Các mẹ đã biết chọn đệm như thế nào chưa ạ?


Em xin tư vấn cho các mẹ nhé! Khi chọn đệm, các mẹ cần quan tâm đến các vấn đề sau:


1. Kích thước giường


Tại Việt Nam, các cỡ giường phổ thông là 1,2m x 1,9m, 1,5m x 1,9m, 1,6m x 2m và 1,8m x 2m. Các bộ ga gối cho giường lệch cỡ có thể được đặt trước.


2. Hợp với màu nội thất


Với khách hàng mới mua ga gối (tân gia, tân hôn) nên chọn bộ ga có màu sắc hợp với màu tường, và thiết kế hài hòa với nội thất. Với các khách hàng mua từ bộ ga thứ 2 trở lên nên mua tùy theo sở thích để thay đổi cho phong phú, mà không cần quan tâm nhiều tới màu tường.


Cũng có thể phối màu ga gối với các vật trang trí bằng vải khác trong nhà để tạo sự đồng bộ: như phối ga gối với rèm cửa, đệm ghế, thảm, tranh ảnh… chứ không nhất thiết phải phối với màu tường


3. Lời khuyên khi chọn đệm


Một tấm đệm tốt phải đủ độ cứng để nâng đỡ cột sống của người sử dụng khi ngủ. Tuy nhiên, ngủ trên một mặt phẳng cứng như sàn nhà lại không phải là lựa chọn tốt, đặc biệt là khi nằm nghiêng. Như vậy đệm cũng phải đủ mềm để không gây tổn thương, hay ít nhất là cảm giác khó chịu cho người sử dụng. Đồng thời, một tấm đệm tốt cũng phải có độ đàn hồi để giúp giữ cho xương sống ở trạng thái tự nhiên khi ta ngủ. Tấm đệm quá cứng sẽ làm cho xương ở sau vai bị đau. Tấm đệm quá mềm sẽ không trợ lực được cho xương sống và gây mỏi ở vùng xương sống trên thắt lưng. Ngoài ra, người tư vấn cần lưu ý khách hàng rằng độ cứng, mềm của đệm chỉ là tương đối; cùng một tấm đệm, một người có thể thấy hết sức thoải mái, nhưng lại là quá cứng với người khác. Việc chọn một tấm đệm phù hợp với thói quen sử dụng và độ tuổi xương sống của người sử dụng là rất quan trọng.


4. Bảo quản đệm


Để giúp đệm không bị lõm, khách hàng nên thường xuyên xoay đệm để giúp giảm áp lực lên những khu vực nhất định của đệm, giúp các khu vực này có thời gian “nghỉ” để phục hồi lại độ đàn hồi. Một tấm đệm thông thường cứ 3 đến 4 tháng nên được xoay lại 1 lần.


Ngoài ra khách hàng cũng có thể mua thêm tấm “bảo vệ đệm” để phía trên tấm đệm nhằm giảm áp lực lên đệm và giữ sạch cho đệm. Khi cần chỉ cần giặt tấm bảo vệ đệm, chứ không cần làm sạch cả tấm đệm. Những tấm bảo vệ đệm bằng bông hoặc mút cũng có thể làm cho đệm mềm hơn.


Có thể dùng máy hút bụi để làm sạch bề mặt đệm.


Không nên nhảy hay dẫm lên đệm sẽ làm đệm chóng hỏng.


Quý khách nên thay đệm khi đệm có nhiều chỗ lõm, bề mặt bị rách; khi nằm không thoải mái, hay bị nhức mỏi khi thức giấc.


5. Chiều cao của giường và đệm


Được tính là khoảng cách từ bề mặt đệm đến sàn nhà. Nếu ga phủ quá ngắn so với chiều cao của giường sẽ làm hở gầm giường quá nhiều. Nếu ga phủ quá dài sẽ bị quệt xuống sàn nhà. Nếu sử dụng ga chun thì khách hàng chỉ cần quan tâm đến độ dày của đệm, nếu tấm ga chun được thiết kế cho đệm mỏng (ví dụ 10cm) thì không thể lồng vào đệm dày (30cm). Ngược lại nếu ga chun được thiết kế cho đệm dày, khi lồng vào đệm mỏng trông sẽ không gọn gàng, đẹp mắt.


6. Kết cấu của đệm


Đệm có 3 lớp chính: Lớp lõi, lớp tiện nghi, và lớp vải bọc.


Lớp lõi của đệm tạo khung và là lớp chịu lực chính của đệm. Độ bền và độ đàn hồi của đệm phụ thuộc chính vào chất liệu của lớp này.


Lớp tiện nghi là lớp giữa lớp vải bọc và lớp lõi, giúp điều chỉnh độ cứng mềm của đệm cho phù hợp với người dùng. Ví dụ, lớp tiện nghi bằng than hoạt tính sẽ làm cho đệm mềm hơn và chống khuẩn.


Lớp vải bọc là lớp vải bọc bên ngoài đệm. Lớp này tạo bề mặt mượt mà cho đệm, và giúp tăng độ thẩm mỹ cho đệm.


7. Đệm bông ép


Đệm bông ép được sản xuất bằng việc ép chặt các lớp bông polyester vào nhau bằng nhiệt độ cao.


Đệm bông ép là giải pháp giá cả phải chăng cho những người ưa đệm cứng. Do giá thành của đệm lò xo có độ cứng tương đương là một khoản đầu tư không nhỏ. Đệm bông ép có ưu điểm là giá cả phải chăng, nhẹ, cứng, bền, và có thể gấp 2 hoặc gấp 3 nên dễ dàng vận chuyển.