Hướng dẫn chi tiết cách vệ sinh mắt, tai, mũi, miệng, rốn và vùng kín trẻ nhỏ
Sinh con lần đầu hẳn mẹ sẽ khá lúng túng trong việc chăm sóc và vệ sinh cơ thể cho con? Nhưng đừng lo mẹ nhé! Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn mẹ cách vệ sinh tai, mắt, mũi, miệng, rốn và cả vùng kín cho con một cách an toàn và khoa học nhất!
1. Vệ sinh mắt
Sử dụng bông gòn mềm, sạch vệ sinh mắt cho trẻ
Mắt là nơi rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nếu mẹ lau mạnh hoặc sử dụng khăn, gạc lau cho trẻ không được sạch.
Trước tiên, mẹ cần rửa sạch tay sau đó dùng nước muối sinh lý nhỏ vào mắt bé (lần lượt mắt trái và mắt phải) rồi dùng bông gòn mềm nhẹ nhàng lau sạch vùng mắt bé theo trình tự từ khóe mắt ra ngoài. Mỗi bên mắt mẹ sử dụng miếng bông sạch khác nhau để hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh từ mắt này sang mắt kia.
Ngoài bông gòn, mẹ có thể sử dụng khăn xô mềm để lau mắt cho trẻ. Lưu ý, khi rửa tuyệt đối nhẹ tay, không cố gắng lấy ghỉ mắt của bé vì có thể làm mắt bé đỏ và đau.
2. Vệ sinh tai
Vệ sinh tai sai cách có thể khiến con bị thủng màng nhĩ, viêm tai, do đó, mẹ cần hết sức cẩn thận. Các bước thực hiện như sau: Vệ sinh phía bên trong vành tai bằng bông tai đã thấm nước ấm hoặc nước muối sinh lý. Nhớ đừng cố vệ sinh sâu bên trong tai vì vô tình có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn trong màng nhĩ hoặc làm thủng màng nhỉ của con. Tốt nhất, chỉ nên vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài, sau đó dùng khăn sạch vệ sinh vành ngoài tai là được.
Mẹ nên vệ sinh tai hàng ngày khi tắm cho trẻ để tai trẻ luôn sạch, không bị cáu bẩn, ráy tai nhiều.
3. Vệ sinh miệng
Miệng không sạch sẽ có thể gây ra các bệnh về nấm lưỡi, bé biếng ăn, còi cọc, suy dinh dưỡng. Theo đó mẹ cần làm theo các bước sau:
Chuẩn bị
1 chiếc khăn sạch hoặc gạc rơ lưỡi sơ sinh
1 cốc nước ấm.
Cách làm: Mẹ rửa sạch tay với xà phòng diệt khuẩn.
- Nhúng khăn vào nước ấm, vắt sạch rồi và đưa vào miệng bé. Hoặc mẹ có thể dùng gạc rơ lưỡi nhúng vào nước ấm.
- Làm sạch hai bên vòm miệng bé trước, sau đó làm sạch lưỡi. Thời gian thực hiện 2 lần/ngày vào sáng sớm và sau bữa tối.
- Đối với trẻ mọc răng, mẹ dùng khăn bông mềm để chải mặt trước của răng và làm sạch chúng vào bữa sáng, tối. Trẻ mọc răng trên 12 tháng tuổi, mẹ có thể sử dụng bàn chải mềm để chải nhẹ nhàng răng cho bé.
4. Vệ sinh móng tay trẻ
Cắt móng tay cho trẻ thường xuyên là điều mẹ nên làm. Vì móng tay trẻ nhanh dài, dễ cáu bẩn. Ngoài ra, trẻ cũng có xu hướng cào cấu mặt nếu móng tay quá dài, gây tổn thương da và có thể dẫn tới nhiễm trùng.
Mẹ nên chuẩn bị dụng cụ cắt móng riêng cho trẻ gồm đồ dùng bấm móng nhỏ, một tấm nhám để vệ sinh móng. Khi cắt, mẹ nên nhờ một người giữ tay bé để mẹ cắt hoặc cắt khi bé đang ngủ để đảm bảo sự an toàn cho bé.
Đối với móng tay, mẹ cắt thành vòng tròn các cạnh, móng chân chỉ cần cắt ngang là được. Sau khi cắt, mẹ dùng giấy nhám mài nhẹ móng để móng trơn và không sắc.
5. Vệ sinh rốn cho trẻ
- Trẻ sơ sinh chưa rụng rốn: Giai đoạn này mẹ cần phải chăm sóc trẻ cẩn thận, vì nếu để rốn trẻ nhiễm trùng sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ. Mẹ nên vệ sinh rốn cho trẻ sau khi tắm xong bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào rốn trẻ, làm sạch bằng bông gòn. Sau đó, mẹ chấm thuốc đỏ - làm khô rốn. Vệ sinh như vậy tới khi cuống rốn trẻ rụng thì thôi.
- Trẻ sau khi rụng rốn: Lúc này, rốn trẻ đã lành, mẹ không cần phải vệ sinh quá sâu vào rốn, chỉ cần rửa bằng nước muối sinh lý, dùng bông gòn lau sạch là được.
6. Cách vệ sinh vùng kín bé gái và bé trai
Bộ phận sinh dục là nơi quan trọng và nhạy cảm, đặc biệt là bé gái. Do đó, mẹ cần vệ sinh nhẹ nhàng, sạch sẽ để đảm bảo bộ phận sinh dục không bị viêm nhiễm, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản sau này.
Cách vệ sinh cho bé trai
Cách vệ sinh đơn giản, an toàn là mẹ cho bé ngồi vào chậu nước sạch hoặc lấy nước sạch đổ nhẹ nhàng vào bộ phận sinh dục, dùng tay rửa qua bề mặt phía trên và lau khô bằng khăn sạch. Mẹ không nên cố gắng lột bao quy đầu của bé để vệ sinh vì có thể làm rách bao quy đầu và nhiễm trùng. Thực tế, bao quy đầu sẽ tự lột khi bé trưởng thành, vì vậy mẹ đừng quá lo lắng nếu bao quy đầu bé chưa lột. Ngoài ra, mẹ tuyệt đối không rửa bộ phận sinh dục của trẻ dưới vòi nước mạnh vì có thể làm tổn thương bộ phận sinh dục trẻ.
Cách vệ sinh vùng kín bé gái
Vệ sinh bộ phận sinh dục bé gái khá phức tạp, mẹ cần vệ sinh cẩn thận. Chỉ nên vệ sinh hai mép âm hộ bên ngoài, tuyệt đối không cố vệ sinh sâu bên trong âm hộ vì có thể làm trôi đi các vi khuẩn có lợi và đưa vi khuẩn gây bệnh vào âm hộ.
Do đó, khi vệ sinh cho bé gái mẹ dùng miếng bông mềm, sạch, một tay giữ hai chân bé, nhấc nhẹ lên cao, một tay lau từ phần phụ ra sau hậu môn (không lau ngược lại vì có thể gây nhiễm khuẩn từ hậu môn). Sau đó thì lau khô chỗ kín cho bé sau khi đã rửa sạch.