Sinh con ra và nuôi dưỡng con, không mẹ nào không muốn con mình thông minh để sau này tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Em cũng là một bà mẹ hai con và chẳng khác gì các mẹ đâu ạ!


Lo cho tương lai sau này của con nên từ khi con còn rất bé, em đã luôn làm những gì tốt nhất có thể để con phát triển trí thông minh. Thành ra em cũng hay mày mò đọc rất nhiều sách và tài liệu khoa học để tìm hiểu xem cách nào nuôi dạy con tốt. Nói chung cũng chịu khó vì con vậy thôi, chứ có những cái cao siêu quá em cũng chẳng hiểu tới, nhưng chỉ duy có một điều em hiểu rất rõ đó nha!


Các mẹ biết không, để một đứa trẻ thành công trong tương lai không chỉ chăm lo phát triển chỉ số IQ cho con là đủ đâu nha! Mà nhất thiết con phải có cả chỉ số IQ lẫn EQ mới đủ à nha!


webtretho


IQ thì nhắc tới có thể các mẹ ai cũng biết rồi, nhưng về EQ, em dám chắc là nhiều mẹ nghe nói đến cũng ù ù cạc cạc như em trước đây thôi. Thế nên, sẵn đây với những gì mày mò đọc hiểu được, em chia sẻ cho các mẹ hiểu hơn nha!


IQ (Intelligence Quotient) là chỉ số thông minh. Đó chính là khả năng nhận thức của một đứa trẻ về những lĩnh vực khác nhau như ngôn ngữ, toán học… Các bé có chỉ số IQ là những đứa trẻ có: tư duy phản biện, khả năng tập trung, xử lý tình huống để luôn thao tác, xử lý và phân tích thông tin ở mức độ chuyên sâu và với tốc độ vượt trội hơn so với những đứa trẻ khác. Theo thời gian, IQ có thể thay đổi sụt giảm hoặc tăng. Nhưng quan trọng nhất… (các mẹ chú ý kỹ nha ☺) IQ có thể dùng để đánh giá trí tuệ, năng lực tư duy của một đứa trẻ nhưng nó KHÔNG QUYẾT ĐỊNH khả năng thành công hay thất bại của mỗi đứa trẻ đâu à nha! Cái điểm này quan trọng lắm đó!


EQ (Emotional Quotient) là chỉ số cảm xúc. Nó dùng để chỉ về khả năng nhận biết, đánh giá và kiểm soát cảm xúc của chính bản thân cũng như của người khác, để luôn thấu hiểu và biết cách chế ngự cảm xúc. Thông thường để đánh giá trí thông minh cảm xúc của một đứa trẻ, người ta sẽ dựa trên 4 cấp độ: Nhận biết cảm xúc (nhận biết đủ và đúng cảm xúc của chính mình cũng như những người khác); Hiểu được cảm xúc (thấu hiểu được các cung bậc cảm xúc, biết nguyên nhân và hệ quả của những cảm xúc đó); Tạo ra cảm xúc (dùng khả năng giao tiếp của mình để diễn đạt cho người khác hiểu cảm xúc và đáp lại các cảm xúc của người khác, nhờ đó thấu hiểu và chia sẻ được với người khác); Quản lý cảm xúc (kiểm soát được cảm xúc của mình, biết cách cư xử thế nào cho hợp lý). Cũng chính vì thế mà những đứa trẻ có chỉ số EQ cao, có khả năng hiểu và kiểm soát cảm xúc của bản thân và cả người khác nên chúng rất giỏi trong việc giao tiếp, làm việc theo nhóm, giúp tổ chức gắn kết và thúc đẩy việc đạt được kết quả tốt. Chính những kỹ năng sống này là một yếu tố rất quan trọng giúp trẻ thành công sau này, giúp trẻ có những kỹ năng đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Trẻ biết vận dụng, biến những kiến thức của mình để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống cho phù hợp.


webtretho


Nói đến đây chắc các mẹ đã nắm được IQ và EQ là gì rồi phải không? Đây chính là vấn đề rất đáng để các mẹ quan tâm và hiểu sâu xa hơn đấy ạ! Chính xác thì trí thông minh cảm xúc (EQ) và trí thông minh nhận thức (IQ) có mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Nuôi dưỡng một đứa trẻ phát triển chỉ số EQ cũng là cách giúp đứa trẻ có đủ năng lực hoàn thiện, để sử dụng chỉ số IQ của mình sao cho đạt được những thành công cao nhất để trở thành một người thành đạt trong tương lai.


Trong một nghiên cứu mới nhất mà em đọc được từ các tài liệu khoa học ở Việt Nam và nước ngoài, thì có một phát hiện rất đáng chú ý được công bố trên tạp chí Social Conitive & Affective Neuroscience. Đây là thành quả của các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Illinois. Trong đó, họ đã khẳng định chỉ số thông minh IQ sẽ tăng tỷ lệ thuận với chỉ số cảm xúc EQ.


Cũng trong nghiên cứu lần này, trưởng nhóm, nhà nghiên cứu Aron Barbey cho biết trí tuệ của một người không chỉ phụ thuộc vào nhận thức của trí tuệ, năng lực của tư duy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào mối tương giao xã hội.


webtretho


Nghe ra thì có vẻ khoa học và hàn lâm quá phải không các mẹ?!! Nhưng hiểu đơn giản thì thế này, về cơ bản, con người không thể tách mình ra khỏi xã hội và các con của chúng ta cũng vậy. Trí não của chúng ta nhận thức và tư duy chuyên sâu về các lĩnh vực khác nhau như toán học, ngôn ngữ,… rốt cuộc cũng chỉ để vận dụng vào những tình huống của cuộc sống, để hiểu hơn về người khác và đạt được những mối quan hệ xã hội phục vụ cho công việc. Ai vận dụng tốt thì người đó sẽ dễ dàng đạt được thành công thôi. Dễ hiểu như thế thôi ạ!


Vâng, nói tóm lại thế này, một đứa trẻ muốn có được thành công trong tương lai thì chỉ số IQ thôi sẽ không đủ mà còn cần đến cả chỉ số EQ. Có chỉ số EQ cao, con sẽ tự biết cách sử dụng IQ như thế nào để đạt được những gì mình mong muốn. Và đứa trẻ có được điều này chắc chắn sẽ là người làm chủ được cuộc đời mình để trở thành những nhà lãnh đạo tài giỏi về sau.


Do đó, bố mẹ nào chỉ chăm chăm tìm mọi cách phát triển chỉ số IQ cho con mà không chú trọng đầu tư phát triển cả chỉ số EQ thì đó chính là một sai lầm. Sai lầm thì có thể sửa chữa nhưng đừng để mọi chuyện quá muộn màng các bố mẹ nhé!