- Thật không hay khi để trẻ trong độ tuổi 6-10 tuổi ở nhà một mình. Trong tình huống này, mỗi trẻ sẽ có những cảm giác và những phản ứng khác nhau, nhưng đó là một khó khăn đối với trẻ bởi chúng chưa có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.


Với những cặp gia đình trẻ có con nhỏ trong khoảng 6-10 tuổi, những tình huống buộc phải để con ở nhà có thể xảy ra khi bố mẹ có những việc đột xuất phát sinh và không thể trì hoãn, đồng thời không thể mang con đi cùng. Sự lo lắng khi lần đầu tiên để con ở nhà một mình là điều không thể tránh khỏi. Nhưng các bố mẹ sẽ bớt đi sự lo lắng và yên tâm một chút nếu biết và thực hành theo những lưu ý dưới đây:


- Để những vật dụng không an toàn vào đúng vị trí của nó. Ví như thuốc để trong hộp, dao kéo để trong nhà bếp… Nếu trường hợp trẻ đang trong thời gian cần phải uống thuốc theo đúng giờ, hãy để sẵn đúng liều lượng thuốc, pha chế và hướng dẫn trẻ cách dùng.


- Nếu các bố mẹ để trẻ ở nhà vào lúc trời tối, hãy để đèn pin vào nơi mà trẻ quen thuộc và dễ tìm nhất, đề phòng mất điện.


- Trường hợp có người lạ hỏi bố mẹ, cần hướng dẫn trẻ cách trả lời với người lạ, nhưng nhất thiết không được cho người lạ biết chỉ có duy nhất mình trẻ ở nhà. Kèm theo với lời dặn dò này, cần yêu cầu trẻ ở trong nhà, không được mở cửa, không được nhận hay đưa bất cứ cái gì cho người lạ, ngay cả những món đồ trẻ yêu thích.


- Nhắc trẻ về những quy định của gia đình như không được nghịch điện, không được vào những nơi không được phép (như lên sân thượng, vào nhà kho…)


- Đặt lịch gọi về nhà cho con: Thông thường trong những tình huống buộc phải để con ở nhà một mình, bố mẹ sẽ rất bận rộn để giải quyết việc riêng của mình, nhưng hãy nghĩ đến trẻ khi không có ai ở cùng và đặt lịch để gọi điện, mục đích để đảm bảo đến thời điểm đó trẻ vẫn an toàn.


- Trong trường hợp có thể nhờ ai đó sang cùng với trẻ, hãy nhanh chóng liên hệ và báo lại cho trẻ. Trẻ sẽ an tâm hơn khi biết có người quen thân sẽ đến, ngay cả khi người đó không thể đến ngay được.


- Hãy dặn trẻ sử dụng các số điện thoại của bố mẹ khi cần, và những số điện thoại khẩn cấp khi có những tình huống khẩn cấp xảy ra. Các bố mẹ hãy đảm bảo là trẻ nhớ và hiểu được ý nghĩa của những số điện thoại như số cứu hỏa, cấp cứu …


- Trước khi đi, các bố mẹ nên dành chút thời gian để giao việc cho trẻ, khuyến khích những công việc có nhiều ý nghĩa. Đây là điều vô cùng cần thiết và có nhiều tác dụng, bởi trẻ sẽ dành thời gian tập trung làm những công việc được giao, giảm bớt đi cảm thấy lo lắng và buồn chán.


Nhìn một cách tích cực thì việc để trẻ ở nhà một mình cũng là một trải nghiệm giúp trẻ tự tin và độc lập xử lý các tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, không thể để trẻ rơi vào tình thế bị động với bao nhiêu lời dặn dò, hãy chuẩn bị tâm thế trước cho trẻ bằng những cuộc trao đổi, thảo luận và phân tích những tình huống có thể xảy ra bằng những hoạt động vui chơi hàng ngày. Thực hiện được những điều này, các bố mẹ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi để con ở nhà một mình.


Sưu tầm.