Ủa các mẹ, nước chanh có thể tiêu diệt 12 loại tế bào K á? Mình mới nghe được thông tin này hồi nãy. Trước giờ thì mình vẫn biết chanh là thực phẩm tốt cho sức khỏe, uống nước chanh ấm buổi sáng có nhiều tác dụng. Cơ mà bảo chanh tiêu diệt tế bào K thì nghe cứ vô lý kiểu gì ấy.
Mình đọc thấy cũng có trường hợp như này. Đó là cô Lý (Trung Quốc) được chẩn đoán là bị K vú. Bác sĩ chỉ định tiến hành hóa trị cho cô. Song, một người bạn của cô khi biết tin thì lại khuyên đừng làm hóa trị mà chỉ cần uống nước chanh thôi. Vì chanh có thể tiêu diệt 12 loại tế bào K, còn mạnh hơn hóa trị nhiều lần.
Nghe có vô lý không nè các mẹ. Mình có bỏ thời gian đi tìm hiểu về lợi ích của chanh với tế bào K rồi đây. Thông tin cụ thể, các mẹ xem phần chia sẻ ở bên dưới nhé. Đây là những kiến thức mà mình tìm hiểu được trên các trang báo đó.
Tế bào K trong cơ thể con người. Ảnh minh họa, nguồn: NLD
Chanh có tiêu diệt được tế bào K không?
Một số nghiên cứu từng chỉ ra: Vỏ chanh có thể có đặc tính chống khối u. Trong một số nghiên cứu của Mỹ cũng cho biết, lượng chất chống oxy hóa flavonoid có trong vỏ chanh có liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc bệnh K. Trong khi đó, vitamin C với tác dụng thúc đẩy sự phát triển của tế bào bạch cầu. Nhờ đó mà triệt tiêu tế bào K bị đột biến. Hợp chất D-limonene có trong vỏ chanh cũng có thể phòng K, nhất là ở dạ dày. Tuy nhiên, những điều này chỉ là kết luận khi nghiên cứu trên chuột chứ chưa có bằng chứng đầy đủ chứng minh trên cơ thể người.
Theo BS. Trần (BV Ung bướu Phúc Kiến, Trung Quốc), chanh là loại trái cây thông thường, không có tác dụng thần kỳ. Nó cũng chẳng phải là loại thuốc có thể chữa khối u ác tính. Vì vậy, uống nước chanh không thể thay thế hóa trị liệu được. Các loại thuốc được dùng để hóa trị là kết quả của nhiều năm thử nghiệm lâm sàng và có đầy đủ dữ liệu về tính hiệu quả.
Học viện Khoa học Trung Quốc từng tiến hành nghiên cứu và chỉ ra rằng: Nói chanh có khả năng chống khối u là đang thần thánh hóa loại quả này. Đến nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào đi so sánh công dụng của chanh với hóa trị. Dù rằng nhiều tài liệu đã công nhận chanh có chứa nhiều chất sinh học như monoterpenes, coumarin... với khả năng chống oxy hóa và phòng K nhất định. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả nghiên cứu được ghi nhận trên động vật, chưa được thực hiện trên người. Vì thế, để xác định được điều này có đúng không vẫn cần nghiên cứu sâu hơn.
Một số người nói rằng: Chanh có tính kiềm nên có tác dụng điều chỉnh sự mất cân bằng axit bazo trong cơ thể. Nhờ đó mà điều trị tế bào K. Tuy nhiên, quan điểm này được cho là không chính xác.
Thực tế, hệ thống cân bằng axit bazo trong cơ thể rất phức tạp và hầu như không bị ảnh hưởng hay thay đổi do thức ăn. Vì vậy, kể cả bạn uống nhiều nước chanh thì cũng không thể thay đổi độ PH trong cơ thể người được chứ đừng bảo là chống lại tế bào K.
Chanh tốt cho sức khỏe nhưng chưa thể khẳng định nó có khả năng phòng và điều trị bệnh hiểm nghèo. Ảnh minh họa, nguồn: gaoding
Mặc dù không giúp phòng và điều trị bệnh K nhưng nước chanh cũng đã được công nhận là có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Vậy cơ thể nhận được lợi ích gì?
Chanh là loại quả rất giàu axit trái cây. Trong đó, tỷ lệ axit citric là cao nhất, có thể vượt quá 5%. Lớp ngoài của vỏ chanh có nhiều tinh dầu, trong đó có 90% là limonene, 5% là citral, ngoài ra còn có một lượng nhỏ este và andehit.
Lớp vỏ mỏng màu trắng bên trong của vỏ chanh không chứa tinh dầu. Song, nó cũng có nhiều chất chống oxy hóa như coumarin, picroflavonoid, axit folic, limonoid, carotene và flavonoid.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ nhận định: Uống nước ép từ 1 quả chanh sẽ cung cấp 30mg vitamin C cho cơ thể, tương đương với 33% lượng khuyến nghị hàng ngày cho nam giới và 40% cho nữ giới. Vitamin C có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường hấp thu sắt và đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương.
Nghiên cứu năm 2012 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ chỉ ra: Việc dùng nước chanh thay thế đồ uống giàu calo hoặc đồ uống không calo giúp giảm cân trung bình từ 2 – 2,5% sau 6 tháng.
Không chỉ thế, nước chanh còn có thể làm giảm nguy cơ bị sỏi thận nhờ lượng citrate dồi dào. Nó có thể ngăn chặn quá trình hình thành sỏi. Đây là kết luận trong nghiên cứu của Đại học Y Case Western Reserve, Mỹ.
Tuy vậy, khi sử dụng nước chanh bạn cũng cần phải lưu ý để không gây hại cho sức khỏe
+ Chỉ dùng từ 4 – 6 muỗng canh nước cốt chanh tương đương với 2 – 3 quả chanh mỗi ngày nếu không có bệnh lý cần hạn chế.
+ Nên pha loãng với nước ấm nhưng không quá 1,5 lít nước/ngày và uống rải rác, đan xen với nước lọc cùng các loại đồ uống lành mạnh khác.
+ Thời điểm nên uống nước chanh là giữa các bữa ăn.
+ Không cần phải cho quá nhiều chanh vào mỗi cốc nước bạn uống vì loại quả này có tính axit cao nên nếu nhiều quá sẽ phản tác dụng.
+ Nên uống nước chanh qua ống hút để nước chanh ít tiếp xúc với răng. Nếu bị lở miệng, bạn nen tránh hoàn toàn nước chanh vì axit trong loại quả này có thể gây kích ứng.
+ Người có hệ tiêu hóa nhạy cảm không nên uống hàng ngày, nhất là lúc bụng đói.
+ Nên uống nước hanh trước khi ngủ vì nó có thể cải thiện hệ miễn dịch, thư giãn tinh thần, giúp bạn ngủ ngon hơn.
Đây là những thông tin liên quan tới việc uống nước chanh mà mình đã tìm hiểu được trên báo. Nói chung, loại quả dân dã này đúng là có tốt thật nhưng khả năng phòng và điều trị bệnh K thì vẫn còn là dấu hỏi chấm. Thế nên, nếu bị bệnh thì tốt nhất nên nghe lời bác sĩ điều trị các mẹ nhé.