Lối sống có ảnh hưởng to lớn đến bệnh tiểu đường tuýp 2, trong đó chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng. Hạt là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng vượt trội và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, có một số loại hạt lại tốt cho bệnh nhân tiểu đường hơn những loại khác.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khoảng 30.3 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng.

Các loại hạt là một trong những thực phẩm được Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyên dùng cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Bài viết này sẽ giải thích những lợi ích mà các loại hạt có thể có đối với bệnh nhân tiểu đường và sẽ tập trung vào năm loại hạt dinh dưỡng nhất để đưa vào một chế độ ăn uống lành mạnh.

6d3b0526a777b95b

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tại Sao Các Loại Hạt Lại Có Lợi Cho Bệnh Tiểu Đường?

Các loại hạt cung cấp một lượng lớn chất béo có lợi cho sức khỏe. Chất béo không bão hòa trong hạt giúp phát triển tế bào và bảo vệ các cơ quan, bao gồm cả tim, bên cạnh các chức năng quan trọng khác.

Ngoài việc chứa nhiều protein, một dưỡng chất thiết yếu, các loại hạt cũng bao gồm nhiều chất dinh dưỡng quan trọng khác đối với sức khỏe thể chất của một người, chẳng hạn như:

  • Chất xơ
  • Vitamin, chẳng hạn như vitamin E
  • Folate
  • Thiamine
  • Khoáng chất, chẳng hạn như magiê và kali
  • Carotenoid
  • Chất chống oxy hóa
  • Phytosterol

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hạt đều có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường. Về vấn đề này, bạn nên tránh xa các loại hạt muối vì hàm lượng natri cao của chúng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng.

Sau đây là những loại hạt có lợi nhất cho bệnh nhân tiểu đường:

Hạnh nhân có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Hạnh nhân có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Hạnh Nhân

Hạnh nhân mang đến nhiều lợi thế cho những người mắc bệnh này. Một nghiên cứu năm 2011 chỉ ra rằng thêm hạnh nhân vào chế độ ăn của những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong 12 tuần có tác động thuận lợi đến lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu năm 2017 đã kiểm tra tác động của việc ăn hạnh nhân hàng ngày đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 trong khoảng thời gian 24 tuần. Các nhà khoa học cho biết hạnh nhân giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Hạnh nhân có thể làm giảm lượng cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), có thể gây tắc nghẽn động mạch. Chúng tăng cường cholesterol HDL, giúp loại bỏ cholesterol LDL khỏi động mạch. Đây là một lý do tại sao hạnh nhân có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Hạt Óc Chó

Quả óc chó có hàm lượng calo cao. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố trên BMJ Open Diabetes Research & Care, chúng không ảnh hưởng đến trọng lượng hoặc thành phần cơ thể.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ định 112 người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường được áp dụng chế độ ăn ít calo hoặc chế độ ăn nhiều hạt óc chó trong 6 tháng. Họ phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều hạt óc chó giúp cải thiện tỷ lệ HDL so với cholesterol LDL mà không làm thay đổi thành phần cơ thể.

Dựa trên nghiên cứu từ năm 2018, các nhà nghiên cứu đã kiểm chứng mối liên hệ giữa việc ăn hạt óc chó và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở 34.121 người.

Kết quả là những người đã ăn hạt óc chó trong vòng 24 giờ trước đó đã giảm được 50% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường so với những người không ăn bất kỳ loại hạt nào trong khung thời gian này.

Hạt óc chó có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Hạt óc chó có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Hạt Điều

Hạt điều có thể giúp cải thiện tỷ lệ cholesterol HDL và LDL, cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Dựa trên một nghiên cứu năm 2018, 300 người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 được áp dụng chế độ ăn giàu hạt điều hoặc chế độ ăn tiêu chuẩn dành cho bệnh nhân tiểu đường.

Sau 12 tuần, những người theo chế độ ăn giàu hạt điều đã giảm huyết áp và lượng cholesterol HDL cao hơn. Ngoài ra, hạt điều không gây tác động tiêu cực đến lượng đường trong máu hoặc trọng lượng cơ thể.

Hạt Dẻ Cười

Hạt dẻ cười có hàm lượng calo cao nhưng lại chứa nhiều chất xơ và chất béo lành mạnh. Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015, những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 được áp dụng chế độ ăn giàu hạt dẻ cười hoặc chế độ ăn tiêu chuẩn trong 4 tuần.

Họ phát hiện ra rằng ở nhóm ăn hạt dẻ cười, tỷ lệ HDL trên cholesterol LDL cao hơn nhiều so với nhóm đối chứng. Những người có chế độ ăn giàu hạt dẻ cười đã giảm mức chất béo trung tính, cho thấy sức khỏe tim mạch được cải thiện.

Đậu Phộng

Đậu phộng là một nguồn protein và chất xơ vượt trội. Chúng có thể giúp giảm cân và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một nghiên cứu năm 2013 đã điều tra ảnh hưởng của đậu phộng đối với chế độ ăn của phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thêm đậu phộng vào ngũ cốc đã giúp mọi người điều chỉnh lượng đường trong máu và cảm giác đói. Điều này có thể hỗ trợ giảm cân, có ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Đậu phộng rất giàu protein và chất xơ.

Đậu phộng rất giàu protein và chất xơ.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tổng Kết

Các loại hạt có thể dễ dàng kết hợp vào một chế độ ăn uống lành mạnh, vì chúng là một loại thực phẩm đa dạng. Chúng có thể là một cách tuyệt vời để bổ sung một số protein và chất béo lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường.

Mỗi lần ăn, bạn chỉ nên dùng một nắm nhỏ hoặc khoảng 1/4 chén để kiểm soát lượng calo tiêu thụ. Các loại hạt là một món ăn vặt nhanh chóng và dễ dàng. Hầu hết có thể được mua tại các siêu thị địa phương và có thể ăn ở dạng thô. Tốt nhất bệnh nhân tiểu đường nên kiêng đồ mặn.

Có thể bạn quan tâm: Đường Phá Vỡ Hệ Vi Sinh và Hệ Miễn Dịch, Dẫn Đến Rối Loạn Chuyển Hóa


Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com

Dịch giả Trinh Lê

https://anchay.vn/kien-thuc-an-chay/hat-tot-cho-benh-tieu-duong.html