5 bệnh nguy hại mẹ bầu có thể mắc phải khi mang thai
Trong quá trình mang thai, mẹ bầu không nên lơ là sức khỏe của bản thân. Đôi khi chỉ là những bệnh rất đơn giản nhưng nếu không chú ý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi. Chính vì thế, các mẹ hãy theo dõi những thông tin dưới đây để nắm bắt những bệnh dễ mắc phải và có kế hoạch phòng tránh hiệu quả.
Bệnh tiểu đường
Đái tháo đường trong thời kỳ mang thai có thể coi là bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và con. Người mẹ có nguy cơ phải mổ lấy thai; dễ bị tăng huyết áp, phù; trở thành bệnh nhân đái tháo đường, thai chết lưu. Trẻ sinh ra có thể phải đối mặt với dị tật bẩm sinh (cao gấp 8 lần bình thường), hoặc mắc các bệnh vàng da kéo dài, hạ canxi máu, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…
Đái tháo đường trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi và mẹ
Phòng tránh: Để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường cũng như có biện pháp điều trị phù hợp bạn cần làm các kiểm tra sàng lọc và chẩn đoán đái tháo đường. Bên cạnh đó bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống và tập luyện. Đối với thai phụ chưa mắc đái tháo đường nên có một chế độ ăn uống và vận động hợp lý, tránh tăng cân. Nên lựa chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, tránh ăn quá ngọt, hạn chế ăn thực phẩm nhiều chất xơ và chất béo, mỡ động vật. Đồng thời, hàng ngày nên tập thể dục đi bộ nhẹ nhàng.
Cảm cúm
Khi mang thai, nhu cầu oxy của mẹ bầu thường nhiều hơn bình thường trong khi đó hệ miễn dịch lại kém hơn. Do đó, nguy cơ mắc bệnh qua đường hô hấp là rất lớn. Bệnh cảm cúm tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang đến nguy cơ sảy thai rất cao , trong một số trường hợp có thể để lại dị tật cho thai nhi.
Phòng tránh: Bạn nên tránh đến những môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao nơi đông người hay những người bị bệnh cúm,…. Đặc biệt, bạn không nên tự ý uống thuốc mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có triệu chứng nóng sốt cần đi đến các cơ sở y tế để khám kịp thời. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế dùng quạt máy và máy lạnh khi ngủ; tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như bụi, khói, đặc biệt khói thuốc lá; nên mang khẩu trang khi ra đường. Cần vệ sinh mũi họng thường xuyên trong ngày bằng nước muối sinh lý.
Bệnh táo bón
Theo thống kê, có đến 50% phụ nữ bị táo bón khi mang thai. Sở dĩ thai phụ thường có hiện tượng này là do trong quá trình mang thai bạn ít di chuyển nên nồng độ progesteron trong cơ thể tăng lên, thai nhi phát triển chèn ép đại tràng khiến phân khó ra ngoài. Không những thế, các loại thuốc bổ hay nhiều thực phẩm dinh dưỡng gây nóng cũng là nguyên nhân gây nên táo bón, khiến mẹ bầu luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, chán ăn dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, sức đề kháng yếu.
Phòng tránh: Mẹ bầu nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để ung cấp chất xơ, dễ tiêu hóa, có thể ăn thêm khoai lang để nhuận tràng. Trong thời kỳ này, thai phụ cần có chế độ luyện tập các bài thể dục phù hợp.
Tăng huyết áp thai kỳ
Huyết áp có thể thay đổi trong ngày, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Tăng huyết áp là bệnh thường gặp và cũng là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng thậm chí gây tử vong cho mẹ và thai nhi. Nếu tăng huyết áp nặng, kèm với phù và có protein trong nước tiểu khi đó bạn có nguy cơ mắc hội chứng tiền sản giật – biến chứng nguy hiểm nhất của tăng huyết áp và rất nguy hiểm cho thai phụ. Cơn co giật có thể diễn ra một lần hay nhiều lần gây nguy hiểm cho mẹ và con.
Phòng tránh: Bạn nên nghỉ ngơi nhiều và tuân thủ theo một chế độ vận động, luyện tập đều đặn hàng ngày. Hạn chế dùng muối và các món ăn mặn, không sử dụng rượu hay các chất kích thích. Nếu mắc chứng cao huyết áp, khi mang thai bạn cần thông báo cho bác sĩ biết tiền sử bệnh, các loại thuốc đã dùng để bác sĩ điều chỉnh liều lượng và kê đơn phù hợp mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Nhiễm khuẩn đường sinh dục
Bà bầu khi bị nhiễm khuẩn đường sinh dục không những cảm thấy khó chịu mà còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi như gây sẩy thai, sinh non, thai chết lưu… Trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh này cũng dễ bị viêm kết mạc, viêm phổi hoặc chậm phát triển do lây vi khuẩn từ mẹ trong khi sinh nở.
Phòng tránh: Bạn nên quan hệ tình dục bằng các biện pháp bảo vệ an toàn và đến các cơ sở chuyên khoa điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Lưu ý: Bạn cần điều trị trước khi sinh nở, vì nếu mẹ bầu mắc bệnh mà sinh bằng biện pháp sinh thường có thể lây viêm nhiễm cho con.
Để hạn chế những rủi ro vì những căn bệnh thường gặp phải, ngay từ khi mang thai cần tới bệnh viện hoặc các cơ sở chuyên khoa để được kiểm tra và tư vấn các biện pháp nhằm duy trì một thai kỳ khỏe mạnh. Khám thai định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra những biến chứng đáng tiếc. Bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp với tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.
Để việc thăm khám và theo dõi sự phát triển của thai nhi khoa học và chính xác nhất, bạn có thể đăng kí gói khám thai Mẹ tròn con vuông của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc. Gói khám đã bao gồm các xét nghiệm cần thiết và các mốc khám thai trong suốt thai kỳ, giúp bạn theo dõi sức khỏe con yêu chính xác nhất.