Trời ơi giờ nhiều người bị đột quỵ cũng sợ lắm các mẹ ạ. Như nhà em đây, bình thường thì cứ tầm 9h30 tối khi bọn trẻ học hành xong là em lại lùa bọn nó đi đánh răng rửa mặt rồi về phòng ngủ. Dưới phòng khách thường chỉ có bố chồng em hay ngồi xem tức hoặc bóng đá, lúc nào mẹ chồng gọi mới chịu lên.
Hồi giữa năm vừa rồi cũng như mọi khi bà chưa thấy ông lên thì lại bước xuống cầu thang gọi, nhưng vì hôm đó không thấy ông trả lời “tôi lên luôn đây” như mọi khi, nên bà xuống hẳn dưới nhà xem sao, thì thấy ông vẫn đang nằm trên ghế sofa. Tới gần thì bà thấy mặt ông tái mét nên rất hoảng, hỏi ông “không khỏe ở đâu à?” thì chỉ thấy ông ú ớ không nói được, miệng thì méo xệch.
Lúc này bà luống cuống gọi to để vợ chồng em nghe thấy. Lão chồng em thì đang ngồi lướt Facebook, vội lao như tên bay, còn em thì dặn dò bọn trẻ nằm yên trên giường, rồi cũng vội chạy theo lão từ tầng 3 xuống chỗ ông bà xem sao.
Nụ cười của người khỏe mạnh (trái) và người có nguy cơ bị đột quỵ. Ảnh: Internet
Lúc này thấy khuôn mặt hoảng loạn của mẹ chồng mà thương quá. Cũng vì không biết ông bị sao, bà sợ quá vừa khóc vừa vuốt tóc rồi xoa dầu khắp người cho ông vì bà nghĩ rằng ông bị trúng gió.
Còn lão chồng em thì bảo hay do ông ngã va đập vào đâu, chứ bình thường ông rất khỏe mạnh tự nhiên ốm sao được, nên vội vã bấm số 115 để gọi xe cấp cứu. Tới bệnh viện sau khi bác sĩ kiểm tra loáng thoáng đã nhận ra nguyên nhân, nên lập tức cho đi chụp CT não, và cuối cùng thông báo cho người nhà rằng ông bị đột quỵ, nhưng cũng may được đưa vào viện kịp thời nên vẫn cứu được.
Thế nhưng cho đến nay đã hơn 6 tháng trôi qua, ông đang tiếp tục điều trị vât lý trị liệu ở nhà, nhưng miệng vẫn còn bị hơi méo, chỉ khi cười mới nhận ra. Cánh tay trái của ông cũng vẫn bị ảnh hưởng, mà theo lời ông thì khi cầm nắm không được tự nhiên như trước các mẹ ạ.
Cũng từ sau đưa ông vào viện tái khám, nghe bác sĩ dặn dò em mới biết, với bệnh đột quỵ, quan trọng nhất là nhận ra dấu hiệu ban đầu để được cấp cứu kịp thời mới bảo toàn được tính mạng và không bị tàn phế về sau.
Mấy hôm trước khi lên mạng tìm hiểu về căn bệnh đột quỵ như bố chồng mắc phải, một phần để chăm ông tốt hơn, nhưng cũng để phòng cho bản thân và gia đình. Em thấy có bài chia sẻ của các nhà nghiên về cách kiểm tra chẩn đoán đột quỵ chỉ kéo dài 1 phút ở những người có vẻ ngoài khỏe mạnh, chắc chắn sẽ hữu ích cho tất cả mọi người, thậm chí phương pháp này rất dễ sử dụng,ngay cả trẻ con cũng làm được đấy ạ!
Hình minh họa, ảnh internet
Vậy bài kiểm tra đột quỵ được thực hiện thế nào?
Đây là bài kiểm tra dựa trên thang điểm do các nhà nghiên cứu tại Đại học Cincinnati tìm ra. Đây được gọi là Thang điểm đột quỵ, chẩn đoán được hầu hết các ca bệnh.
Bà Jane Brice - PGS về y học cấp cứu tại Đại học North Carolina (Mỹ) cho biết, với người nghi ngờ bị đột quỵ chỉ cần thực hiện 3 bước đơn giản như sau:
+ Bước thứ nhất: Người bệnh được yêu cầu cười lộ răng
Đây là bài kiểm tra nụ cười nhằm tìm ra điểm yếu một bên khuôn mặt. Bởi vì đột quỵ sẽ khiến một số dây thần kinh bị liệt và làm tê cứng nửa hoặc cả mặt, biểu hiện dễ nhận thấy là nụ cười méo.
+ Bước thứ 2: Người bệnh cần nhắm mắt và nâng cao cánh tay
Bài kiểm tra này xuất phát từ việc người bị đột quỵ thường không thể nâng cả hai cánh tay lên cùng chiều cao.
+ Bước thứ 3: Người bệnh được yêu cầu lặp lại một câu đơn giản
Bởi vì nếu như người bệnh nói lắp, chứng tỏ đây là một dấu hiệu quen thuộc khác của đột quỵ.
Trong số những người khỏe mạnh thực hiện phương pháp này, đã phát hiện 96% bệnh nhân đột quỵ có vấn đề về giọng nói; 97% bị yếu tay và 72% có nụ cười méo.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Đây là đánh giá của ông Edgar J. Kenton - GS thần kinh học tại Đại học Thomas Jefferson. Vị chuyên gia này cũng cho biết, việc cứu chữa cho người bệnh đột quỵ phụ thuộc nhiều vào thời gian. Bởi vì các loại thuốc làm tan cục máu đông để điều trị đột quỵ chỉ hiệu quả trong vòng 3 giờ đầu tiên sau khi một người gặp phải tình trạng này.
Amy S. Hurwitz - sinh viên y khoa tại Đại học North Carolina, đã giúp thiết kế nghiên cứu cũng tiết lộ, có tới 97% người khỏe mạnh làm theo chính xác các hướng dẫn của bài kiểm tra.
5 biện pháp phòng ngừa đột quỵ, ai cũng nên “bỏ túi” để tự cứu mình
+ Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học như ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế đồ ngọt, chất béo...
+ Giữ ấm cơ thể vì nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ.
+ Tập thể dục hàng ngày để giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh.
+ Không hút thuốc lá vì làm nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ.
+ Kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
Nguồn: Tổng hợp