NGON GIẤC CẢ ĐÊM


Giấc ngủ liền mạch là liều thuốc không đắng giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, phát triển chiều cao, cân nặng, khỏe mạnh về thể chất, vui vẻ về tinh thần và cũng là điều kiện quan trọng cho trí não phát triển tối ưu. Các chuyên gia chăm sóc trẻ em cho biết, các bé ngủ liền mạch cả đêm, đủ giấc thường tỉnh dậy vui vẻ, lanh lợi và hăng say tập trung khám phá vào mỗi buổi sáng thức giấc. Các bé này cũng đạt được những mốc son phát triển quan trọng như biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi… theo đúng chuẩn phát triển, đem đến niềm vui, hạnh phúc vô bờ cho những người làm cha, làm mẹ.


Tuy nhiên, ít nhất 6 tuần đầu tiên sau khi sinh, các bé đều thức dậy rất nhiều lần trong đêm để bú sữa. Thời gian mỗi giấc ngủ sau đó dài hơn và khi bước vào tháng thứ 6, hầu hết các bé có thể ngủ liền mạch suốt đêm mà không cần thức dậy.


Lúc này, nếu bạn thực hiện 5 bước dưới đây, bé sẽ ngủ liền mạch suốt đêm, không bị quấy rầy bởi những nguyên nhân thường gặp như nóng quá, lạnh quá, quần áo chật chội, khó chịu, ánh sáng, âm thanh ồn ã và phổ biến nhất là do bé tè nhiều, tã ướt đầm đìa, gây ngứa và khó chịu.



Bước 1: Ngủ ngày hợp lý: Các nghiên cứu về giấc ngủ cho thấy, thời gian giấc ngủ ngày có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm. Vì thế, nếu muốn bé dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ liền mạch ban đêm, bạn nên tránh giấc ngủ ngày gần với giờ bé đi ngủ ban đêm. Chẳng hạn, nếu bạn muốn con đi ngủ buổi tối lúc 7 giờ 30 thì không nên cho bé ngủ ngày sau 4 giờ chiều. Thời gian tốt nhất để bắt đầu giấc ngủ trưa là đầu giờ chiều.



Bước 2: Thiết kế lịch trình ngủ hợp lý. Bạn nên bắt đầu tập cho bé ăn, tắm rửa và đi ngủ vào một giờ cố định mỗi buổi tối. 7 giờ đến 07 giờ 30 là thời điểm nên bắt đầu giấc ngủ buổi tối cho các bé.


Bước 3: Cho bé đi tiểu và đóng tã giấy trước giờ ngủ: Đi vệ sinh trước giờ ngủ giúp tã bớt ẩm ướt, nặng nề vào ban đêm. Tã ướt, bẩn chính là nguyên nhân phổ biến thứ hai, chỉ sau đói bụng khiến bé ngứa ngáy, khó chịu và thức dậy vào ban đêm. Bạn chỉ đóng tã sau khi cho bé đi vệ sinh lần cuối và sát giờ ngủ. Nên chọn tã mềm mại, có độ thấm hút tốt để bé có cả đêm khô thoáng và ngủ ngon.


Bước 4: Tắt đèn, âm thanh ồn ào:


Sau khi đóng tã giấy, bạn chỉ bật đèn mờ hoặc tốt nhất nên tắt hết đèn để bé hiểu rằng, đêm đã đến, giờ ngủ đã tới. Lúc này, bạn hạn chế tuyệt đối tiếng ồn như nói to, đi lại ồn ào, ti-vi… và không nói chuyện hay chơi đùa với bé. Đảm bảo nhiệt độ phòng vừa phải, quần áo bé mặc thoáng mát, dễ chịu.


Bước 5: Tạo thói quen trước giờ ngủ: Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, bạn có thể lặp lại những thói quen mỗi ngày như cho bé uống sữa ấm, hát ru, mở nhạc êm dịu, đung đưa con trên tay hoặc nhẹ nhàng mát-xa cho con, giúp bé nhận ra “tín hiệu” đi ngủ. Mát-xa có tác dụng thư giãn, điều chỉnh nhịp sinh học đi đúng hướng tự nhiên và kích thích sản xuất hormone melatonin, giúp bé ngủ ngon và sâu hơn.


Một nghiên cứu cho biết, ở ba tháng tuổi, những em bé thường xuyên được mát-xa có nồng đồ melatonin vào ban đêm cao hơn những bé không được mát-xa.


Với những bước cơ bản này, bạn có thể giúp bé nhanh thích ứng và tạo thói quen ngủ tốt ngay khi còn nhỏ. Những khôn lớn đầu đời của bé chỉ đạt được khi có bàn tay mẹ chăm chút mỗi bữa ăn và từng đêm ngon giấc!