng bị nghén nặng đâu nhé, vẫn có một số trường hợp có thể không cảm thấy buồn nôn chút nào.
3. Không dung nạp một số thực phẩm
Tương tự với tình trạng ốm nghén cực độ, một số bà mẹ mang song thai nhận thấy có “ác cảm” đặc biệt với một số loại thực phẩm nhất định vì những biến động nội tiết tố mà bạn đang trải qua.
4. Kiệt sức cùng cực
Bất kỳ mẹ bầu nào cũng sẽ mệt mỏi, nhưng nhiều bà mẹ mang song thai lại cảm thấy kiệt sức. Sự gia tăng mạnh mẽ của progesterone để hỗ trợ quá trình mang thai song sinh kết hợp với tỷ lệ trao đổi chất cơ bản cao hơn (tốc độ cơ thể sử dụng năng lượng), có thể gây ra tình trạng mệt mỏi suy nhược.
5. Đau nhức ngực nghiêm trọng
Mang thai đôi có thể khiến ngực vô cùng đau và mềm vì nồng độ hormone tăng cao nên điều này khó tránh khỏi.
6. Đi tiểu thường xuyên
Cũng giống như mang thai đơn, mang song thai có thể gây ra hiện tượng đi tiểu nhiều hơn do nồng độ hCG tăng cao. Khi nồng độ hCG khi mang thai đôi tăng nhanh hơn so với những trường hợp mang thai đơn, nhu cầu đi vệ sinh tăng lên có thể đặc biệt rõ ràng.
7. Bụng to hơn bình thường
Nhiều phụ nữ tự hỏi "khi nào bắt đầu xuất hiện dấu hiệu mang song thai?". Vâng, điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tuy nhiên nếu bụng trông to hơn so với tuổi thai mong đợi là một dấu hiệu có thể mang song thai.
8. Nhịp tim khi nghỉ ngơi cao hơn
Trong thời kỳ mang thai, tỷ lệ trao đổi chất cơ bản tăng lên để cung cấp chất dinh dưỡng cho em bé. Tương tự, nhịp tim khi nghỉ ngơi cũng có thể tăng lên. Nhịp tim khi nghỉ ngơi bình thường là khoảng 70 nhịp mỗi phút (bpm). Trong thời kỳ mang thai, tăng lên 80 đến 100 bpm. Khi mang song thai, nhịp tim có thể cao hơn, ở khoảng 100 nhịp/phút.
9. Chuyển động sớm hoặc thường xuyên của thai nhi
Mặc dù gây tranh cãi trong cộng đồng y tế, một số phụ nữ mang thai đôi cho biết họ cảm thấy chuyển động của thai nhi sớm hơn dự kiến.
10. Tăng cân và chiều cao tử cung lớn đối với tuổi thai
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc mang thai đôi có ảnh hưởng lớn đến cơ thể của một người phụ nữ. Không chỉ các bà mẹ mang song thai có khả năng tăng cân nhiều hơn mà tử cung của họ cũng sẽ căng ra và mở rộng để có thể chứa thêm em bé.
Người mẹ mang thai đôi thường tăng cân nhanh hơn so với thai đơn
Hầu hết các bác sĩ sẽ theo dõi sự tăng cân và chiều cao cơ bản của tử cung (một phép đo giữa xương mu và đỉnh của tử cung) trong các cuộc hẹn định kỳ. Nếu như các chỉ số này cao hơn bình thường, rất có thể mẹ đang mang thai song sinh, mặc dù có rất nhiều cách giải thích khác, chẳng hạn như lượng nước ối tăng lên.
Làm thế nào để biết dấu hiệu mang thai đôi là chuẩn xác
1. Siêu âm
Mặc dù cơ thể người mẹ xuất hiện nhiều dấu hiệu và triệu chứng của song thai, nhưng chỉ có một cách để biết chắc chắn đó là phương pháp siêu âm.
Siêu âm là phương pháp xác định mang thai đôi chính xác nhất
Bạn có thể phát hiện mình mang thai đôi ngay từ lần khám thai đầu tiên, khoảng tuần thứ 6 – 8 của thai kỳ. Tuy nhiên, điều này sẽ được khẳng định chắc chắn hơn ở tuần 10 – 12 của thai kỳ do ở thời điểm này bác sĩ mới có thể thấy rõ ràng hình thái và tim thai.
2. Đo nhịp tim
Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe tim thai để xác định nhịp tim thai nhi trong khoảng từ tuần thứ 18 đến tuần thứ 20. Nếu khi nghe tim thai, bác sĩ phát hiện có nhiều hơn một nhịp tim thì bạn cần làm siêu âm để xác nhận số phôi thai.
3. AFP bất thường
Alpha-fetoprotein (AFP) là một loại protein được sản xuất bởi gan và túi noãn hoàng của thai nhi đang phát triển trong thời kỳ mang thai. Protein này sau đó sẽ đi vào máu của mẹ. Trong tam cá nguyệt thứ hai, bác sĩ sẽ xét nghiệm đo lượng AFP mà thai nhi tiết ra từ gan (vào máu của mẹ). Xét nghiệm này được sử dụng để sàng lọc các bất thường về nhiễm sắc thể hoặc các dị tật bẩm sinh như hội chứng Down.
Khi mức AFP cao rất có thể mẹ đang mang song thai
Tuy nhiên, mức AFP cao cũng có thể là cơ thể người mẹ đang chứa đến hai em bé. Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang song thai có xét nghiệm AFP cao gấp đôi so với phụ nữ mang thai đơn.
4. Chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ MRI là một phương pháp hiện đại chẩn đoán thai đôi chính xác nhất hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều ý kiến cho rằng MRI có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng phương pháp này. Thời gian chụp cộng hưởng từ tốt nhất là trong khoảng 3 tháng đầu của thai kỳ.
Những lưu ý khi mẹ xuất hiện dấu hiệu mang thai đôi
Khi xuất hiện dấu hiệu mang thai đôi và được kiểm tra chắc chắc bằng phương pháp siêu âm, mẹ cần lưu ý những điều sau:
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ: Khi mang thai đôi đồng nghĩa với việc mẹ nên đến bệnh viện, phòng khám để kiểm tra sức khỏe cho mẹ và bé thường xuyên hơn.
Mẹ nên kiểm tra thai kỳ thường xuyên khi biết mang thai đôi
Thiết lập chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Khi nhu cầu dinh dưỡng tăng lên gấp 3 lần thì mẹ bầu mang thai đôi cần phải lên kế hoạch để đảm bảo dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ nhất có thể. Đặc biệt, các mẹ cần được bổ sung hàm lượng acid folic để giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh.
Thư giãn và nghỉ ngơi nhiều hơn: Sau khi có dấu hiệu mang thai đôi và được xác định chắc chắn bằng phương pháp siêu âm, mẹ cần giữ cho bản thân luôn trong trạng thái thư giãn, tránh bị stress, mệt mỏi. Nếu tâm trạng của bà bầu không tốt dẫn tới một loạt hệ lụy như chán ăn, cơ thể rã rời… thì thai nhi trong bụng dễ bị ảnh hưởng.