Chỉ đến khi mang thai, phụ nữ mới quan tâm đến bộ phận nhỏ xíu đóng vai trò cửa ngõ của buồng tử cung – nơi bé yêu trú ngụ trước khi ra đời. Từ đây, mẹ sẽ quan tâm nhiều hơn đến những thuật ngữ như độ mềm, độ giãn mở, độ xoá cổ tử cung…



Hãy tìm hiểu về bộ phận nhỏ nhưng vai trò không hề nhỏ trong bộ máy sinh sản của chúng ta nhé!




Chỉ đến khi mang thai, mẹ mới thấy "cánh cửa" này cũng quan trọng đấy chứ. Ảnh: Gettyimages.



Vậy cổ tử cung là cái gì?



Đó là bộ phận cửa ngõ của tử cung, nối buồng tử cung với âm đạo và có vai trò quan trọng trong thai kỳ và sinh nở. Trong suốt thời gian mang thai, cổ tử cung khép chặt và được khoá kín bởi nút nhầy, giữ cho buồng tử cung kín và vô trùng, bảo đảm cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.



Khe cổ tử cung lớn bao nhiêu?



Điều đó còn phụ thuộc vào việc người mẹ có chọn cách sinh thường theo ngã âm đạo hay không. Nếu người phụ nữ không sinh con trong suốt cuộc đời, khe cổ tử cung của cô rất nhỏ, có thể chỉ bằng đầu ghim nhưng vẫn đủ rộng để máu kinh thoát ra ngoài trong mỗi kỳ kinh nguyệt, cũng như cho phép chèn cọ phết tế bào cytobrush trong xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear). Nếu người mẹ đã từng sinh con ngã âm đạo, lỗ ngoài cổ tử cung (hướng từ âm đạo) được mô tả là một khe mở nhỏ tương tự “miệng cá”, nhưng lỗ trong (ở đáy eo tử cung) vẫn đóng kín.



Cổ tử cung thay đổi thế nào khi mang thai?



Cổ tử cung là cấu trúc được tạo hoá thiết kế để bảo vệ bảo vệ bào thai trong suốt quá trình phát triển bên trong tử cung người mẹ. Nó luôn được đóng chặt và chịu được áp lực đè xuống từ các bộ phận đang lớn lên phía trên nó (là tử cung và bào thai). Khi chuyển dạ, cổ tử cung có khả năng nhận áp lực và co bóp từ trong tử cung để nong dần ra và mỏng dần (xoá mờ cổ tử cung) để em bé có thể lọt qua đường sinh. Thành phần chính của cổ tử cung là collagen có tác dụng giữ cho “cửa ngõ” này luôn kín và chặt.



Các hormone chi phối quá trình mang thai khiến lỗ ngoài của cổ tử cung ngắn hơn và hơi mở nhẹ trong khi lỗ trong dài hơn nhưng có thành mỏng hơn.



Điều gì xảy ra khi cổ tử cung “chín”?



Khi đã đến hạn cuối cùng của thai kỳ, cổ tử cung của bà mẹ mang thai bắt đầu “chín muồi”, đó là khi cổ tử cung được cung cấp nhiều nước và máu hơn khiến nó mềm và trở nên tím tái. Những biến đổi này khiến cổ tử cung có thể giãn rộng và mỏng đến mức có thể đáp ứng được các cơn co chuyển dạ. Trong quá trình chuyển dạ, cổ tử cung thường giãn từ đóng kín đến 10cm để đầu em bé có thể lọt ra khỏi tử cung vào âm đạo.



Cổ tử cung ngắn có ý nghĩa gì?




Thăm khám và siêu âm sẽ cho mẹ biết nhiều điều về thai kỳ của mình, kể cả thông tin về cổ tử cung. Ảnh: Gettyimages.


Thường thì cổ tử cung của người mẹ mang thai dài khoảng hơn 3cm. Con số này có thể được xác định lâm sàng bằng phương pháp khám phụ khoa hoặc thông qua siêu âm đầu dò âm đạo. Siêu âm có thể xác định được hình dáng và đo chiều dài. Nếu chiều dài cổ tử cung dưới 3cm, người mẹ có nguy cơ thiểu năng cổ tử cung, khó giữ thai và có thể dẫn đến sinh non. Trường hợp này cần được theo dõi chặt chẽ.



Thiểu năng cổ tử cung là gì?



Cổ tử cung được cấu tạo để có thể ngắn lại và giãn ra khi có các cơn co tiền chuyển dạ. Nhưng nếu hiện tượng này xảy ra khi không có cơn co thì nghĩa là bạn bị thiểu năng cổ tử cung. Nếu cổ tử cung không thể khép chặt trong suốt thai kỳ, nguy cơ sinh non sẽ tăng đáng kể.



Khâu cổ tử cung là gì?



Nếu được xác định thiểu năng cổ tử cung, bác sĩ có thể chỉ định khâu cổ tử cung – tức cổ tử cung được khâu lại để giữ cho nó luôn đóng chặt. Đây là trường hợp hiếm vì chỉ có 1% số phụ nữ mang thai phải áp dụng thủ thuật này để giữ thai.



Cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ được đánh giá thế nào?



Khi một phụ nữ bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung sẽ được đánh giá cùng với vị trị bộ phận cơ thể bé sẽ lọt xuống đường sinh trước (thường là đầu bé). Cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ được đánh giá về độ mở (độ giãn) và độ xoá (độ dày thành cổ tử cung). Chẳng hạn, cổ tử cung mở 5cm (tức đã mở được một nửa, 10cm là mở hoàn toàn), xoá 75% (tức thành cổ tử cung chỉ còn mỏng 25% so với bình thường) và độ lọt ngôi thai là 0 (tức đầu bé đã xuống đến xương chậu của mẹ). Quá trình chuyển dạ thông thường xảy ra khi có xuất hiện các cơn gò liên tục cùng với sự thay đổi của cổ tử cung. Nếu những dấu hiệu này không xuất hiện, bác sĩ sẽ đánh giá xem vấn đề có thể từ đâu, chẳng hạn chất lượng cơn gò kém, em bé quá lớn hoặc người mẹ quá căng thẳng làm ức chế chuyển dạ tự nhiên…



Liệu một phụ nữ có thể có lỗ cổ tử cung quá nhỏ hay không?



Kích thước lỗ cổ tử cung trước và trong thời gian mang thai không quyết định được việc người phụ nữ đó có chuyển dạ suôn sẻ hay không. Quá trình này phụ thuộc vào chất lượng của các cơn gò, kích thước em bé, độ lọt ngôi thai và tư thế ngôi thai để cổ tử cung có thể giãn nở. Trong một số trường hợp hiếm gặp, người phụ nữ có thể có cổ tử cung hẹp, đóng quá chặt và không thể giãn nở hoàn toàn. Hiện tượng này có thể do sẹo để lại sau nhiễm trùng, phẫu thuật, xạ trị trong điều trị ung thư hoặc bất thường về giải phẫu. Cần nhắc lại để bạn yên tâm rằng những trường hợp như vậy khá hiếm.



Nút nhầy cổ tử cung là gì?



Nút nhầy là một khối chất nhầy đặc bên trong cổ tử cung, Khi cổ tử cung giãn ra, những mảnh của khối nhầy này cũng rơi ra, và đó được xem là dấu hiệu sớm của chuyển dạ.



Cổ tử cung có phục hồi lại như cũ sau sinh?
Toàn bộ tử cung sẽ sa xuống sau một ca sinh ngã âm đạo. Đôi khi chúng sa xuống khá thấp và bạn có thể sờ thấy cổ tử cung ở khá gần với cửa âm đạo.