Cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh là kiến thức quan trọng mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng phải biết. Thay bỉm đúng cách giúp con luôn sạnh sẽ thoáng mát và tránh các nguy cơ viêm nhiễm với làn da non nớt của con.
Các bước thay bỉm cho trẻ sơ sinh
Bước 1: Vệ sinh tay và chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết
Để thay bỉm cho trẻ sơ sinh, mẹ cần rửa tay sạch sẽ, lau khô tay để tránh viêm nhiễm khi tiếp xúc với làn da của con. Bên cạnh đó mẹ cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết để mẹ thao tác nhanh chóng, tránh việc luống cuống tìm đồ khi thực hiện.
(Nguồn ảnh Freepik)
Các vật dụng cần chuẩn bị là:
- Tã dán hoặc miếng lót sơ sinh sạch: Nếu bé đang dùng miếng lót sơ sinh, mẹ hãy tháo 2 lớp keo dán trên miếng lót và dán trực tiếp vào tã chéo hoặc quần đóng bỉm cho con, rồi đặt bỉm ở vị trí thuận tiện nhất. Với tã dán, mẹ hãy trải và kéo nhẹ để làm phẳng bề mặt tã, sau đó cũng đặt sản phẩm gần tầm tay với.
- Khăn giấy ướt loại dành cho bé sơ sinh hoặc khăn giấy khô để thấm ướt và lau cho con
- Khăn bông
- Chậu nước ấm
- Quần áo mới của con
- Kem dưỡng ẩm hoặc kem chống hăm tã
Chuẩn bị mặt phẳng để thay bỉm cho trẻ sơ sinh:
Theo hướng dẫn cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn, mẹ cần thực hiện thao tác này tại nơi kín gió, khô thoáng và đảm bảo vệ sinh. Mẹ có thể trải một tấm chăn, khăn tắm hoặc thảm thay đồ đặt trên mặt phẳng như sàn hoặc giường ngủ.
>> Có thể mẹ chưa biết: 7 khăn giấy ướt chất lượng, an toàn, được nhiều người tin dùng hiện nay
Bước 2: Tháo và xử lý miếng bỉm cũ
Gỡ miếng dán trên tã bẩn, gấp lại nhanh chóng để chất thải không dính vào người bé.
Kéo miếng bỉm đã qua sử dụng từ vùng kín xuống dưới, với bé trai thì mẹ hãy dùng một miếng khăn sạch che đi vùng kín để tránh con tè ướt người khi đang thay bỉm.
Nếu trong tã có dính phân, mẹ hãy dùng mặt trước tã để túm gọn lại hoặc lau phần chất thải đi.
Dùng tay nâng nhẹ nhàng 2 chân con lên khỏi mặt sàn, dùng tay còn lại gập đôi miếng bỉm cũ, lấy ra khỏi mông con và lau dọn sạch sẽ. Nếu phải lấy vật dụng xung quanh, mẹ nhớ luôn để một tay lên người con để bé không xoay trở.
Bước 3: Vệ sinh cho bé sau khi tháo bỉm cũ
Làm sạch phần trước của con bằng khăn ướt cho bé sơ sinh hoặc giấy khô thấm nước ấm. Khi vệ sinh cho bé gái, mẹ nhớ lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo gây nhiễm trùng. Nếu là bé trai, mẹ hãy cẩn thận và nhẹ nhàng khi lau vùng bẹn và dương vật của bé.
Khi thao tác, mẹ có thể nâng từng chân của con lên rồi nghiêng nhẹ người sang để vệ sinh cả phần đùi và hậu môn, cách này giúp da của con khô thoáng cùng lúc.
Khi đã lau sạch cho con, mẹ có thể bôi kem chống hăm để bảo vệ vùng da quanh vùng kín của con.
Bước 4: Đóng bỉm dán hoặc miếng lót cho con
(Nguồn ảnh Freepik)
Cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh đối với bỉm dán:
- Dùng tay nắm vào phần mắt cá chân và nhấc nhẹ 2 chân của bé, sau đó luồn tã/bỉm mới vào dưới mông bé rồi mặc tã mới cho con.
- Mẹ nhớ kéo miếng dán 2 bên tã và dính lại sao cho ôm vừa vặn cơ thể con. Tránh để tã siết quá chặt sẽ làm hằn lên da con, hoặc tã quá lỏng cũng không nên vì sẽ dễ xê dịch và có nguy cơ rò rỉ chất thải.
- Với các bé sơ sinh chưa rụng rốn, mẹ cần gấp phần đai bỉm sao cho nằm dưới rốn bé, không chạm vào vùng rốn chưa rụng của con.
Cách thay miếng lót sơ sinh cho bé
- Đối với tã chéo:
- Đặt bé ở giữa đai lưng, sau đó kéo vạt dưới lên.
- Dán 2 miếng keo 2 bên lại, đảm bảo tã vừa vặn, ôm sát cơ thể của con.
- Đối với tã quần:
- Miếng lót đã dán vào đáy tã quần ở bước 1, mẹ hãy mặc cho con như cách mặc quần thông thường.
- Với bé chưa rụng rốn, mẹ nên điều chỉnh phần bụng của bỉm luôn nằm dưới phần rốn để rốn khô ráo, không bị cọ xát sẽ mau lành và không bị nhiễm trùng.
Bước 5: Kiểm tra xem bỉm đã vừa vặn với con hay chưa
Mẹ hãy kiểm tra độ vừa vặn của bỉm bằng cách cho hai ngón tay vào giữa bỉm và eo của con. Nếu khoảng cách đủ cho 2 ngón tay là vừa đủ. Nếu mẹ khó cho tay vào chứng tỏ tã quá chật, sẽ gây hằn đỏ và cản trở các cử động của bé.
Mẹ đã biết từ A đến Z cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh. Dù sử dụng bỉm dán, tã vải, miếng lót,... thì các bước chuẩn bị và vệ sinh cũng không có nhiều sự khác biệt. Mẹ hãy chú ý thao tác nhanh trong tối đa 40 giây để con không bị nhiễm lạnh và khó chịu nhé.
Nguồn thông tin: Bobby
Xem thêm bài viết liên quan:
TOP bỉm sơ sinh thấm hút tốt, êm ái với làn da non nớt của con và không lo hầm bí
8 khăn sữa cho bé không xù, thấm tốt, là "bạn đồng hành" của nhiều mẹ bỉm
Có nên đóng bỉm 24/24 cho trẻ sơ sinh hay không?
Cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn: Tiết lộ thời gian thay bỉm tốt nhất