CHĂM CON NGỦ ĐÚNG CÁCH




Chăm sóc giấc ngủ cho bé những năm đầu đời khiến không ít phụ huynh căng thẳng, mệt mỏi. Nguyên nhân có thể vì bé “khó tính, khó nết” nhưng cũng không loại trừ việc bạn chăm sóc giấc ngủ của con chưa đúng cách. Đây là 12 lỗi các mẹ thường gặp phải:



- Cho con đi ngủ quá muộn: Các bé thường có dấu hiệu sẵn sàng đi ngủ từ 6 đến 8 giờ tối. Tuy nhiên, vì nhiều “thủ tục”, một số phụ huynh thường kéo dài giờ ngủ của con đến 10 hoặc 11 giờ. Lúc này, bé quá mệt mỏi và sẽ khó ngủ hơn.



- Giữ không gian quá yên tĩnh: Các bé thích những gì quen thuộc vì thế những âm thanh dịu nhẹ và quen thuộc sẽ dễ dàng đưa bé vào giấc ngủ. Bạn hãy thử với nhạc không lời hoặc hát ru giúp bé nhận ra tín hiệu đến lúc phải đi ngủ.



- Giờ giấc ngủ tự do: Không tạo giờ ngủ cố định mỗi tối sẽ khiến bé ngủ thất thường và bạn cũng sẽ mệt mỏi vì phải đi theo nhịp thất thường đó của con.



- Cho bé vừa bú sữa vừa ngủ: Thói quen này giúp bé dễ ngủ nhưng lại làm tăng nguy cơ nghẹt thở, sặc và sâu răng khi bé bắt đầu có răng. Nếu muốn con ăn, bạn nên rút bình sữa ra khi bé đã nhắm mắt ngủ và đừng quên cho bé tráng miệng với chút nước ấm.



- Bật đèn sáng trưng trong đêm khi bạn thức dậy cho bé ăn hoặc thay tã ướt. Ánh sáng sẽ khiến bé bị kích thích và khó ngủ trở lại.



- Cho bé ăn thức ăn đặc sớm để bé không thức dậy vào ban đêm. Nhiều mẹ nghĩ, thức ăn đặc giúp bé no bụng và ngủ sâu hơn. Thực tế, khi ăn quá sớm, hệ tiêu hóa của bé chưa trưởng thành để tiêu hóa thức ăn đặc nên rất dễ dẫn đến cơn đau quặn bụng, khó chịu khiến bé thức giấc.



- Thấy bé mở mắt, bạn nghĩ bé đã ngủ đủ và thức dậy cùng chơi với bé: Cũng như người lớn, bé có thể tỉnh dậy đôi lần trong đêm nhưng sẽ tự ngủ lại. Trừ khi bé khóc lâu, bạn cần thức dậy để kiểm tra tã ướt, tã bẩn. Nếu bé không khóc, bạn yên tâm vì bé sẽ ngủ lại nhanh thôi.



- Để con biết lẫy, biết bò ngủ một mình trên giường cao: Giai đoạn này, bé có thể bất chợt thực hành lẫy, bò… và ngã xuống đất. Nếu không quan sát con được mọi lúc, bạn nên cho bé ngủ trong cũi riêng hoặc đệm trải trên sàn nhà sạch sẽ.



- Không quan tâm đến chất lượng tã giấy khi quyết định cho con sử dụng hàng đêm: Tã giấy có khả năng co giãn, thấm hút tốt thôi chưa đủ, phải cần bề mặt tã khô thoáng. Điều này ngăn không để da bé tiếp xúc với nước tiểu, giúp bé cảm thấy dễ chịu và tránh được tình trạng hăm tã. Một chiếc tã tốt giúp bé có trọn đêm thoáng khô, không phải thức dậy vì khó chịu, ngứa ngáy.



- Cho bé đi ngủ muộn bé sẽ thức dậy trễ vào buổi sáng: Một số bé thức dậy lúc 4-5 giờ sáng khi bố mẹ còn đang say giấc. Để giúp bé ngủ lâu hơn, bạn liền cho bé đi ngủ trễ hơn giờ đi ngủ mọi ngày. Trên thực tế, trẻ sơ sinh ngủ ngon hơn, kéo dài và khóc ít hơn nếu bé được ngủ sớm vào buổi tối. Những em bé đi ngủ muộn thường mệt mỏi và thiếu năng lượng, kém tinh anh khi thức dậy.



- Bé thức dậy cáu kỉnh, khóc lóc, mệt mỏi nghĩa là đang có bệnh. Đừng vội đưa con đi bác sỹ! Nguyên nhân có thể chỉ vì tối qua bé ngủ chưa đủ giấc hay giấc ngủ không sâu, chưa khỏe.



- Giấc ngủ liền mạch quan trọng hơn ăn tốt: Dinh dưỡng, căng thẳng và tập luyện đều ảnh hưởng đến sự sản xuất hormone tăng trưởng. Với trẻ nhỏ, yếu tố quan trọng nhất giúp hormone tăng trưởng sản xuất tối đa là giấc ngủ. Giấc ngủ ngon giúp hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất, trí não làm việc hiệu quả, giúp bé cao lớn, khỏe mạnh và thông minh.




Trong 12 điều liệt kê trên, bạn thấy mình rơi vào trường hợp nào? Nếu có, bạn nên kiên trì điều chỉnh lại cách chăm sóc, bé sẽ có giấc ngủ lành mạnh và chất lượng hơn. Bạn nên biết, giấc ngủ ngon, đặc biệt là trong những năm đầu đời là tiền đề giúp bé phát triển tối đa chiều cao, trí thông minh, khả năng miễn dịch, đồng thời giúp bé lập được những bước phát triển quan trọng đầu đời. Không gì hạnh phúc hơn nếu mỗi sớm mai thức dậy, bạn được chứng kiến những bước phát triển đầu tiên của con: Lần đầu con cười, lần đầu con biết lẫy, lần đầu con biết bò, lần đầu con gọi mẹ…