CẢ ĐÊM NGON GIẤC



Nếu sáng dậy, bé yêu tỉnh táo, lanh lợi, i a trò chuyện, vui vẻ khám phá nghĩa là cả đêm qua bé đã ngủ ngon giấc. Những đêm ngon giấc này giúp bé phát triển tối ưu về chiều cao, hệ miễn dịch và cả trí não, đảm bảo con bạn lớn lên khỏe mạnh và thông minh.



Ngược lại, bé thức dậy uể oải, cáu kỉnh, không chịu chơi, bám chặt lấy mẹ và quấy khóc, có thể đêm qua bé ngủ không ngon giấc. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của bé, mà trước hết có thể khiến bé không theo kịp những bước phát triển đầu đời như biết lật, bò, ngồi, đứng, đi... như bạn bè cùng tuổi.



Mười điều nên và mười điều không nên dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong việc đảm bảo cho con có giấc ngủ chất lượng nhất:




10 KHÔNG



- Trao cho bé món đồ chơi yêu thích khi bé gần đến giờ đi ngủ. Lý do vì, khi bé chơi, não phải làm việc thêm giờ và kết quả, bé bị kích thích, rồi quá mệt mỏi, khó khăn với việc lên giường đi ngủ cũng như duy trì giấc ngủ ngon.



- Giữ không gian quá yên tĩnh: Những âm thanh quen thuộc nhẹ nhàng như tiếng ru của mẹ, tiếng nhạc không lời, tiếng chuyển động tích tắc của đồng hồ... rất dễ khiến bé ngủ. Chỉ những âm thanh lạ mới đánh thức bé mà thôi.



- Cho bé đi ngủ quá muộn: Bạn đi làm cả ngày và chỉ tranh thủ buổi tối để vui chơi với con. Việc làm này cần thiết nhưng việc cho bé ngủ đúng giờ cũng cần thiết không kém. Bạn có thể tranh thủ về sớm để có thêm thời gian chơi cùng con nhưng nhất định nên cho bé ngủ đúng giờ, trong khoảng 7-8 giờ tối.



- Cho bé xem ti-vi trước khi ngủ. Những màu sắc tươi sáng, ánh sáng, chuyển động, trò chơi hấp dẫn trên phương tiện này khiến bé tỉnh táo và còn ảnh hưởng đến não bộ, tâm trạng bé sau khi thức dậy.



- Đung đưa bé ngủ suốt đêm: Nhiều bé quen với cảm giác đung đưa khi ngủ như nằm võng, nằm nôi rung. Bạn có thể đung đưa khi dỗ bé ngủ nhưng khi con đã ngon giấc, bạn nên đặt bé vào giưỡng, cũi, yên tĩnh. Bé ít bị giật mình và chất lượng giấc ngủ sẽ tốt hơn.



- Dễ mủi lòng khi con nhõng nhẽo: Khi đã thiết lập thói quen ngủ cho con, bạn cần kiên quyết đi theo kế hoạch đó đến cùng. Nếu bạn mủi lòng, chiều theo ý bé, bé hiểu rằng, cứ đòi là sẽ được và sẽ phá vỡ thói quen bạn đã dày công gây dựng.



- Chuyển từ cũi sang giường riêng cho bé quá sớm. Trước khi bé được 3 tuổi, bé vẫn nên ngủ trong cũi riêng. Bạn không nên chuyển từ cũi sang giường quá sớm vì trước tuổi lên ba, bé chưa phát triển nhận thức và tự chủ khi một mình ở trong chiếc giường. Sự hoảng hốt khiến bé không ngủ hoặc hay thức dậy trong đêm.



- Tạo dựng thói quen vừa bú sữa vừa ngủ vì điều này có thể khiến bé dễ bị sâu răng, hôi miệng. Với bé thức dậy ăn đêm, cần rút bình sữa khi bé đã ngủ và cho bé tráng miệng với nước ấm. Các bé đã dứt ăn đêm có thể uống sữa trước giờ đi ngủ.



- Đặt nhiều đồ chơi quanh cũi ngủ của bé, nhất là đồ chơi phát ra âm thanh và ánh sáng. Chúng không giúp bé yên tâm, dễ ngủ, ngược lại khiến bé tỉnh táo, bỏ qua tín hiệu buồn ngủ.



