(Webtretho) Kỳ kinh chuẩn của một phụ nữ bình thường sẽ dao động từ 23-35 ngày. Tuy vậy, để tính xem chu kỳ của mình có bất thường hay không, bạn hãy đếm từ ngày kết thúc kỳ kinh trước cho đến ngày đầu của kỳ kinh sau; theo dõi 3 tháng liên tục như vậy, nếu những con số này khác hẳn nhau (chẳng hạn là 23-35-30) là kỳ kinh của bạn đang không bình thường rồi. Trường hợp bạn bị tắt kinh, lượng máu ra nhiều hoặc ít bất thường… cũng bị coi là rối loạn kinh nguyệt.



Vì sao kinh nguyệt của bạn lại không đều?



Có rất nhiều lý do gián tiếp gây nên chuyện này thông qua việc làm mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể bạn:



- Bị ốm, bị áp lực,
thậm chí chỉ cần sau một chuyến đi du lịch với bố mẹ chồng… Khi chúng ta bị stress, bất kể vì lý do gì thì tuyến thượng thận cũng đã được thiết kế để tiết ra cortisol - loại hormone có tác động trực tiếp đến các hormone giới tính estrogen, progesterone, và DHEA. Rối loạn ăn uống, biếng ăn, nhịn ăn hoặc ăn uống vô độ, sử dụng chất kích thích, thuốc ngừa thai… cũng được coi như những dạng căng thẳng khác đối với cơ thể.




Giảm cân đột ngột và tập luyện nặng có thể khiến rối loạn kinh nguyệt (Ảnh: Inmagine)


- Những phụ nữ đột ngột giảm cân (hoặc đột ngột tăng cân) hoặc tham gia vào một chế độ tập nặng (2-3 giờ/ ngày) có thể thấy ngoài trọng lượng cơ thể giảm đi thì kinh nguyệt của họ cũng vậy - thậm chí có thể mất kinh. Trong trường hợp này, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn và căng thẳng đã khiến não không thể kích hoạt đúng các hormone phát triển nang cần thiết để tạo estrogens, dẫn đến tình trạng lượng estrogen thấp và không rụng trứng - gọi là tình trạng vô kinh dưới đồi do stress. Những phụ nữ bị tình trạng rối loạn này thường có nguy cơ cao bị loãng xương và các tình trạng thoái hóa khác nên được các bác sỹ tư vấn.



- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Căn bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản: buồng trứng sản sinh ra một số lượng các nang làm tăng lượng estrogen, lượng estrogen quá nhiều này sẽ kích thích niêm mạc tử cung dày lên đến một điểm phải bong ra. Những phụ nữ bị tình trạng này không có chu kỳ thật sự bởi vì rụng trứng không đều.



- Các bệnh khác
cũng có thể gây tình trạng kinh nguyệt không đều như rối loạn tuyến giáp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh phụ khoa, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung… Các bệnh như hội chứng ruột kích thích, bệnh lao, bệnh gan, tiểu đường… cũng có thể là nguyên nhân, tuy hiếm gặp hơn.



- Tuổi tác:
thật sự thì chu kỳ kinh nguyệt thường không đều trong những năm đầu tiên khi một người phụ nữ bắt đầu có hiện tượng này, và có thể kéo dài nhiều năm trong lúc sự điều chỉnh nội tiết của vỏ não xuống buồng trứng hay sự hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Sau đó, tình trạng không đều này thường gây ra do mất cân bằng nội tiết tố: phổ biến nhất trong giai đoạn mang thai và cho con bú, giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.



Vậy nên ứng phó thế nào với tình trạng này?



Vì nhiều lý do như ở trên, có thể nói rối loạn kinh nguyệt không phải là điều quá xa lạ đối với phụ nữ. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp rối loạn kinh nguyệt đều lành tính, chúng gây ra do tình trạng mất cân bằng nội tiết tố cơ bản và có thể dễ dàng điều trị (cũng như phòng ngừa). Bạn có thể nghe ai đó nói ngủ nghỉ trong căn phòng tối hoàn toàn có thể giúp điều hòa lại kinh nguyệt, tuy rằng kết quả thế nào vẫn còn mù mờ. Chi bằng bạn hãy chủ động:



- Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh,
đặc biệt là giảm lượng carbohydrates tinh chế, tránh ăn chế độ ăn hạn chế quá mức calories và sự đa dạng của thực phẩm, tránh giảm cân đột ngột. Hãy ăn nhiều thực phẩm ít béo để duy trì cân nặng lành mạnh;




Bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất (Ảnh: Inmagine)



- Bổ sung vitamin và khoáng chất,
bao gồm magnesium, calcium, dầu cá…



- Giảm căng thẳng
thông qua các kỹ thuật giúp thư giãn tinh thần và cơ thể, tập thể dục đều đặn và vừa phải (có thể tăng hoặc từ từ, cũng có thể giảm so với cường độ hiện tại);



- Sống lành mạnh
và theo dõi kỳ kinh của mình để có thể tự điều chỉnh và cung cấp cho bác sỹ khi cần thiết.



- Nếu vấn đề bắt nguồn từ tình trạng chu kỳ không rụng noãn hay mất kinh trước mãn kinh, bác sỹ có thể kê toa thuốc ngừa thai để giúp bạn điều chỉnh chu kỳ. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng các thuốc tránh thai sẽ có tác động mạnh và thường gây ra phản ứng phụ nên hãy áp dụng các biện pháp tự nhiên như đã nêu ở trên trước - theo cách nói bình dân, làm như vậy “không bổ dọc thì cũng bổ ngang”.



Khi nào bạn cần lo lắng hơn về tình trạng của mình?



Tuy rối loạn kinh nguyệt hầu hết lành tính nhưng cũng có thể gây nên nhiều điều bất tiện trong sinh hoạt, tạo điều kiện nhiễm phải một số bệnh vùng kín, trong trường hợp mất máu nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu. Nếu bạn bị chảy máu rất nhiều trong hai kỳ kinh liền trở lên thì hãy đi khám, tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình hình mà bạn có thể được chỉ định điều trị hormone, châm cứu, hoặc chỉ đơn giản là thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục để tái cân bằng nội tiết tố. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn bị rối loạn trên hai lần / năm, hãy đi khám để chắc chắn mình không gặp phải vấn đề gì về sức khỏe, khả năng sinh sản, hoặc mình không mang thai.



Nếu bạn bị rối loạn kinh nguyệt, và bạn đang cố gắng có con (hoặc muốn có con, tuy rằng chưa phải bây giờ) thì hãy cẩn thận tham khảo ý kiến của bác sỹ để có thêm những xét nghiệm, tư vấn và điều chỉnh cần thiết. Tuy rằng rối loạn kinh nguyệt không đồng nghĩa với bạn không thể thụ thai một cách tự nhiên, nhưng cũng không hại gì nếu để bác sỹ khám kỹ càng cho bạn cả.




Bạn vẫn có thể thụ thai tự nhiên nếu tự biết canh ngày rụng trứng cũng như không ngại tìm kiếm sự giúp đỡ (Ảnh: Inmagine)



Rối loạn kinh nguyệt và chuyện sinh con



Chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể gây cản trở nhưng không phải là đã triệt đường thụ thai tự nhiên của bạn. Việc thụ thai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, mức độ rối loạn, canh thời gian… Và nếu bạn bị rối loạn kinh nguyệt vì lý do mất cân bằng hormone do stress, cân nặng, vận động… như đã nói ở trên, thì đơn giản chỉ cần điều chỉnh lại cách sinh hoạt của mình chứ không cần sự tác động của thuốc.



Bác sỹ có thể làm một số xét nghiệm máu đơn giản để xác định việc rụng trứng của bạn. Nếu bạn đang rụng trứng và chưa qua tuổi 35, bạn vẫn có thể tiếp tục cố thụ thai tự nhiên, với điều kiện phải tỉ mỉ và cố gắng dự đoán ngày rụng trứng để canh thời gian quan hệ. Nếu bạn không rụng trứng, bạn sẽ cần dùng đến các loại thuốc tăng cường khả năng sinh sản để thúc đẩy quá trình rụng trứng. Bạn đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài và cũng đừng bi quan, bởi tỷ lệ điều trị thành công là khá tốt đó.



Nếu bạn đang bị rối loạn kinh nguyệt và bạn đang mong con, hãy tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm, cũng như cùng động viên nhau trong cuộc hành trình này nhé!