Tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà các ông bố bà mẹ cần phải có hiểu biết cơ bản.

Tắm cho trẻ sơ sinh là việc mà ông bố bà mẹ nào cũng phải làm trong thời gian chăm con nhưng không phải ai cũng có kinh nghiệm nên khá bối rối. Tắm như thế nào, cần chuẩn bị những gì và đặc biệt là làm sao đảm bảo sức khỏe cho con là điều cần phải học hỏi.

Những điều cần chuẩn bị tắm cho trẻ sơ sinh

Dụng cụ tắm cho trẻ sơ sinh

Trước khi tắm cho trẻ sơ sinh, hãy đảm bảo là bạn đã chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ cần thiết. Dưới đây là một số thứ mà bạn và gia đình cần lưu ý:

Hai thau tắm có chứa nước ấm từ 36 - 37 độ C. Cách đơn giản để biết nhiệt độ như thế nào vừa với bé là dùng khuỷu để kiểm tra độ ấm của nước. Tuyệt đối tránh trường hợp tắm bằng nước quá nóng cho trẻ nên bố mẹ chú ý nhé.

tắm trẻ sơ sinh tại nhà

Tắm trẻ sơ sinh tại nhà. Ảnh minh họa

Quần áo, tã giấy, khăn, tất chân, bao tay, mũ, bông gòn và cồn 70 độ vệ sinh rốn cho trẻ.

Sữa tắm, dầu gội, phấn rôm, dầu thoa dành riêng cho trẻ sơ sinh.

Không gian tắm phù hợp: Hãy chọn phòng tắm kín gió, đủ ánh sáng, nhiệt độ phòng nên trong khoảng 29 - 30 độ C và bố mẹ lưu ý là không bật điều hòa, quạt khi tắm bé. 

Tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách

Hãy đảm bảo là bạn đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và phòng tắm phù hợp cho bé. Giờ chúng ta cùng sang giai đoạn quan trọng là tắm cho bé với những bước sau:

Chú ý tư thế tắm: Đặt bé lên một mặt phẳng và lần lượt cởi hết quần áo, tã giấy để sang một bên. Nhẹ nhàng bế bé đến vị trí có thau tắm. Bạn nên ngồi trên ghế nhỏ, chống hai chân, đặt bé lên đùi, tay trái đỡ gáy bé.

Rửa mặt: Trẻ sơ sinh nên mỗi bước thực hiện đều phải thật nhẹ nhàng. Hãy dùng khăn mềm thấm nước ấm, vắt khô rồi lau mặt, lau mắt, sống mũi, tai, cổ cho bé. 

Gội đầu: Dùng ngón tay cái và ngón giữa của bàn tay trái bịt lỗ tai của trẻ. Việc này nhằm tránh nước có thể vào tai bé trong quá trình tắm gội. Tay phải nhúng ướt khăn xô xoa lên đầu làm ướt tóc con và thoa dầu gội cẩn thận không để dính vào mắt con. Sau đó nhẹ nhàng dùng khăn rửa sạch dầu gội trên đầu con.

Tắm toàn thân: Sau khi rửa mặt và gội đầu xong xuôi, đến bước tắm toàn thân cho bé. Đặt bé vào thau, tay trái vẫn đỡ phần cổ. Tắm toàn thân trẻ bằng sữa tắm và lưu ý vệ sinh sạch vùng kín, bẹn, khủy tay, khủy chân, mông, nách,... 

Trẻ sơ sinh chưa rụng rốn: Bố mẹ không được để nước rơi vào cuống rốn của bé mà hãy tắm cẩn thận trừ vùng này ra và tham khảo thêm bác sĩ cách vệ sinh nha. 

Đặt bé vào thau nước sạch thứ 2: Sau khi trải qua các bước trên xong, bố mẹ hãy chuyển bé vào thau thứ 2 chứa nước sạch. Việc này nhằm rửa sơ qua các bộ phận một lần nữa để đảm bảo là bé đã sạch sẽ. Chúng ta chuyển qua bước tiếp theo.

Sau khi tắm cho trẻ sơ sinh xong

Trẻ sơ sinh được tắm sạch sẽ, bố mẹ hãy nhanh chóng lấy khăn khô đã chuẩn bị từ trước ra thấm sạch nước trên người bé rồi chuyển qua chiếc khăn khô thứ 2. Lúc này, hãy để bé nằm trên giường, thoa phấn rôm vào phần cổ, nách, ngực, bẹn, mông, khủy tay khủy chân để tránh bị hâm. 