- Cho bé ngủ với quá nhiều gối ôm, chăn màn hoặc che khăn, đội mũ, quấn quần áo quá chật. Những điều này khiến bé khó chịu và có thể gây ra hiện tượng khó thở, đột tử trẻ sơ sinh...



- Mặc tã quá sớm trước giờ đi ngủ. Mặc tã càng gần lúc bé đi ngủ càng giúp tã khô thoáng, giảm tình trạng ẩm ướt, nặng nước tiểu khiến bé khó chịu, thức giấc.




10 NÊN



- Cho bé mặc quần áo thoải mái, co giãn tốt, mát mẻ về mùa hè, ấm về mùa đông.



- Tạo thói quen trước khi đi ngủ mà bé yêu thích như tắm nước ấm, mát-xa, hát ru, nghe nhạc, đọc sách... Bé rất thích sự quen thuộc vì nó khiến bé có cảm giác bình yên, an toàn, dễ chịu.



- Dạy bé cách phân biệt ngày và đêm. Ban ngày, bạn mở hết cửa cho ánh sáng vào nhà, cho bé ra ngoài vui chơi nhưng giờ ngủ, bạn nên đảm bảo không gian tối. Điều này tránh được tình trạng bé ngủ ngày thức đêm.



- Thiết lập nhiệt độ phòng ổn định: Nếu bé ngủ với máy điều hòa, 1 giờ trước khi bé ngủ, bạn thiết lập nhiệt độ phòng ổn định, khoảng 26 độ C. Nhiệt độ mát mẻ này sẽ giúp bé thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon cả đêm. Trước giờ bé dậy chừng 30 phút, bạn tắt máy điều hòa, có thể bật quạt điện thay thế để tránh sự chênh lệch nhiệt độ, dễ khiến bé mắc bệnh.



- Để bé ngủ xa những nơi có tiếng ồn lớn. Nếu bé nhạy cảm với âm thanh, bạn nên cho con ngủ trong phòng có khả năng cách âm tốt nhất.



- Cho bé đi ngủ ngay, thậm chí trước khi bé có các dấu hiệu buồn ngủ như dụi mắt, kém tập trung, không muốn chơi, rên rỉ... Nếu không cho bé đi ngủ khi có tín hiệu này, tuyến thượng thận sẽ sản xuất hormone cortisol, gây căng thẳng khiến bé cáu kỉnh, khóc lóc, khó ngủ.



- Thử nghiệm phương pháp Ferberizing nếu bạn mất nhiều thời gian, công sức để dỗ dành con ngủ. Với phương pháp này, bạn sẽ cho bé vào cũi ngủ ngay khi bé có dấu hiệu thiu thiu buồn ngủ. Mặc dù bé khóc, bạn cũng không bế bé lên mà chỉ vỗ vễ trấn an. Sau đó, bạn rời khỏi phòng khoảng 5 phút và quay lại vỗ về nếu bé còn quấy khóc nhưng nhất quyết không bế khỏi cũi. Bạn cứ lặp lại quy trình này đến khi bé ngủ theo quy tắc thời gian rời khỏi phòng của đêm sau lâu hơn đêm trước. Bé hiểu rằng, dù có khóc lóc, cũng không được mẹ bế bồng nên học cách tự an ủi và tự ngủ dễ dàng.



- Cho bé đi khám bác sỹ và bổ sung can-xi, vitamin D nếu bé thường hay quấy đêm và ngủ không ngon giấc.



- Chăm sóc bé thật nhanh và đơn giản khi bé thức giấc vào nửa đêm. Bạn không trò chuyện, không đưa đồ chơi hay bật điện sáng cho con. Nếu bạn đáp ứng mọi nhu cầu này của bé, bé sẽ hiểu thức dậy trong đêm sẽ được thưởng bằng mọi thứ mình thích và có thể sẽ lặp lại vào những đêm khác.



- Kiểm tra tã là việc đầu tiên khi bé thức giấc và khóc trong đêm. Bé có thể đại tiện (ngửi thấy mùi) hoặc tiểu tiện quá nhiều (sờ vào tã thấy nặng, phồng to) khiến mông ẩm ướt, khó chịu. Tã ướt, bẩn là một trong hai nguyên nhân phổ biến hàng đầu khiến bé thức giấc, chỉ sau đói bụng. Nếu chiếc tã chất lượng đảm bảo suốt đêm thoáng khô, bé sẽ có một đêm ngủ ngon và liền mạch.