Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng cần phối hợp với cán bộ y tế để đảm bảo tiêm chủng an toàn cho trẻ. Thay vì 'phó thác' cho nhân viên y tế cha mẹ cũng nên trang bị kiến thức cần thiết trước khi đưa trẻ đi tiêm ngừa, chăm sóc bé trước, sau khi tiêm, hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.
Những thông tin mẹ cần chủ động thông báo cho bác sĩ
Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như: trẻ đang bị ốm, các loại thuốc đang dùng cho trẻ, trẻ có tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm,…
Những điều mẹ cần lưu ý sau khi trẻ tiêm chủng
Sau tiêm chủng trẻ cần được ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
Tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1- 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần, bú mẹ, ăn, ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng sưng đỏ tại chỗ tiêm,… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Các bà mẹ cần lưu ý không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các dấu hiệu như sốt cao (>39°C), co giật, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú, phát ban,….hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.