Ngoài niềm hạnh phúc có hai thiên thần giống hệt nhau đang lớn bên nhau từng ngày, chỉ bố mẹ của các bé song sinh mới hiểu rõ việc chăm sóc trẻ sinh đôi đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và sức lực như thế nào…



1. Giai đoạn bầu bì khó khăn. Từ lúc thụ thai cặp song sinh, tôi cảm thấy rõ sự khó khăn so với hai lần sinh trước. Bụng tôi căng gấp đôi bình thường, kéo theo cảm giác mệt mỏi và nặng nề gấp đôi bình thường. Tôi vẫn ăn bấy nhiêu lượng đồ ăn, uống bấy nhiêu sữa và hít thở bấy nhiêu không khí; nhưng tôi cảm giác như mình bị tiêu hao năng lượng gấp đôi. Khó khăn nhất là những ngày cuối của thai kỳ, tưởng như tôi khó có thể lê bước. Thân thể như bị trì xuống. Tôi ước gì mình có thể nằm một chỗ cho đến ngày sinh.


2. Ốm nghén trầm trọng.
Một trong những đặc trưng của mẹ mang song thai là tình trạng ốm nghén sẽ trầm trọng hơn rất nhiều, hãy chuẩn bị cho khó khăn này. Nguyên nhân của việc ốm nghén hơn bình thường này là do hormone gonadotropin (hormone điều hòa tuyến sinh dục) ở mẹ mang song thai sẽ cao hơn. Vì vậy bạn sẽ thường xuyên có cảm giác buồn nôn, nôn ói đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài ra các bà mẹ mang thai đôi còn đau lưng, khó ngủ và ợ nóng nhiều hơn các mẹ mang thai đơn. Tỷ lệ thiếu máu và xuất huyết khi sinh nở ở mẹ mang song thai cũng trầm trọng hơn nhiều, do mẹ phải nuôi hai bào thai trong tử cung.



3. Sinh mổ là phổ biến.
Do các ca sinh đôi thường có nhiều biến chứng hơn so với sinh một con, nên khả năng phải sinh mổ chiến đến 80% với các mẹ mang song thai. Với các ca song sinh, tỷ lệ mang thai ngược ở các cặp song sinh là rất phổ biến (tức là hai bé không cùng ngôi thai). Chính vì vậy, những tuần cuối thai kỳ, bạn nên khám thai thường xuyên để chọn được phương pháp sinh nở an toàn nhất. Nếu xác suất sinh thường không đảm bảo, thì hãy mạnh dạn chọn sinh mổ.


4. Cuộc sống vợ chồng gặp nhiều khó khăn hơn.
Có lẽ bạn không thể tưởng tượng được rằng việc chăm bé song sinh sẽ ngốn hết toàn bộ quỹ thời gian của bạn, khiến bạn không kịp thở, không kịp ăn, không kịp ngủ, chứ nói chi đến chuyện yêu. Nếu không nhận được sự thông cảm và chia sẻ từ chồng, người thân trong gia đình, có lẽ bạn sẽ không màng đến chuyện ấy nữa cho đến khi hai bé song sinh lớn.


5. Sinh đôi là gấp đôi niềm vui và gắp trăm lần bận rộn.
15 tháng, cặp song sinh của bạn tôi đã nhảy ra khỏi cũi, mở tung tất cả các ngăn kéo và ngăn tủ trong phòng, lục tung tủ lạnh, nhét tăm vào các ổ khóa, đạp hoặc quăng đồ điện tử, giấu hết các remote, xé tanh bành các miếng tã hoặc khăn giấy… Bạn hãy tưởng tượng khi có 2 đứa con sinh đôi trong nhà, và chúng đang ở độ tuổi tập đi thì chẳng khác nào đang ở chung với hai con khỉ con hoang dã lộn xộn và nghịch ngợm. Dĩ nhiên, niềm vui của sinh đôi cũng là một niềm vui cực kỳ đặc biệt mà không phải ai cũng được tận hưởng.



6. Bạn thực sự cần những người giúp việc, người trông trẻ và tiềm lực kinh tế.
Bạn đang nuôi hai đứa trẻ trong nhà chứ không phải lần lượt từng đứa một. Tất cả mọi thứ một đứa trẻ bình thường cần, giờ thì con bạn cần gấp đôi: hai chục chiếc quần, hai chục chiếc áo, hai cái cũi, hai xe đẩy, gấp đôi số bình sữa và sữa hộp, gấp đôi các thể loại chi phí cần thiết cho một đứa trẻ... Và dĩ nhiên là bạn không thể thiếu người hỗ trợ: có thể là người thân, hoặc phải thuê người phụ giúp. Chính vì thế, bạn phải chuẩn bị túi tiền nhiều hơn bình thường để có thể duy trì cuộc sống của cả gia đình.


7. Bạn là một chiến binh.
Bạn cần gấp đôi sức lực và tinh thần để chăm sóc hai đứa trẻ sinh đôi. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ, bạn cần phải cung cấp đủ sữa cho cả hai đứa con bé bỏng. Hoặc mỗi khi cho con bú, tắm rửa, thay đồ, mặc bỉm, ăn dặm… bạn cần phải nhanh gấp đôi bình thường. Lúc này, bạn cần sự giúp đỡ của chồng mình. Bạn cần anh ấy chơi với con, dỗ con ngủ, trông đứa này để bạn phục vụ đứa kia.


Chăm sóc trẻ sinh đôi chắc chắn rất vất vả nhưng niềm vui khi ngắm nhìn hai thiên thần nhỏ giống nhau như hai bản sao cũng to lớn không kém nên nếu bác sĩ đã thông báo bạn mang thai đôi thì hãy lên dây cót tinh thần và chuẩn bị mọi thứ ngay từ bây giờ nhé!