Nhỏ 1 giọt nước muối sinh lý vào mắt, mũi của bé. Sau đó nhỏ vào miếng rơ lưỡi để rơ lưỡi cho bé. Đừng quên dùng tăm bông lau khô vành tai bé và nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào tăm bông vệ sinh xung quanh cuống rốn. 

rơ lưỡi sau khi tắm cho trẻ sơ sinh

Rơ lưỡi sau khi tắm cho trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa

Sau khi làm xong, bạn hãy mặc tã cho bé và tránh tã cọ vào rốn. Mặc quần áo bên ngoài và xoa chút dầu tràm vào 2 tay bạn rồi chà vào người bé ở lồng ngực, lưng, lòng bàn tay, bàn chân. Mang bao tay bao chân vào cho con rồi dành chút thời gian ôm con vào lòng để con được ấm áp sau khi tắm xong. Sau một vài lần, bạn sẽ tắm thành thạo cho con và có thể truyền đạt lại kinh nghiệm nữa đấy. 

Những lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh

Thời điểm tắm

Trẻ sơ sinh không có giờ tắm cụ thể mà phụ thuộc vào thời gian sinh hoạt của bé. Tuy nhiên, bố mẹ nên lưu ý tắm cho con vào lúc ánh mặt trời ấm áp để tốt cho sức khỏe của bé. Theo các chuyên gia thì thời gian tắm tốt nhất là vào khoảng 10 - 11h và 15 - 16h. Mỗi lần tắm chỉ khoảng 4, 5 phút chứ không nên tắm quá lâu và phải thấm khô nước cho bé ngay khi tắm xong, ủ ấm bằng khăn sạch. 

sau khi tắm cho trẻ sơ sinh

Dịu dàng và cẩn thận lúc tắm bé. Ảnh minh họa

Đừng tắm lúc trẻ đói

Trẻ sơ sinh cần được bạn quan sát và chăm chút một cách tỉ mỉ, ngay cả việc tắm rửa cũng vậy. Không nên tắm lúc bé đói hoặc vừa bú xong bởi lúc đói bé sẽ quấy khóc không chịu hợp tác. Còn sau khi bú xong nếu tắm sẽ dễ khiến thức ăn, sữa bị nôn ra ngoài.

Rưới nước chậm trên da

Để bé làm quen với nhiệt độ của nước, bạn hãy rưới chầm chậm nước ấm lên cơ thể bé trong suốt quá trình tắm. Chú ý mực nước trong chậu cao vừa khỏi tầm vai của bé sẽ có tác dụng giữ ấm và đem lại sự thoải mái tối đa.

Một vài thứ nên chú ý khi tắm cho trẻ sơ sinh

Trước khi tắm cho con, bạn nên chuẩn bị tất cả các dụng cụ tắm cần thiết và để sẵn sau khi tắm là dùng ngay. 

Đóng các cửa phòng để giúp căn phòng trở nên ấm áp, con không bị cảm lạnh.

Nên chọn sữa tắm dịu nhẹ phù hợp với da em bé và liều lượng ít. Nếu dùng quá nhiều sẽ khiến làn da mỏng manh của con bị khô.

Nói chuyện với con trong quá trình tắm để giúp con thấy thoải mái hơn và đồng thời cũng gắn kết tình cảm bố mẹ và con.

Mỗi đứa con là một thiên thần nhỏ, việc con chào đời là hạnh phúc lớn lao không gì sánh bằng của các ông bố, bà mẹ và mở ra một giai đoạn mới với rất nhiều trải nghiệm, thử thách, bài học... Từ những thứ nhỏ nhất như tắm cho trẻ sơ sinh đến việc chăm sóc, dạy dỗ các con, ở mỗi giai đoạn đều mang đến đầy đủ cung bậc cảm xúc  và kinh nghiệm khác nhau. 

Bài liên quan:

Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh an toàn ngay tại nhà

Những thực phẩm nên và không nên cho trẻ sơ sinh ăn khi bị nhiệt miệng

Cách thức tăng chiều cao an toàn cho trẻ sơ sinh