Trong cuộc sống của chúng ta, nếu tận dụng được các loại cây lá chữa bệnh mà hạn chế dùng thuốc là điều tốt nhất, đặc biệt là với trẻ em và những người có sức đề kháng yếu.

Với tình trạng cảm, sốt là triệu chứng sức khỏe con người thường xuyên gặp phải dù ở bất cứ độ tuổi nào. Mình thấy thông tin báo chí đăng tải theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế đã gợi ý danh sách các loại cây quen thuộc với người Việt có thể tận dụng để chữa cảm sốt. Mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!

Cụ thể, theo tài liệu hướng dẫn nhận biết 70 cây thuốc của Bộ Y tế có một số loại chữa cảm sốt. Người dân có thể dễ dàng tìm thấy các dược liệu này ở vườn nhà hoặc mua ngoài chợ. Lưu ý, trước khi sử dụng điều trị bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên môn của thầy thuốc có kiến thức sâu rộng. 

Cỏ mần trầu còn gọi là cỏ chỉ tía, thanh tâm thảo thuộc họ lúa, có thể dùng cả cây. Công năng của loại cỏ này là lương huyết, thanh nhiệt, hạ sốt, giải độc, mát gan, làm ra mồ hôi, lợi tiểu; chữa cảm nắng, cao huyết áp, viêm gan vàng da, dị ứng mẩn ngứa, tiểu khó, nước tiểu đỏ. Người bệnh có thể dùng cây tươi hoặc khô, đun sôi để nguội chắt lấy nước uống. 

hình ảnh

Hình ảnh cây cỏ mần trầu, ảnh minh họa, nguồn: DSd

Cúc hoa còn gọi là kim cúc, hoàng cúc, dã cúc, cam cúc, thuộc họ cúc. Cây chủ trị phát tán phong nhiệt, giải độc, giúp sáng mắt; chữa các chứng đau đầu hoa mắt, chóng mặt, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, mụn nhọt, đinh độc. Hoa dùng dạng khô sắc nước uống. 

Cúc tần còn gọi là cây lức, từ bi, phật phà thuộc họ cúc, có thể dùng rễ, lá, cành. Cây có công năng phát tán phong nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, tiêu đàm; chữa cảm mạo phong nhiệt, sốt không ra mồ hôi, phong thấp, tê bại, đau nhức xương khớp. Cúc tần có thể sắc uống chữa bệnh. 

Húng chanh còn gọi là dương tử tô, rau thơm lông, thuộc họ bạc hà, có thể dùng lá tươi hoặc phần trên mặt đất cất lấy tinh dầu, giã đắp lên những vết do rết và bọ cạp cắn. Cây có tác dụng ổn phế, trừ đàm, tân ôn giải biểu, giải độc; chữa cảm cúm, sốt nóng về chiều, chữa ho, viêm họng, khản tiếng, chữa thổ huyết, chảy máu cam, táo bón. 

Hương nhu tía còn gọi é tía thuộc họ bạc hà, sử dụng các bộ phận trên mặt đất. Công năng của cây là chữa sốt cao, say nắng, nhức đầu, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, phù thũng. Cây có thể sắc hoặc hãm uống. Nếu không có hương nhu tía, có thể dùng hương nhu trắng thay thế. 

Kinh giới còn gọi khương giới, giả tô, thuộc họ bạc hà, sử dụng bộ phận trên mặt đất (ngọn mang hoa) sắc hoặc hãm uống. Cây có thể chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, hoa mắt, viêm họng, ngứa, phong trúng kinh lạc, băng huyết, rong kinh, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiện ra máu. 

Rau má còn gọi là liên tiền thảo thuộc họ hoa tán, dùng được cả cây. Cây có công năng thanh nhiệt trừ thấp, giải độc, tiêu viêm; chữa sốt, mụn nhọt, vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón, ho, tiểu tiện rắt buốt. Cây vò nát lấy nước uống hoặc để khô sắc uống, có thể dùng phối hợp với cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu.

Sả thuộc họ lúa, dùng rễ, thân và lá, công năng làm đổ mồ hôi, lợi tiểu, hạ khí, tiêu đờm; chữa cảm sốt, đau bụng, đầy hơi, trướng bụng, nôn mửa, ho nhiều đờm. Cây dùng dạng hãm, sắc. 

hình ảnh

Tận dụng bài thuốc từ gừng cũng có thể trị cảm sốt hiệu quả, ảnh: dSD

Gợi ý một số bài thuốc nam hỗ trợ điều trị cảm cúm

Bài 1: Gừng tươi 20g, tỏi 5-6 nhánh, sắc nước uống.

Bài thuốc có tác dụng phòng ngừa và chữa trị bệnh cúm thể phong hàn. Trong bài gừng tươi có tác dụng phát hãn giải biểu (làm ra mồ hôi để giải cảm), tỏi có tác dụng giải độc.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, tỏi có tác dụng ức chế mạnh đối với virus cúm, còn gừng có tác dụng làm giảm hoạt tính của nhiều loại virus..

Bài 2: Kim ngân hoa 15g, đậu xanh (để cả vỏ) 30g, sắc nước uống trong ngày.

Trong bài, kim ngân hoa có tác dụng phát tán phong nhiệt (trừ gió nóng), thanh nhiệt giải độc. Đậu xanh có tác dụng dưỡng âm và thanh nhiệt giải độc. Hai vị kết hợp với nhau, có tác dụng phòng ngừa và chữa trị cảm cúm thể phong nhiệt.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, kim ngân hoa có tác dụng ức chế tương mạnh đối với virus cúm, ngoài ra còn có tác dụng làm giảm hoạt tính của nhiều loại virus khác.

Bài 3: Quán chúng 15g, bạc hà 10g, sắc nước uống.

Bài thuốc có tác dụng phòng ngừa cảm cúm thể phong nhiệt. Trong bài: Quán chúng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, dự phòng bệnh thời khí (bệnh do thời tiết khí hậu gây ra). Bạc hà có tác dụng làm ra mồ hôi, hạ sốt; dùng chữa cảm cúm, mũi ngạt, đầu nhức, còn xúc tiến tiêu hóa, chữa kém ăn, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài...

Bài 4: Tô diệp (lá tía tô) 15g, gừng tươi 5 lát; sắc nước uống.

Bài thuốc có tác dụng phòng ngừa cảm cúm thể phong hàn. Cả 2 vị tía tô và gừng tươi đều được xếp trong loại thuốc phát tán phong hàn (những vị thuốc dùng chữa các chứng ngoại cảm do khí lạnh gây nên). Tía tô tác dụng tán hàn giải cảm, hành khí và giải độc. Gừng tươi, giải cảm phong hàn, còn có tác dụng "ôn trung chỉ ẩu" (ấm bụng chống nôn), "ôn phế chỉ khái" (ấm phổi trừ ho).

Bài 5: Bạc hà 6g, kinh giới 15g, lô căn (rễ sậy) 12g; sắc nước uống.

Bài thuốc có tác dụng phòng ngừa cảm cúm trong 4 mùa. Theo các nghiên cứu hiện đại, rau kinh giới chứa hợp chất carvacrol và thymol có thể tiêu diệt tác nhân gây nên bệnh cúm. Lô căn, bạc hà giúp hạ sốt, mát phổi, giảm ho thường được dùng điều trị hiệu quả các triệu chứng cảm cúm.